Bền bỉ giữ nghề
Nghề mộc xuất hiện ở Minh Cường từ những năm 60 của thế kỷ trước, ban đầu chỉ có 10 hộ làm nghề. Hiện nay, Minh Cường đã có 28 xưởng mộc, trong đó, chủ yếu là những hộ làm nghề theo kiểu “cha truyền, con nối”, còn số hộ học nghề rồi hành nghề rất ít.
Gia đình ông Hán Kỳ Thiện, ở thôn Nam Sơn là một trong số những hộ có “thâm niên” với nghề mộc ở Minh Cường. Ông Thiện tâm sự: “Lúc đầu, làm nghề còn khó khăn vì sản phẩm bán ra không nhiều lại thiếu máy móc nên đôi lần định bỏ nghề. Nhưng nghĩ lại, đây là nghề truyền thống của ông, cha nên quyết sống chết với nghề cho dù có khó khăn”.
Làm nghề mộc từ khi 18 tuổi, ông Thiện cùng cha làm ra những sản phẩm chủ yếu chỉ để bán cho bà con nông dân trong xã vì đơn đặt hàng khi ấy không nhiều. Hơn nữa, các công đoạn làm nghề đều thủ công nên vất vả. Hơn 5 năm trở lại đây, gia đình ông đầu tư mua một số máy móc để thay thế một vài công đoạn thủ công như máy bào liên hợp, máy bào mộng, máy đục lỗ vuông... Từ khi có máy móc, sản phẩm làm ra chính xác, đẹp hơn và tiết kiệm được thời gian. “Nếu làm thủ công, một cái tủ mất 10 ngày công thì khi làm máy chỉ tốn 7 ngày”, ông Thiện cho biết.
Chính vì có máy móc hỗ trợ nên trong quá trình làm nghề, nguyên liệu ít hư hao hơn trước. Nhưng bên cạnh làm máy, một vài công đoạn vẫn phải giữ cách làm thủ công để sản phẩm đẹp mắt. Trong các công đoạn của một sản phẩm mộc như xẻ gỗ, lấy mực, bào, đục lỗ, chạm hoa văn, ráp thành phẩm, sơn, chà nhám... thì khâu chạm hoa văn đa số làm thủ công. Khâu này phụ thuộc vào trí sáng tạo của người thợ để hoa văn đều, sinh động và lạ mắt. Đặc biệt, những hoa văn ấy cũng là cách thể hiện nét văn hóa của người Việt. Và, trong nghề mộc, hoa văn thường là một cặp như tùng - hạc, nho - sói, mai - điểu...
Tuy nhiên, để thu hút khách hàng, đặc biệt trong lúc thị trường đồ mộc đa dạng mẫu mã như hiện nay thì những người thợ phải thay đổi mẫu liên tục để đáp ứng thị hiếu. Vì luôn thay đổi mẫu mã nên những sản phẩm tủ, giường, ghế, bàn của ông Thiện không những được khách hàng ở địa phương chọn mua, mà còn đến tay người tiêu dùng ở các tỉnh xa như Đồng Nai, TPHCM…
Trăn trở tìm đầu ra
Người dân xã Minh Cường lưu giữ và phát triển nghề mộc. |
Dù nghề mộc ở xã Minh Cường phát triển hơn thời gian trước nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những sản phẩm làm ra chỉ bán trong tỉnh và một số ít ở các tỉnh lân cận mà chưa vươn ra các thành phố lớn hay xuất khẩu. Ông Trần Văn Thảo, 51 tuổi, ở thôn Nam Sơn cho hay, dù gắn bó với nghề gần 30 năm nhưng cũng chưa thể tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình. Những chiếc ghế, tủ, giường... làm nên từ đôi tay người thợ mộc này chủ yếu dựa vào đơn đặt hàng của người dân địa phương và khách ngoài tỉnh.
Giải thích về nguyên nhân, ông Thảo bộc bạch: “Bây giờ, thị trường có nhiều loại nội thất đồ gỗ đa dạng mẫu mã, giá cả lại thường xuyên được giảm nên xưởng mộc như chúng tôi không cạnh tranh nổi. Nếu cũng giảm giá như vậy thì sản phẩm làm ra sẽ hòa vốn, có khi chịu lỗ”.
Còn trông chờ vào đơn đặt hàng của người dân thì cũng “5 ăn 5 thua”. Người dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề nông nên nếu trúng mùa, được giá mới đặt hàng, sắm sửa thêm đồ đạc trong nhà. Còn ngược lại thì đơn đặt hàng của nông dân hầu như không có. Trong năm 2015, có những tháng, ông Thảo không có đơn đặt hàng. Ông cũng từng đứng ngồi không yên khi bộ salon hoàn thành hơn nửa năm mà vẫn chưa có khách đến mua, nếu để lâu không bán sẽ bị “chôn” vốn trong khi cần có tiền để mua nguyên liệu, trả công thợ...
Cũng theo ông Thảo, ngoài khan hiếm đơn đặt hàng, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nghề mộc hiện nay còn gặp khó về nhân công. “Hiện tại, xưởng mộc của tôi có 2 người phụ, nhưng cũng bằng tuổi tôi. Mấy tháng nay, tôi cần tìm thanh niên học nghề, phụ nghề nhưng không thấy ai tìm đến. Nghề này đòi hỏi sự nhẫn nại, tỉ mỉ nên ít có thanh niên mặn mà. Vì không có thợ phụ nên làm ra sản phẩm rất lâu và cũng không thể làm với số lượng nhiều”, ông Thảo bộc bạch.
Trước những khó khăn hiện nay, để phát triển nghề mộc ở Minh Cường, ngoài việc tuyên truyền, tạo động lực đam mê cho giới trẻ với nghề truyền thống thì phải tạo được đầu ra ổn định. Để làm được điều này, các cơ sở sản xuất trên địa bàn đã đưa sản phẩm tham gia triển lãm nhằm giới thiệu đến khách hàng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho những thợ mộc tại địa phương có thêm thu nhập, đủ điều kiện quảng bá sản phẩm thì cần có những đơn đặt hàng số lượng lớn như bàn ghế văn phòng, trường học... từ các cơ quan, đơn vị trong huyện, thành phố.
Nhu cầu về các sản phẩm nghề mộc của khách hàng không bao giờ có điểm dừng, vì vậy, những người làm nghề phải kiên trì, sáng tạo những mẫu mới để đủ sức cạnh tranh, đưa sản phẩm truyền thống của quê hương vươn xa đến với các tỉnh, thành trong cả nước và hướng tới xuất khẩu.