(GD&TĐ) - Vài năm trở lại đây, vấn đề tuyển sinh vào đại học đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Đó là dấu hiệu đáng mừng cho thấy truyền thống hiếu học của người Việt Nam không hề bị mai một theo thời gian và trước khó khăn, thử thách.
Ảnh minh họa |
Còn nhớ năm 2012, cũng ở thời điểm này, GS.NGƯT Trần Hữu Dàng, người có nhiều công trình Y học giá trị trong và ngoài nước, nói với tôi rằng, anh vừa đọc một bài viết ở một tờ báo mạng nổi tiếng bởi những “tin nóng”, nghiêng ở phía “vạch lá tìm sâu” hơn là hướng đến khía cạnh tích cực. Vậy mà tờ báo này bỗng dưng có bài viết thừa nhận giáo dục Việt Nam có 3 cái được, đó là: truyền thống hiếu học; kỳ thi đại học là một cuộc sàng lọc để chọn người tài một cách nghiêm túc, đáng tin cậy; cải thiện năng lực ngoại ngữ.
Tôi đã tìm được bài báo đó để đọc. Tuy nhiên, qua quan sát một số trang báo mạng và blog cá nhân thời gian qua, tôi cũng phát hiện ra sự dễ dãi trong cách đưa những thông tin về tuyển sinh đại học, cao đẳng tới mức, những người có chuyên môn phải lắc đầu, thậm chí không thể đọc tiếp. Đã có vị từng một thời được coi là người có công trạng với đất nước, nhưng do chưa có được may mắn qua cổng trường đại học đã phát biểu rằng: “Học đại học là khát vọng của thế hệ trẻ. Nên mở rộng cánh cửa vào trường chứ không nên quá khắt khe trong quy định đầu vào như hiện tại”(!)
Nhận định trên không thuộc về số đông. Tuy nhiên, bất cứ một tình tiết lan man vô căn cứ nào đó tồn tại trên mạng cũng vẫn có thể là cơ hội cho sự mưu lợi cá nhân, vin vào đó để chê trách chỗ này, chỗ khác của giáo dục.
Chân lý không thuộc về những ai mù mờ trong tư duy khoa học! Hôm 5/3 lãnh đạo Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã khẳng định chất lượng là yếu tố sống còn của giáo dục đại học và tập trung vào những giải pháp đảm bảo chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng đầu ra: Buổi làm việc đó khiến tôi nhớ tới một loạt sự kiện nóng hổi trước mùa tuyển sinh 2013: 23 trường đại học phải cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, 132 trường không tổ chức thi tuyển, 8 ngành bị đình chỉ tuyển sinh, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ sở đào tạo, các trường, các bậc phụ huynh và học sinh hiến kế cho việc xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh vào đại học, cao đẳng 2013…Tất cả những sự kiện này đã đốt nóng dư luận xung quanh vấn đề “chất lượng thật”.
Ngay sau khi Báo Giáo dục và Thời đại mở diễn đàn đóng góp về phương hướng xây dựng điểm sàn hợp lý, đã có hàng loạt cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, cán bộ giảng dạy và cả các nhà khoa học và cả các em học sinh, các bậc cha mẹ đã gửi tới những ý kiến đóng góp hết sức nghiêm túc, sát thực tiễn, thể hiện sự quan tâm tới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đất nước. Điều rất đáng chú ý là phần lớn các ý kiến tham gia diễn đàn đều có sự ủng hộ cao với Bộ GD&ĐT: Tổ chức thi đại học, cao đẳng vẫn theo phương án “ba chung” và phải có điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào; vừa đảm bảo được quyền lợi cho sinh viên, vừa phải đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng ở các địa phương.
Nhiều bạn đọc tỏ ra đặc biệt tâm đắc với ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết: “Để đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh, Nhà nước có thể điều tiết bằng cách xem điểm sàn đầu vào như một tiêu chí quan trọng để phân tầng các trường đại học… Không phải trường ngoài công lập nào cũng khó khăn trong việc thu hút thí sinh. Vẫn còn nhiều trường hấp dẫn vì họ có những ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của đời sống kinh tế - xã hội và chất lượng đào tạo đảm bảo, sinh viên ra trường dễ tìm được việc làm. Ngay khi tham gia vào hoạt động đào tạo thì các trường ngoài công lập phải xác định họ bắt đầu một cuộc chơi mà sự phát triển, tồn tại phụ thuộc vào chính họ. Họ phải làm sao để trường mình ngày càng hấp dẫn người học thì mới có thể tồn tại được.”
Thế mới biết chất lượng bao giờ cũng có đất sống tốt tươi và bền vững, dẫu là ở bất cứ lĩnh vực nào, phương diện nào hay trong những hoàn cảnh tưởng như không tìm ra lối thoát…
Hồng Thúy