Đã hơn bốn thập niên rồi, những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn im tiếng súng. Thế nhưng, biết bao ký ức hào hùng, bi tráng một thời đạn lửa, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn vẹn nguyên trong ký ức các cựu chiến binh. Và, tầm vóc vĩ đại của kỳ tích thế kỷ ấy, mỗi ngày, càng được tô đậm, kỳ vĩ hơn trong góc nhìn của hậu thế.
Những trục đường bất tử
Tuy “không có cái vinh dự được là một trong những người đầu tiên đi trên chặng đường này” như lời ông bộc bạch, song “cũng không đễn nỗi muộn mằn”, bởi trong khói lửa chiến tranh, anh “Bộ đội Cụ Hồ” Vũ Ngọc Khôi cũng đã vượt Trường Sơn để vào chiến trường lớn miền nam chiến đấu. Sau ngày 30/4/1975, người cựu chiến binh ấy lại cần mẫn học hành rồi làm thầy giáo và viết văn lấy bút danh Hoàng Khôi.
Như một cơ duyên, hay chính núi rừng Trường Sơn hùng vĩ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho ông trở đi trở lại chiến trường xưa nhiều lần rồi tượng hình tác phẩm “Ngàn dặm Trường Sơn”, tập bút ký nghiên cứu, được NXB Văn hóa ấn hành năm 1984, sau đó sách được tái bản nhiều lần và dịch sang tiếng Anh với tên “The Hồ Chí Minh Trail”.
Bằng tư liệu riêng có và những năm tháng chiến đấu, nghiên cứu ở Trường Sơn, CCB Hoàng Khôi dẫn dắt chúng tôi về những ngày đầu lịch sử của Đoàn 559. Đó là ngày 19/5/1959, Bộ đội Trường Sơn được thành lập và những chiến sĩ đầu tiên của Đoàn 559 được giao nhiệm vụ vào rừng, luồn lách, nghiên cứu lối mới, đường mới để mở con đường bí mật tiếp tế cho tiền tuyến lớn Miền Nam.
Liệu có ai hình dung được rằng, những bước chân đầu tiên ấy, người lính phải đi theo đội hình hàng một, đầu hơi cúi, người chao về phía trước, súng, đạn, tài liệu tuyệt mật và thuốc cấp cứu gùi sau lưng. Người đi trước cầm chiếc gậy tốc thành hai nhánh gạt lẹ làng để khỏi rách lá rừng rồi đặt bước chân đúng vào chỗ ấy, người thứ hai bước theo và người cuối cùng vừa phải đi giật lùi, vừa cầm gậy gạt lại, san đều lớp lá người đi trước lật lên.
Các chiến sĩ lắp đường ống xăng dầu (ảnh tư liệu) |
Và, càng khó hình dung hơn, khi cả một tiểu đoàn chừng vài trăm người phải âm thầm hành quân theo khẩu hiệu “tránh dân, giấu địch, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhiệm vụ”, cứ thế mò mẫm trong rừng rậm, rừng già, núi cao và vực sâu, tìm đường và giấu đường như vậy thì khó khăn, gian khổ đến chừng nào?!
Đó cũng là những trang lý lịch đầu tiên của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại thời kỳ chống Mỹ cứu nước, được viết bởi những tổ/đội soi đường khoảng 15 người trở lại. Họ là những chiến sĩ đã được lựa chọn hết sức kỹ càng về thể lực, lý tưởng chiến đấu, kỹ thuật tác chiến… Nhiều người trong đội hình đầu tiên này hoặc đã có nhiều năm hoạt động ở những vùng mà tuyến đường sẽ đi qua, hoặc chính là những chủ nhân thực sự đã sinh trưởng trên dải núi này.
Cứ thế, người trước ngã xuống, người sau vùng lên tiếp bước, chỉ với niềm tin chiến thắng cùng ý chí sắt đá phải thống nhất non sông đã tạo thành sức mạnh cho các chiến sĩ Trường Sơn vượt mọi hiểm nguy. Nếu không có niềm tin và ý chí cùng sự đoàn kết quân dân một lòng thì sao chỉ dựa vào sức người, có thể vạch rừng, vần đá lấp thung sâu, san lòng suối để xe cơ giới vận tải có thể băng qua?!
Như một nhà thơ đã viết “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” không chỉ đúng về tinh thần mà còn đúng với cả nghĩa đen của nó. Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, cho biết:
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là tuyến vận tải quân sự chiến lược chạy qua 11 tỉnh của Việt Nam từ Nghệ An đến Bình Phước, bảy tỉnh của nam Lào và bốn tỉnh đông bắc Cam-pu-chia, với năm trục dọc, 21 trục ngang, tổng chiều dài hơn 17 nghìn ki-lô-mét đường ô-tô và hàng chục ngàn ki-lô-mét các loại đường khác.
Nhắc đến những hy sinh, gian khổ, Thiếu tướng Hoàng Kiền rưng rưng: “Hơn bốn triệu tấn bom đạn đánh phá xuống Trường Sơn chiếm hơn một nửa số bom đạn Mỹ đã sử dụng trên chiến trường Đông Dương. Chúng dùng thủ đoạn tạo ra hàng loạt trọng điểm trên khắp Trường Sơn để cắt đứt sự vận chuyển chi viện cho chiến trường, trong đó điển hình nhất là Đường 20 Quyết thắng.
Đây là một trục ngang dài hơn 120 km từ Đông Trường Sơn vượt biên giới Việt - Lào sang Tây Trường Sơn, tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nơi đây đã diễn ra cuộc đánh phá bằng bom đạn của không quân Mỹ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.
Suốt ngày đêm không ngớt tiếng máy bay phản lực, pháo đài bay B52, đạn nổ bom rơi. Đêm đêm không một giây nào tắt ánh pháo sáng. Rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh anh dũng ở đây. “Sau này, trong một lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự thán phục, Đại tướng gọi Đường 20 Quyết thắng là một “kỳ công - kỳ tích - kỳ quan”. Cùng với đó còn có mấy chục trọng điểm khác trên khắp địa bàn Trường Sơn cũng vô cùng ác liệt”, Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại.
Huyền thoại trong huyền thoại!
Như một lẽ tự nhiên, các cựu chiến binh, từ các tướng lĩnh chỉ huy cho đến những chiến sĩ, mỗi khi nhắc nhớ về một thời trận mạc, đều xúc động và không quên kể về những hy sinh mất mát của đồng chí, đồng đội. Cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Loan, chiến sĩ thông tin, khi nhập ngũ là lúc các chị đang độ tuổi thanh xuân đẹp nhất.
“Năm 1970, từ miền bắc chúng tôi được lệnh bí mật hành quân vào chiến trường Quảng Trị nhận nhiệm vụ. Mười người trong đó có tôi được biên chế về tăng cường cho đại đội thông tin của binh trạm 27. Đây là một binh trạm có đa binh chủng gồm: ba tiểu đoàn xe (D54, D58, D62), hai đơn vị công binh là D61 và E98, một đại đội thông tin, một tiểu đoàn pháo cao xạ, một bệnh xá quân y và binh trạm bộ do Trung tá Nguyễn Ngọc Dẫn làm binh trạm trưởng. Ngày ấy không quân Mỹ chủ yếu đánh vào ban đêm.
Tôi nhớ và cũng ám ảnh cho đến tận bây giờ là một lần đơn vị của chúng tôi bị máy bay Mỹ oanh tạc. Cả khu rừng trước mặt tôi đang xanh tươi là thế, vậy mà chỉ trong chốc lát đã bị bom phát quang tan nát. Tiếp theo chúng dội bom Na-pan, khiến rừng xanh bốc cháy ngùn ngụt. Sau đó chúng rải bom bi. Kết thúc chúng rải chất độc hóa học, âm mưu hủy diệt hoàn toàn sự sống của rừng Trường Sơn.”
Ngưng kể, bà Loan đưa khăn tay thấm mắt, đoạn tiếp: “Vào một đêm tối trời, đường dây điện thoại của chúng tôi bị bọn thám báo phá hoại. Tôi và chị Linh đi nối lại, bỗng một mảnh bom phát quang bay lạc từ đâu đến cắt ngang người chị và một mảnh nhỏ hơn sạt qua đùi tôi, khiến chị hy sinh ngay trước mắt tôi, tôi cũng ngất lịm đi. Cho đến giờ tôi cũng không thể nào quên, người chị hiền hậu, vừa cười đấy nói đấy, thế mà chỉ trong nháy mắt, chị đã quằn quại trên vũng máu của mình!”.
Đường Trường Sơn còn biết bao cung đường khác, oanh liệt và gian nan. “Nếu Đường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”, đây là đánh giá của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên lúc sinh thời, khi nhắc đến chiến công của cán bộ chiến sĩ đường ống xăng dầu.
Gặp Thiếu tướng, TS Hồ Sỹ Hậu trong một căn hộ chung cư ở Thanh Xuân (Hà Nội), ông tặng chúng tôi cuốn tiểu thuyết tư liệu “Dòng sông mang lửa” của ông dày hơn 600 trang do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Tác phẩm được nhiều ý kiến đánh giá như một biên niên sử về Bộ đội đường ống Trường Sơn.
Khi tuyến đường Hồ Chí Minh chuyển sang vận tải bằng cơ giới thì xăng dầu trở thành nhu cầu cực kỳ thiết yếu. Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể lại, ông là một trong 18 kỹ sư chuẩn bị tốt nghiệp đại học thì được gọi vào chiến trường. Sau đó, ông và bảy kỹ sư khác là những người đầu tiên trực tiếp thiết kế, thi công hệ thống đường ống xăng dầu cho Trường Sơn.
Tính từ khi “đặt chân” lên tuyến vận tải quân sự Trường Sơn (1968) đến ngày toàn thắng (1975), Bộ đội đường ống Trường Sơn đã thi công, quản lý, vận hành 1660 km tuyến ống (gồm cả tuyến nội bộ kho), 60 kho xăng với trữ lượng 32.000 m3.
Suốt cuộc chiến tranh, các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và cán bộ chiến sĩ đường ống có rất nhiều sáng kiến góp phần tạo nên thắng lợi, như: sáng tạo cách lắp ống vượt sông suối mà không có sự hỗ trợ của cơ giới; dùng phương pháp tự chảy trong thiết kế kho và cấp phát, nhờ đó không cần máy bơm mà giữ được bí mật kho; dùng téc-xăng lắp trên đường ống phụ để đất cát trong ống do bom đánh lắng xuống trước khi vào trạm bơm,…
Nhắc đến những hy sinh, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu chia sẻ: Một binh chủng đã làm nên kỳ tích Bộ đội đường ống Trường Sơn mà chưa có ai được vinh danh anh hùng. Vẫn biết, những người anh hùng không bao giờ hành động để lấy tiếng riêng cho bản thân mình. Nhưng, mong sao tinh thần của các chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn năm xưa sẽ được tôn bồi, tiếp lửa truyền thống bởi các thế hệ hôm nay và mai sau.