Sức sống nơi anh Bế Văn Đàn ngã xuống

GD&TĐ - Khi nén tâm nhang được thắp lên tại Bia tưởng niệm thì bất giác đâu đó ngân vang giai điệu: “Từ chiến thắng Điện Biên lẫy lừng thế giới. Anh bước vào trang sách các em thơ... Bế Văn Đàn một tâm hồn vĩ đại”…

Việc giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng từ tấm gương hy sinh của Liệt sĩ Bế Văn Đàn được duy trì từ đời này sang đời khác.
Việc giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng từ tấm gương hy sinh của Liệt sĩ Bế Văn Đàn được duy trì từ đời này sang đời khác.

Tinh thần đấu tranh quả cảm…

Một chiều đầu tháng 4, chúng tôi có dịp đến xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) để thăm lại mảnh đất anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn đã ngã xuống. Chiến tích ngày xưa giờ đây đã được thay vào bằng những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn trù phú.

Mường Pồn cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ chừng 25km dọc theo Quốc lộ 12 hướng Điện Biên - Lai Châu. Nơi đây có 4 dân tộc anh em: Thái, Mông, Kinh và Khơ Mú cùng đoàn kết chung sống.

Ông Quàng Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Mường Pồn hồ hởi nói: “Chúng tôi yêu cầu các đơn vị trường học trên địa bàn phải giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng từ tấm gương hy sinh của anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn. Có những thế hệ cha anh như thế thì mới có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Các trường đã có nhiều việc làm thiết thực như: Phát băng, đĩa trên loa truyền thanh, tổ chức các buổi học thực tế tại bia tưởng niệm kết hợp với việc giáo dục truyền thống để các thế hệ trẻ khắc ghi. Hôm nay là ngày thứ 6 xanh, các cháu đang tổ chức dọn vệ sinh tại khu tưởng niệm”.

Anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn (SN 1931), ở xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Năm 1948 anh xung phong vào bộ đội giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra quyết liệt.

Đảng ta quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954, đơn vị hành quân đi chiến dịch, anh được phân công làm liên lạc tiểu đoàn. Một đại đội của tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây giữ Pháp ở Mường Pồn. Cuộc chiến đấu diễn ra ngày càng căng thẳng và quyết liệt.

Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội Việt Minh bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù không bắn được vì không có chỗ đặt súng.

Trong tình thế hết sức khẩn trương, anh không ngần ngại chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn nói: “Kẻ thù trước mắt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi”.

Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, anh bị thêm hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Sự hy sinh của Bế Văn Đàn đã trở thành tấm gương tiểu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

“Ngày thứ 6 xanh” được học sinh các trường trên địa bàn thực hiện, duy trì thường xuyên.
“Ngày thứ 6 xanh” được học sinh các trường trên địa bàn thực hiện, duy trì thường xuyên.

Để có một Mường Pồn đổi mới…

Nhớ lại câu chuyện xưa, ông Quàng Văn Tiến nhấn mạnh: Ý thức được truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ đi trước, nhân dân trong xã chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để xây dựng quê hương Mường Pồn ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với xương máu mà các anh đã ngã xuống tại mảnh đất này.

Năm 2020, mặc dù thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường, dịch cúm Covid-19 ảnh hưởng gián tiếp đến sản xuất, chăn nuôi của nhân dân trên địa bàn; song với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền dịa phương cùng với sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong xã vươn lên xóa đói giảm nghèo. Kết quả khả quan là tổng sản lượng lương thực (cây có hạt) đạt gần 2.500 tấn, bình quân đầu người gần 500kg/năm.

“Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã đạt được 14/19 tiêu chí rồi. Cũng nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đầu tư vào địa bàn đã giúp đời sống cả vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Hiện nay, toàn xã chỉ còn lại hơn 17% hộ nghèo. Mục tiêu trong giai đoạn tới sẽ giải quyết nốt số hộ này”, ông Tiến hồ hởi nói.

Sức sống nơi anh Bế Văn Đàn ngã xuống ảnh 2
Một buổi giáo dục truyền thống cho học sinh Trường Tiểu học Mường Pồn.
Một buổi giáo dục truyền thống cho học sinh Trường Tiểu học Mường Pồn.

Nhờ có sự chỉ đạo tích cực trong công tác phòng chống, ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, các chính sách hỗ trợ chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống, kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nên các chỉ tiêu kinh tế năm 2020 đều đạt và vượt so với kế hoạch của huyện và nghị quyết của HĐND xã.

Cùng với phát triển kinh tế thì công tác y tế được quan tâm; công tác giáo dục ở các cấp luôn được duy trì số lượng, chất lượng dạy và học. Các đơn vị trường học đã giữ vững danh hiệu Trường chuẩn quốc gia như: Trường THCS, trường tiểu học và trường mầm non trung tâm xã.

Công tác quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững; chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị và trật tự - an toàn xã hội được ổn định.

Mường Pồn là xã biên giới, thuộc vùng ngoài của huyện Điện Biên có gần 13.000ha diện tích tự nhiên, 18,477km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Toàn xã có 11 thôn, bản gồm 1.107 hộ với 5.118 nhân khẩu, có 4 dân tộc sinh sống.

Một số bản giáp biên giới, xa trung tâm xã từ 9km-14km, trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Đó là khó khăn, thách thức không nhỏ với cấp ủy, chính quyền nơi đây.

Mường Pồn - mảnh đất đầy đau thương bởi bom gầm đạn xé, gắn liền với tên tuổi của anh hùng - liệt sĩ Bế Văn Đàn đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Chiến tích xa xưa giờ là cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” dưới chân núi Pú Đồn (núi có đồn) lịch sử.

Một chiều tháng 4, hình ảnh những nếp nhà sàn san sát với khói bếp lam chiều bảng lảng trong ánh hoàng hôn, làm cho khung cảnh thêm ấm áp. Rảo bước khắp các bản: Huổi Chan, Mường Pồn 1,2, Bản Lĩnh… đâu đâu cũng thấy đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi trải dài.

Chúng tôi cũng luôn không ngừng cố gắng và cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Đơn cử như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người toàn xã ước đạt 16 triệu đồng; đến thời điểm này đã nâng lên thành 26,75 triệu đồng/người/năm rồi. Chúng tôi phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ (2025), con số này sẽ tiếp tục tăng lên và phải đạt được chừng 36 triệu đồng. QUÀNG VĂN TIẾN (Chủ tịch UBND xã Mường Pồn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ