Sống tích cực những ngày cách ly

GD&TĐ - Trong thời gian thực hiện cách ly theo dõi vì tiếp xúc gần và cách ly điều trị khi dương tính với Covid-19, nhiều trường hợp bệnh nhân F0 và F1, F2 đã chia sẻ những trải nghiệm và cảm xúc khó quên.

Tạo thói quen tốt khi tự cách ly ở nhà.
Tạo thói quen tốt khi tự cách ly ở nhà.

Bỗng nhiên thành F0, F1

Giữa tháng 7/2021, anh N.M.Hùng (32 tuổi, làm việc trong một đơn vị đầu tư ở miền Đông Nam Bộ) và hầu hết nhân viên tại trụ sở của anh trở thành F1. Trước đó, một đồng nghiệp khi xét nghiệm cộng đồng ra kết quả dương tính với Covid-19. Ngay lập tức, anh Hùng được thực hiện cách ly tại nhà vì có nhà riêng, đáp ứng đủ điều kiện thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Cùng thời gian này, anh T.N.Đức (30 tuổi, làm giám sát thi công công trình của một công ty có vốn Nhà nước tại TPHCM) có chị gái là F1. Như vậy, anh trở thành F2, thực hiện cách ly và làm việc tại nhà.

Tương tự, vào ngày 11/6/2021, một bệnh viện lớn ở TPHCM thông báo có một bệnh nhân là nhân viên dương tính với Covid-19. Anh P.A.Quang (25 tuổi, nhân viên hành chính) là người tiếp xúc gần, phải ở lại bệnh viện cách ly và chờ xét nghiệm.

Đến ngày 12/6, anh Quang được thông báo dương tính với Covid-19, chính thức trở thành là F0 và phải tiến hành cách ly tập trung tại chính khu điều trị của bệnh viện anh đang công tác.

Trong thời gian cách ly, những trường hợp bệnh nhân F0 và F1, F2 này đã chia sẻ những trải nghiệm và cảm xúc khó quên. Tất cả đều tỏ ra khá bất ngờ khi “tự nhiên thành F”, nhưng họ cũng phải dần học cách thích nghi để bảo vệ sức khỏe, vượt qua dịch bệnh và xây dựng lối sống chủ động, tích cực.

Song hành với các bệnh nhân, bác sĩ H.H.Kha cũng đang tham gia điều trị trực tiếp cho F0 và theo dõi các ca F1 tại một bệnh viện đa khoa cấp tỉnh ở miền Tây.

Tính tới thời điểm hiện nay, nơi đây đang điều trị 26 ca F0. Sau một thời gian dài tỉnh này không ghi nhận ca F0 nào thì dịch bệnh bùng phát khó lường, kéo theo hàng trăm F1, F2.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Kha, các bệnh nhân này đều ổn, sức khỏe tốt, bệnh viện vẫn phục vụ cơm căng tin ba bữa/ngày. Các mạnh thường quân đều hỗ trợ tích cực cho nhân viên y tế và người đang cách ly, điều trị.

Từ 0 giờ ngày 19/7/2021, toàn tỉnh của bác sĩ Kha sẽ áp dụng Chỉ thị 16 cùng với các tỉnh, thành phía Nam theo tinh thần Công văn 969/CV-KGVX của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ban giám đốc bệnh viện và chính quyền địa phương đã chuẩn bị nhiều biện pháp chủ động.

Lo sợ nhưng phải chủ động

Ở thời điểm phát hiện mình là F1, anh N.M.Hùng có con trai mới vừa thôi nôi và vợ đang mang bầu (tức F2). Nỗi lo lắng trong gia đình anh Hùng nhân lên gấp nhiều lần. Suốt 5 ngày liên tiếp theo dõi, thấy vợ con không có biểu hiện ho, sốt, khó thở, anh mới yên tâm phần nào.

“Khi tôi trở thành F1 thì vợ con tôi trở thành F2 cùng cách ly tại nhà. Ba mẹ tôi ở nhà riêng của họ, không bị ảnh hưởng. Gia đình tôi thực hiện cách ly mỗi người một phòng riêng, hạn chế tiếp xúc gần 2 mét. Chúng tôi thực hiện xét nghiệm PCR trong suốt quá trình cách ly, may là kết quả đều âm tính”, anh Hùng chia sẻ.

Bác sĩ Kha cho biết nhiều người hay tin mình mắc Covid-19 sẽ rất hoang mang. Tuy nhiên, chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly và điều trị thì “mọi việc sẽ ổn, trong tầm kiểm soát”.

Đối với trường hợp là F0 như anh P.A.Quang, sau thời gian cách ly và điều trị theo quy định, anh xét nghiệm PCR hai lần âm tính liên tục, hiện đã được cho về nhà. Trao đổi với người viết qua điện thoại, anh Quang tỏ ra tự tin, không quá lo ngại về bệnh tình vì đã thực hiện chủng ngừa từ trước. Tuy nhiên, anh vẫn thận trọng, chủ trương không ra đường, không tiếp xúc với người khác.

“Trước khi tôi về nhà, mẹ tôi đã chuẩn bị đồ dùng thiết yếu, đồ ăn sơ chế đông lạnh đủ dùng trong vòng hơn hai tuần. Dù xét nghiệm hai lần âm tính nhưng vẫn phải kỹ lưỡng, hạn chế tiếp xúc bên ngoài”, anh Quang nói.

Còn anh T.N.Đức (người có chị là F1) thì cho rằng khi đối diện với nguy cơ dịch bệnh, đa số người dân sợ phải cách ly tập trung, sợ tiếp xúc quá nhiều người mang mầm bệnh, sợ trở thành F0 tiềm năng. Nếu cách ly tại nhà tùy theo trường hợp, có phương án hợp lý, an toàn sẽ giải tỏa tâm lý lo lắng.

“Để vượt qua tâm lý sợ hãi, hệ thống y tế và cơ quan hữu quan phải tuyên truyền đến người dân nhận thức tích cực và có cách ứng phó phù hợp với các trường hợp lây nhiễm cộng đồng”, anh Đức chia sẻ.

Từ kinh nghiệm công tác tại khu điều trị cách ly, bác sĩ Kha khuyên người dân bên ngoài bớt lo lắng quá độ, tin tưởng vào chuyên môn của đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế, thực hiện tốt khuyến cáo 5K trong khi chờ đợi tới lượt mình tiêm vắc-xin. Đặc biệt, luôn tìm cách cải thiện đời sống tinh thần cũng như sức khỏe thể chất.

Lựa chọn giải pháp tích cực

Trong quá trình cách ly tại nhà, anh T.N.Đức thừa nhận sẽ có những bất tiện. Để thích ứng, anh lựa chọn những giải pháp tích cực như đọc sách, học vẽ thiết kế, sử dụng phần mềm lên khối lượng vật tư, đặc biệt là nghiên cứu thị trường chứng khoán.

Anh Đức khoe rằng mình vừa bỏ hơn 100 triệu vào thị trường tài chính, gặp lúc thị trường đang suy giảm nên mua được nhiều cổ phiếu giá hời. Theo anh, nếu không vì hoàn cảnh xưa nay chưa từng có như vậy thì chưa chắc anh trải nghiệm được kênh đầu tư phù hợp với số tiền tích lũy hiện tại.

“Công việc chính của tôi đang gặp khá nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chỉ có thể chờ đến hết giãn cách xã hội, hoạt động xây dựng mới trở lại bình thường. Lúc này, nói một cách công bằng thì đại dịch là khủng hoảng nhưng cũng đem đến nhiều cơ hội cho tôi”, anh Đức lạc quan.

Cho dù là F0, F1 hay F2, thì nhìn chung, những nhân vật được nhắc đến trong bài viết đều khẳng định rằng người thực hiện cách ly để theo dõi và điều trị phải chấp nhận thích nghi với hoàn cảnh bất tiện như không gian sinh hoạt hạn chế, phải mở cửa sổ và chỉ bật quạt theo hướng dẫn nên khó tránh khỏi sự oi bức mùa hè, nhu cầu cá nhân cực kỳ tiết giảm…

Tuy nhiên, họ đã lựa chọn cách sắp xếp và xây dựng cuộc sống “bình thường mới” rất tích cực. Vốn là một gymer, anh Đức không chịu bó tay vì phòng tập gym đóng cửa. Với bản tính ham mê vận động, anh tự sáng tạo những dụng cụ tập luyện từ đồ dùng sẵn có hoặc lợi dụng các kết cấu chịu lực tại nơi ở để thiết kế các bài tập.

“Ví dụ, bạn có thể mua thùng nước 6 lít có tay cầm, xem nó như quả tạ tay, kết hợp nhiều thùng nước lại, lấy đồ chằng buộc thì tập được một số bài phát triển cơ ngực, lưng xô.

Hoặc sử dụng dây kháng lực tập theo bài mẫu trên YouTube, thực hiện các bài tập phổ thông như hít đất, plank, thậm chí vác hai thùng nước đi lên xuống các bậc thang nhiều lần… Muốn làm thì sẽ có cách thôi”, anh Đức hướng dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ