Sức lan tỏa mạnh mẽ của Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam

GD&TĐ - Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" thay đổi theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn, sức lan tỏa lớn hơn.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu tại lễ trao giải.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu tại lễ trao giải.

251 tác phẩm báo chí xuất sắc được lựa chọn để trao giải trong 5 năm

Tại lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2023 sáng 18/11, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại - thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2023 - cho biết:

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.

Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục; các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành Giáo dục.

Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Sau 5 năm tổ chức, từ mùa giải đầu tiên năm 2018, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" ghi dấu sự thay đổi theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn, sức lan tỏa lớn hơn; phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng tác phẩm tham dự.

Ngay trong năm đầu tiên phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 tác phẩm của 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình; trong đó hơn 400 tác phẩm đúng thể lệ Giải được chọn chấm vòng sơ khảo; gồm hơn 200 tác phẩm báo in; hơn 100 tác phẩm báo điện tử; hơn 100 tác phẩm phát thanh, truyền hình.

Năm thứ 2 số tác phẩm dự thi tăng lên đến hơn 1.000. Không chỉ số lượng tăng vọt mà mặt bằng chất lượng chuyên môn các tác phẩm gửi về dự giải cũng cao hơn, chất lượng hơn, được đầu tư công phu, bài bản hơn.

Hai mùa giải tiếp theo, năm 2020 và 2021, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, nhưng số lượng tác phẩm của 4 loại hình vẫn được duy trì ở con số gần 1.000.

Năm 2022, Ban Tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự từ các cơ quan báo chí trên cả nước; trong đó loại hình phát thanh - truyền hình có số lượng tác phẩm tăng đáng kể, chất lượng cao hơn mọi năm cả về nội dung và hình thức.

Bài dự thi đến từ các tỉnh thành trên cả nước với sự hưởng ứng tích cực của nhà báo, cộng tác viên cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Khoảng cách giữa báo chí trung ương, báo chí địa phương ngày càng được thu hẹp. Tác phẩm tham dự phong phú về thể loại: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, phim tài liệu, ký sự truyền hình và các chương trình phát thanh, truyền hình khác.

Trong số hơn 4.000 tác phẩm gửi đến Giải để dự thi trong 5 năm qua, có 251 tác phẩm báo chí xuất sắc được lựa chọn để trao giải; trong đó có 20 giải A, 40 giải B, 59 giải C và 132 giải khuyến khích.

5 tác phẩm xuất sắc nhất được trao giải đặc biệt, gồm: “Chuyện nghề, chuyện đời của những giáo viên vùng cao Tây Bắc”, loại hình báo in, Báo Quân đội nhân dân (năm 2018);

“Chuyện về những người thầy thắp lửa”, loại hình phát thanh, VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam (2019);

"Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh", loại hình báo in, báo Tuổi trẻ (2020);

“Đi về phía tâm dịch”, loại hình báo điện tử, Báo Lao động (2021) và “Học sinh miền Nam - Một thời để nhớ “, loại hình truyền hình, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (2022).

Gương mặt nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải cũng là điểm nhấn tích cực, nhân văn thể hiện sự quan tâm của báo chí với đời sống giáo dục của mỗi mùa giải.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại và ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT trao giải cho các tác giải đoạt giải Khuyến khích.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại và ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT trao giải cho các tác giải đoạt giải Khuyến khích.

Phản ánh toàn diện đa chiều các vấn đề giáo dục

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm nhận định: Cùng viết về giáo dục, nhưng mỗi năm những đề tài được chú trọng khai thác trong tác phẩm dự giải có khác nhau.

Năm 2018, các tác phẩm dự thi ưu tiên phản ánh cuộc sống, nghị lực của giáo viên vùng khó; những tấm gương tập thể, cá nhân đổi mới sáng tạo trong quản lý, dạy học; vấn đề liên quan đến đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018…

Giải năm 2019, ngoài những đề tài trên, đã có số lượng đáng kể bài viết đi sâu phân tích, mổ xẻ những vấn đề nóng của ngành Giáo dục.

Năm 2020 và 2021, nhiều tác phẩm dự thi phản ánh những khó khăn của ngành Giáo dục, của thầy trò trong trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; đặc biệt ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm, cách làm sáng tạo của toàn ngành Giáo dục để thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Nhiều câu chuyện xúc động về những nhà giáo, xung phong nơi tuyến đầu chống dịch.

Năm 2022, nội dung các tác phẩm dự thi phản ánh đậm nét các mảng đề tài về gương nhà giáo; các vấn đề lớn của ngành Giáo dục như phân luồng, hướng nghiệp, tự chủ đại học, tâm lý học đường, triển khai Chương trình GDPT 2018; những vấn đề về giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc…

Nhìn chung, các tác phẩm dự thi trong 5 năm qua gần như phản ánh được toàn diện, đa chiều vấn đề giáo dục khắp các vùng miền trên cả nước.

Không chỉ ghi nhận thực tế triển khai, nhiều bài viết có tính phản biện mạnh mẽ về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và người học.

Không ít biện pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong giáo dục được đề cập trong các tác phẩm; có những sáng kiến, tư duy đột phá mới, phản biện chính sách giáo dục, đem lại hiệu quả tốt đẹp.

Nhiều tác phẩm lan tỏa những tấm gương nhà giáo, những giá trị tốt đẹp mà giáo dục mang lại. Hầu hết tác phẩm dự thi thể hiện sự đầu tư công phu về thời gian, sức lao động, dấn thân của tác giả, sự chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo các Ban Biên tập.

“Với ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, tham gia của các cơ quan báo chí trong cả nước.

Thành công của Giải từ thực tiễn 5 năm qua cho thấy vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo.

Những năm tiếp theo, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ưu ái, quan tâm, hưởng ứng tích cực của các nhà báo, nhà giáo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước.

Về phía Ban tổ chức, chúng tôi cố gắng tiếp tục tìm tòi, đổi mới, học hỏi, nghiên cứu quán triệt chỉ đạo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Bộ GD&ĐT để Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục” ngày càng có uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống lâu dài hơn và sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội”, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ