Venezuela trình diễn tên lửa chống hạm CM-90 Iran
Theo tờ Reporter của Nga, trong khi lực lượng hải quân phương Tây mắc kẹt ở Biển Đỏ, vừa bảo vệ những tàu còn sót lại ở tuyến vận tải biển huyết mạch này khỏi các cuộc tấn công của máy bay không người lái và tên lửa Houthi, vừa làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ vùng trời Israel trước các tên lửa đạn đạo của Iran, thì một loại tên lửa hành trình do Tehran sản xuất đã xuất hiện ở “sân sau” của chính nước Mỹ.
Theo cổng thông tin quân sự Mỹ Latinh Zona-Militar cho biết, vào cuối tuần trước, Venezuela đã trình diễn tên lửa chống hạm CM-90 trong kho vũ khí của hạm đội nước này, trong Lễ kỷ niệm của Hải quân Bolivar Venezuela (ABV) tại căn cứ hải quân Agustin Armario ở Puerto Cabello.
Ngoài ra, nước này cũng đã khánh thành một tổ hợp cơ sở kỹ thuật được xây dựng để bảo đảm hoạt động và hỗ trợ kỹ thuật cho tên lửa chống hạm CM-90 của Iran, vốn được trang bị trên các tàu tên lửa Peykaap III mới của Iran mà Hải quân Venezuela đã đặt mua.
Tên lửa hành trình chống hạm tầm trung CM-90 được Iran chính thức ra mắt vào năm 2022 tại Hội nghị và Triển lãm Phòng thủ Hàng hải Quốc tế Doha 2022 (DIMDEX 2022), với mô hình kích thước thật của nó.
Tên lửa CM-90 có đường kính 280 mm, dài 4,16 m, nặng khoảng 350 kg và có khả năng mang đầu đạn nặng tới 150 kg. Với động cơ phản lực, tên lửa có thể bay với tốc độ cận âm (tốc độ 0,8 Mach, tương đương gần 1000km/h), tầm phóng lên tới 90 km.
Theo tuyên bố của quân đội Iran, tên lửa này được trang bị radar nhắm mục tiêu chủ động và có một số “khả năng bảo vệ nhất định trước hệ thống phòng không của đối phương”, điều không có trên các phiên bản mà Tehran đã cung cấp cho lực lượng Houthi ở Yemen.
Chiến thuật “Đánh và chạy”
Được thiết kế như một phương tiện phòng thủ bờ biển, những chiếc tàu có lượng giãn nước nhỏ, tốc độ cao và cơ động linh hoạt này được trang bị tốt phù hợp với kích cỡ của chúng, với các bệ phóng tên lửa chống hạm và ống phóng ngư lôi, được bổ sung các khẩu súng máy.
Venezuela cũng đã mua các tàu tên lửa vào năm ngoái từ Iran (ít nhất 4 chiếc), trong đó các tàu tương tự của chúng ở Iran được gọi là “Zolfagar” và phiên bản mới nhất Peykaap-III.
Mỗi tàu tên lửa này có khả năng mang theo tối đa hai tên lửa hành trình chống hạm CM-90.
Các tàu này có lượng giãn nước tiêu chuẩn ước tính vẻn vẹn 13,75 tấn, với chiều dài 17,3 m, chiều rộng 3,75m và mớn nước là 0,7 m. Tàu được trang bị hai động cơ diesel cung cấp công suất 2.400 mã lực (1.800 kW) cho tốc độ tối đa lên tới 52 hải lý /giờ (96 km/h; 60 mph).
Ngoài ra, Caracat trước đó cũng đã mua các tàu tên lửa Zolfagar được trang bị tên lửa hành trình chống hạm Nasr-1 có tầm phóng ngắn hơn CM-90 (khoảng 35km). Trong cuộc duyệt binh hải quân ở Venezuela vào ngày 24/7/2023, các tàu tên lửa được trang bị tên lửa Nasr-1 đã tham gia.
Với giá thành rẻ nên Venezuela có thể mua sắm các tàu tên lửa lớp này với số lượng lớn, cung cấp cho hải quân nước này một hạm đội tàu muỗi đông đảo có khả năng tấn công bằng tên lửa chống hạm khá mạnh, trên nền tảng tốc độ rất cao, cực kỳ linh hoạt, nên rất khó để đánh chặn.
Các tàu muỗi này có thể sử dụng ưu thế về số lượng, tốc độ cao và khả năng cơ động linh hoạt để tiến hành chiến thuật “Đánh và chạy” (Hit and Run) gây ra thiệt hại nặng nề cho các chiến hạm lớn hơn chúng rất nhiều lần, phối hợp với các lực lượng khác như không quân, tên lửa bờ đối hạm bảo vệ khu vực ven biển của đất nước rất hiệu quả.