Sức sống của nhân văn hay niềm tin vào cái mới

Sức sống của nhân văn hay niềm tin vào cái mới

(GD&TĐ) - Thông tin đầu tiên tôi nhận được về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là vào lúc 10 giờ 45  phút sáng 2/6/2013. Đó là cuộc điện thoại bất chợt của cô giáo Trần Thị Hồng Hải, làm giám thị ở một Hội đồng thi của Quảng Trị, gọi tới: “Cô ơi, đề thi Văn năm nay hay quá, xúc động quá cô ạ. Không chỉ các thí sinh mà cả giám thị cũng rất xúc động”. Nghe vậy, dù đang trực thông tin thi trên địa bàn miền Trung, tôi cũng vội chạy tới một vài điểm thi gần nhất ở thành phố Đà Nẵng.

Thí sinh tự tin sau khi hoàn thành bài thi
Thí sinh tự tin sau khi hoàn thành bài thi

Quả thật, ở đâu cũng bắt gặp những gương mặt thơ trẻ hân hoan, mãn nguyện khi bộc lộ và chia sẻ tâm tình. Chuông điện thoại chợt reo, báo hiệu tin nhắn. Dòng tin ngắn gọn mà đầy âm sắc của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển làm tôi mừng vui, xúc động đến trào rơi nước mắt: “Có vấn đề gì về đề thi sáng nay không em?”.

Là người làm báo ngành được vinh dự chứng kiến bao nỗi lo toan của vị Thứ trưởng đầu ngành phổ thông trung học cũng như nhiều vị lãnh đạo Bộ khác, tôi hiểu dòng tin nhắn ấy là cái thở phào nhẹ nhõm sau những ngày, những tháng, những năm trăn trở, suy tư tới bạc đầu để tìm hướng phát triển tốt nhất cho giáo dục phổ thông; là tiếng reo len lỏi con tim như dòng suối nhỏ hòa vào biển lớn. Biển lớn ấy là gần một triệu học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã bước vào một mùa thi của niềm tin và hy vọng.

Vâng, xin được bắt đầu bằng hai chữ niềm tin từ một đề văn được đánh giá là đầy tính nhân văn và thời sự. Hai chữ “đổi mới” cách ra đề thi theo hướng mở không phải tới bây giờ mới được chú tâm. Những năm gần đây, các đề thi Ngữ văn của Quốc gia cũng luôn chú tâm tới việc kích thích năng lực sáng tạo của các thí sinh xung quanh những vấn đề thiết thực của cuộc sống, qua đó mà xây dựng nhân văn, hình thành nhân cách.

Như vậy, sự đổi mới giáo dục theo quan điểm “căn bản toàn diện” đã đi từ vi mô, tiểu tiết, tức là không phải chỉ bằng những bài học to lớn về lý tưởng, về sự hi sinh mà bằng những hành động, việc làm cụ thể trong cuộc sống, học tập và làm việc hàng ngày. Thành quả của sự đổi mới ấy cũng không chỉ đo bằng các số liệu thành tích như trước đây mà ở chính tình cảm, niềm tin của người học, của xã hội.

Các em học sinh yêu thích đề văn, các bậc phụ huynh mừng vui trước chuyển biến tâm trạng của con em mình, chỉ từ một đề văn với lời lẽ, câu chữ bình dị mà đọc lên đã thấy nao lòng: Người mẹ ngạc nhiên trước vòng hoa trên mộ con mình; Cậu học sinh lớp 12 dũng cảm hi sinh cứu bạn bên bờ sông Lam; Một cô Mị khao khát tự do và khao khát yêu đương… tất cả đều thấm đẫm chất đời, chất người mà vẫn toát lên những bài học về lý tưởng cống hiến, hi sinh cao cả: Người mẹ bước đầu có niềm tin vào cách mạng vì có người hiểu, trân trọng, bước tiếp con đường của con mình; Sự khát khao tự do của Mị chính là tín hiệu khởi đầu của một cuộc cách mạng giải phóng số phận; Sự hi sinh dũng cảm của Nam là tấm gương sáng cho lứa tuổi thanh, thiếu niên và cũng là để cho những ai quẩn quanh trong ngưỡng cửa cá nhân chật hẹp tự soi rọi lại mình.

Có thể nói, niềm vui về thành quả gieo trồng bắt đầu ở niềm tin yêu của xã hội đặt vào những người “gieo hạt” như thế! Không chỉ từ một đề thi môn Ngữ Văn mà những dấu hiệu xuôi buồm, thuận gió qua hai ngày thi vừa qua làm cho chúng ta có quyền tin ở một chân trời mới đang rộng mở phía trước.

Uyên Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ