Sức mạnh khủng khiếp của chủ nghĩa khủng bố

Lãnh đạo của nhiều nước đã phải thốt ra những từ như khủng khiếp, khiếp đảm khi nói về các vụ khủng bố ở châu Âu gần đây… Tuy nhiên, theo tờ Chính sách Đối ngoại của Mỹ (FP), những từ đó chưa đủ để lột tả hết sự thật đáng sợ về khủng bố.

Châu Âu đang rất lo ngại về khủng bố sau các cuộc tấn công ở Paris, Brussels gần đây.
Châu Âu đang rất lo ngại về khủng bố sau các cuộc tấn công ở Paris, Brussels gần đây.

Biên giới Mỹ, châu Âu không thể ngăn được khủng bố

Đường biên giới của hầu hết các quốc gia châu Âu và cả của Mỹ đều có thể để lọt khủng bố. Mỹ có hơn 95.000 dặm đường bờ biển. Hy Lạp có 6.000 hòn đảo và khoảng 10.000 dặm đường bờ biển. Bạn có thể đi bộ từ Iraq và Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ và từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Bulgaria. 800 triệu người tới sân bay Mỹ mỗi năm. 1,7 tỷ người vào sân bay của châu Âu mỗi năm. Không một bức tường nào có thể đủ dài và đủ cao để ngăn hoàn toàn được khủng bố và cũng không thể có đủ nhân viên theo dõi liên tục các đường bờ biển.

Bên trong châu Âu vốn luôn có khủng bố

Các cuộc tấn công khủng bố năm 2005 ở London được thực hiện bởi chính công dân Anh. Khủng bố ở Boston Marathon là do một công dân Mỹ và cư dân thường trú tại Mỹ. Khủng bố ở Paris cũng do hầu hết công dân Pháp thực hiện. Gần như mọi quốc gia châu Âu đều có những thành phần cực đoan. Do vậy, việc tăng cường hoạt động biên phòng hoặc ngăn người tỵ nạn sẽ không có ích gì khi các mối đe dọa vốn đã nằm bên trong mỗi quốc gia.

Tăng cường giám sát kỹ thuật số cũng không đẩy lùi được khủng bố

Theo như thông tin được Edward Snowden tiết lộ năm 2013, nước Mỹ đã giám sát gần như toàn bộ những kẻ đáng ngờ trên hành tinh cũng như một nửa số chính phủ châu Âu. Vấn đề là, dữ liệu thu thập được càng nhiều, thì sẽ có càng nhiều hình ảnh vệ tinh, hình ảnh từ máy bay không người lái, email, các cuộc gọi và tin nhắn. Điều đó khiến cho việc giám sát trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không có nghĩa đã dẹp được chủ nghĩa khủng bố.

Theo FP, IS không phải là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất hiện nay. Boko Haram của Nigeria mới là nhóm nguy hiểm nhất. Trước IS có al-Qaeda gây khiếp sợ với cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001, các vụ đánh bom Madrid và London. Trước al-Qaeda có Hezbollah và Hamas. Trước Hamas có Abu Nidal, Black September. Tóm lại, còn rất nhiều tổ chức khủng bố khác đang hình thành và phát triển.

Mặc dù hiện tại IS đang gây nhiều sợ hãi nhưng dù cho tổ chức này bị quét sạch ở Syria và Iraq thì Trung Đông vẫn cứ sôi sục và nhiều thành phố khác ở châu Âu vẫn phải đối mặt với các nguy cơ khủng bố.

Khủng bố đang bị đối phó sai cách - Rất nguy hiểm

FP muốn nói đến những chính sách mà ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump kêu gọi áp dụng nhằm đảm bảo an ninh nước Mỹ, bao gồm cấm người Hồi giáo vào Mỹ. Ông cũng cổ vũ cho việc tra tấn những kẻ khủng bố và nhắm vào các thành viên trong gia đình của họ.

IS có lẽ đang rất mong mỏi nước Mỹ áp dụng chính sách này bởi đó sẽ là cơ hội tuyển dụng không thể nào tuyệt vời hơn.

Ngoài ra, theo FP, kế hoạch tăng cường hành động quân sự chống lại IS cũng có thể phản tác dụng. Nếu Mỹ và châu Âu phản ứng đối với các cuộc tấn công khủng bố bằng cách triển khai quân tới Syria và Iraq, họ sẽ một lần nữa tự biến mình thành những kẻ xâm lăng và từ đó sẽ trở thành mục tiêu lớn hơn của khủng bố.

Sức mạnh quân sự đóng vai trò lớn trong việc ngăn chặn và ứng phó với các cuộc tấn công khủng bố, nhưng nếu bị sử dụng sai cách, nó sẽ gây hậu quả vô cùng lớn.

FP cho rằng, cách thức đơn giản nhất và rẻ nhất là ngừng khuyến khích khủng bố bằng cách dừng phản ứng thái quá, không được để cho khủng bố lợi dụng nỗi sợ hãi của các quốc gia.

Chúng ta càng sợ hãi và phản ứng thái quá, khủng bố càng được lợi và phát triển.

Dù Mỹ và châu Âu không thể loại bỏ tất cả các nguy cơ khủng bố, họ vẫn có thể áp dụng những chính sách hợp lý để giảm thiểu nguy cơ và hậu quả của các cuộc tấn công khủng bố. FP cho rằng, Mỹ có thể tài trợ cho các tổ chức nhà nước Hồi giáo ôn hòa để giảm các tư tưởng cực đoan bằng cách tăng cường thực thi pháp luật trong những cộng đồng là mục tiêu tuyển dụng của các nhóm khủng bố. Những tổ chức ôn hòa này cũng có thể khuyến khích cộng đồng Hồi giáo tố giác các hoạt động đáng ngờ, tiếp cận với những thanh niên đang có tư tưởng lầm lạc.

Những chính sách này sẽ gây khó khăn đáng kể cho các tổ chức khủng bố, ít nhất là trong khả năng mở rộng quy mô hoạt động.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Foreign Policy (Tạp chí Chính sách đối ngoại), tạp chí của Mỹ xuất bản 2 số/tháng. Tạp chí này được thành lập vào năm 1970, hiện nay do ông David Rothkopf làm chủ biên.

Theo infonet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ