Sức mạnh của lời nói 'không'

GD&TĐ - Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi tranh luận với cha mẹ, trẻ em học cách thương lượng và biện minh cho lập luận của mình.

Để giúp trẻ có kỹ năng từ chối, cha mẹ cần tôn vinh những lời nói “không” ở bé.
Để giúp trẻ có kỹ năng từ chối, cha mẹ cần tôn vinh những lời nói “không” ở bé.

>>> Bài 1: Cách dạy con biết từ chối

Chính vì vậy, việc dạy trẻ cách nói “không” đúng lúc là vô cùng quan trọng.

Dấu hiệu của sự quyết đoán

Hầu hết cha mẹ cho rằng, con mình là một đứa trẻ ngoan nếu bé luôn vâng lời. Trong khi đó, ít phụ huynh nghĩ tới việc dạy trẻ cách từ chối và nói “không”. Với trẻ ở khoảng 3 - 5 tuổi, “không” dường như là từ duy nhất mà các bé biết. Tuy nhiên, trẻ nói “không” như một cách để chống đối yêu cầu của phụ huynh.

Chắc hẳn, cha mẹ thường vô cùng bực bội mỗi khi trẻ từ chối dừng cuộc chơi để về nhà, hoặc không muốn đi tắm… Song, thực tế, theo các chuyên gia, nói “không” cũng là một kỹ năng mà trẻ phải học. Vì vậy, thay vì thất vọng khi trẻ nói “không” đến lần thứ 10, cha mẹ hãy tự hào. Bởi, ít nhất thì, trẻ cũng là người quyết đoán.

Đây cũng là kết quả được công bố từ một nghiên cứu trên tạp chí “Sự phát triển của trẻ em”. Các nhà nghiên cứu báo cáo, trẻ em trong độ tuổi chập chững biết đi và những năm đầu mẫu giáo thường tranh cãi với cha mẹ khoảng 3 tiếng rưỡi, hoặc 15 lần một giờ. Trong cuộc tranh cãi đó, chắc chắn trẻ thốt ra rất nhiều điều “không”.

Theo các chuyên gia, nếu rơi vào tình huống này, các phụ huynh hãy hít thở thật sâu để bình tĩnh.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi tranh luận với cha mẹ, trẻ em đang học cách thương lượng và biện minh cho lập luận của mình. Những kỹ năng này cuối cùng được chuyển sang tranh luận với bạn bè cùng lứa.

Ông John Sargent - Bác sĩ Tâm thần trẻ em, Giáo sư Tâm thần học và khoa học hành vi tại Trường Đại học Y Baylor (Mỹ) - đã thể hiện sự đồng tình trước kết quả này. “Trẻ em ở độ tuổi này nhận ra rằng, chúng có thể khẳng định bản thân và tranh luận với cha mẹ. Đó là một cách để trẻ có được sự tự tin”, chuyên gia giải thích.

Song, câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào chúng ta có thể dạy trẻ vận dụng những kỹ năng này một cách lịch sự? Theo các chuyên gia, khi trẻ ở tuổi cần ăn rau và mặc quần áo, việc cho bé nói lên cách mình muốn ăn hoặc mặc gì có thể là một động lực tăng cường sự tự tin tuyệt vời.

Phụ huynh cũng có thể trao quyền cho con mình đưa ra lựa chọn về cách trẻ sử dụng thời gian, cũng như những người mà bé muốn kết giao. Điều này có thể truyền tới trẻ thông điệp rằng, cha mẹ tôn trọng mong muốn của con.

Để từng bước giúp trẻ biết nói “không” đúng lúc, trước hết, cha mẹ cần đáp ứng nhu cầu của con.

Để từng bước giúp trẻ biết nói “không” đúng lúc, trước hết, cha mẹ cần đáp ứng nhu cầu của con.

Điều đó cũng có thể đồng nghĩa với việc giảm bớt các cuộc nói chuyện yêu cầu trẻ phải chia sẻ mọi thứ. Thực tế, các phụ huynh cần biết rằng, việc chia sẻ không hề dễ dàng hoặc thậm chí là không cần thiết trong mọi tình huống.

Ví dụ, nếu một người bạn lấy điện thoại di động hoặc khăng khăng lái xe của các cha mẹ, liệu phụ huynh sẽ cảm thấy thế nào? Đó cũng là khi các cha mẹ cần đặt ngược lại câu hỏi rằng, liệu trẻ em có thực sự cần chia sẻ mọi thứ? Hay, trong một vài trường hợp, trẻ có thể nói: “Không, con không muốn”? Điều đó không có nghĩa là trẻ không thể thỏa hiệp. Tuy nhiên, những đứa trẻ ngoan ngoãn không nhất thiết phải là người dễ bị bắt nạt.

Thay vì khuyến khích con mình từ bỏ cú lộn nhào vì một người bạn than vãn về việc cần chơi trước, cha mẹ có thể hướng dẫn con mình nói: “Tớ sẽ rất vui lòng để cậu chơi sau khi tớ hoàn thành”. Điều này có vẻ giống như một sự thay đổi nhỏ.

Tuy nhiên, việc có kỹ năng giao tiếp hiệu quả sau này và đưa ra những lựa chọn là vô cùng quan trọng. Hãy tưởng tượng trẻ ở 10 năm sau, liệu con nên nói gì khi câu hỏi trở thành: “Tôi có nên làm điều gì đó mà bản thân biết là sai chỉ để giữ thể diện với bạn bè không?”. Trong tình huống đó, khả năng nói “không” với sự tự tin là vô cùng quan trọng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bảo đảm an toàn cho trẻ

Ông Simone Marean - đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành của Girls Leadership (Mỹ), một tổ chức dạy các bé gái sử dụng sức mạnh của giọng nói, cho biết chúng ta cần giúp con mình truyền đạt tốt hơn mong muốn của trẻ.

Là một người mẹ, khi thấy con cãi nhau ở sân chơi, thật khó để không lao vào giải quyết vấn đề. Song, theo ông Marean, cách duy nhất để trẻ có được những kỹ năng này là cha mẹ lùi lại và để con mình luyện tập. Nếu thực hành đủ, đến khi đứng trước những lựa chọn lớn, trẻ sẽ đủ tự tin để nói lên suy nghĩ của mình.

“Trẻ em sẽ có nhiều khả năng dừng lại và kiểm tra cảm xúc thật của mình hơn, nếu chúng thực hành nói “không” thường xuyên”, ông Marean nhận định.

Tất cả việc thực hành nói “không” này có thể gây khó khăn cho những cha mẹ có con nhỏ. Song, phụ huynh cần nghĩ về những năm tháng trẻ bước vào tuổi thiếu niên. Nhờ thực hành nói “không”, trẻ được cung cấp những kỹ năng cần thiết để lên tiếng và đưa ra lựa chọn dựa trên những gì bản thân muốn.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, biết cách từ chối đúng lúc còn giúp trẻ bảo vệ bản thân khỏi những kẻ xấu. Dù khó chịu và sợ hãi đến mức cha mẹ có thể không bao giờ nghĩ đến khả năng con mình bị tổn thương bởi kẻ xấu, nhưng điều quan trọng là phụ huynh phải nói chuyện với trẻ về sự an toàn cá nhân.

Cha mẹ hãy dạy con cách tự bảo vệ mình trước những kẻ bắt cóc. Bởi, điều đó cũng quan trọng như các biện pháp khác mà phụ huynh làm hằng ngày để giữ an toàn cho trẻ, chẳng hạn như đảm bảo con luôn thắt dây an toàn khi lên ô tô.

Do đó, cha mẹ cần dạy con mình cách tránh những nguy hiểm có thể xảy ra, cũng như biết phải làm gì nếu thấy mình trong một tình huống bị đe dọa. Nhờ đó, trẻ sẽ biết phải làm gì trong trường hợp cha mẹ không ở đó để bảo vệ mình. Yếu tố quan trọng nhất là trẻ cần nói “không”. Cha mẹ cần dạy con mình sức mạnh của “không”.

Kẻ bắt cóc thường rất giỏi trong việc tìm kiếm những đứa trẻ sợ hãi, hoặc có thể dễ dàng bị đe dọa hay ép buộc. Do đó, cha mẹ cần nói với con rằng, hãy tin vào bản năng của mình. Nếu trẻ không cảm thấy thoải mái hoặc sợ hãi khi ở gần ai đó, hãy nói bằng một giọng thật to: “Không!” nếu họ yêu cầu giữ bí mật hoặc đi đâu đó. Sau đó, trẻ cần kể ngay cho cha mẹ về những gì đã xảy ra.

Để từng bước giúp trẻ biết nói “không” đúng lúc, trước hết, cha mẹ cần đáp ứng nhu cầu của con. Không có gì có thể dạy con tôn trọng nhu cầu của chúng tốt hơn khả năng đáp ứng từ cha mẹ. Bằng cách đáp lại, cha mẹ đang gửi thông điệp rằng: Nhu cầu của con rất quan trọng và xứng đáng được đáp ứng.

Bên cạnh đó, phụ huynh không nên lo lắng về việc trẻ sẽ hư khi thường xuyên từ chối. Thay vào đó, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ là chính mình. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có tính xã hội một cách tự nhiên. Từ nụ cười của đứa trẻ sáu tuần tuổi cho đến bé mới biết đi, trẻ luôn mong muốn làm hài lòng cha mẹ. Về bản chất, chúng có xu hướng hy sinh mong muốn của bản thân để hòa nhập.

Ngoài ra, xã hội, từ ông bà đến giáo viên sẽ dùng rất nhiều cách để khuyến khích trẻ hợp tác và biết cách cư xử. Khi các thế lực bên trong và ngoài thúc đẩy trẻ hợp tác, trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng khả năng để trẻ làm những gì chúng muốn lại càng lớn. Nếu phụ huynh không làm vậy thì sẽ không có ai khác thực hiện điều đó.

Một yếu tố quan trọng khác là cha mẹ cần đặt ra những kỳ vọng phù hợp với lứa tuổi của con. Điều tối thiểu phụ huynh có thể làm là biết về những hành vi bình thường theo độ tuổi của trẻ. Việc trẻ 8 tháng tuổi cho mọi thứ vào miệng là điều bình thường. Việc trẻ 1,5 tuổi muốn khám phá và không chịu ngồi yên là điều bình thường. Việc trẻ 2 tuổi nổi cơn thịnh nộ khi thất vọng cũng là điều hoàn toàn bình thường.

Để giúp trẻ có kỹ năng từ chối, cha mẹ cần tôn vinh những lời nói “không” ở bé. Ví dụ, phụ huynh hãy thể hiện cho trẻ thấy rằng, “không” là một câu trả lời có thể chấp nhận được. Đồng thời, cố gắng tôn trọng ý kiến của trẻ nhiều nhất có thể.

Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần đặt ra ranh giới cá nhân, thực thi các vấn đề an toàn. Mặt khác, phụ huynh cũng nên cố gắng hết mức có thể để có được sự đồng cảm và cho con mình quyền kiểm soát những điều quan trọng trong cuộc sống của chúng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến khích phụ huynh đặt ranh giới cá nhân cho bản thân mình, thay vì luôn áp đặt trẻ như những kẻ độc tài.

Theo Very well family; Ckstoula

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.