Sản phụ bị liệt ở BV Mê Kông: Các biến chứng nguy hiểm khi sinh mổ

GD&TĐ - Theo các bác sĩ, phương pháp gây tê tủy sống đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như biến chứng về thần kinh gây liệt, tổn thương thần kinh; Biến chứng về tim mạch gây hạ huyết áp, nhịp chậm,...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, một sản phụ sau khi được bác sĩ Bệnh viện phụ sản Mê Kông tiêm thuốc gây tê để mổ bắt con đã bị tai biến liệt nửa người...

Hiện nay có nhiều thông tin liên quan đến kỹ thuật gây tê tủy sống khi thực hiện phẫu thuật mổ lấy thai. Theo các bác sĩ, phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ là phương pháp gây tê vùng, từng được khen là phương pháp hiện đại giúp sản phụ bớt đau đớn.

Bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào vùng dịch não tủy ở vị trí giữa lưng để gây tê cục bộ. Sản phụ vẫn tỉnh táo, nhịp tim và huyết áp điều hòa ổn định trong quá trình mổ lấy thai. Xác suất nguy hiểm cho trẻ sơ sinh được đánh giá là ở mức thấp nhất.

Tuy nhiên, khi xảy ra biến chứng sinh sản, phương pháp này lại cực kỳ nguy hiểm. Một số người cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, khó thở, vị trí tiêm đau buốt sau 30 phút tiêm. Một số trường hợp phản ứng mạnh với thuốc, gây rối loạn nhịp tim, co giật và hôn mê.

Theo Bác sĩ cao cấp, CKII gây mê hồi sức Lê Tuyên Hồng Dương - Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội gây mê Việt Nam chia sẻ trên báo SKĐS, gây tê tủy sống có nhiều ưu điểm nhưng bên cạnh đó cũng có những hạn chế và tác dụng phụ nhất định như: tụt huyết áp, đau đầu, đau lưng, đau vùng chọc kim…

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta nhưng chưa công trình nào chỉ ra được nguyên nhân chính xác gây triệu chứng đau đầu này.

Có một số giả thuyết như trong quá trình gây tê làm rách màng cứng khiến cho dịch tủy thoát ra ngoài, chọc kim nhiều lần, kim to quá gây thoát dịch, tổn thương dây chằng khi kỹ thuật viên thực hiện gây mê chưa thực sự tốt. Nhưng tất cả những điều đó vẫn còn đang được tranh luận.

Việc làm thế nào để giảm các biến chứng này phụ thuộc nhiều vào các loại thuốc gây tê, kỹ thuật và kinh nghiệm của bác sĩ gây mê hồi sức.

Các khuyến cáo trên thế giới đưa ra về quy trình gây tê tủy sống cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Người thực hiện kỹ thuật phải được đào tạo chính quy và có kinh nghiệm thực hành tốt, sử dụng các loại thuốc gây tê đảm bảo theo đúng quy định của cơ quan quản lý.

Quan trọng nhất vẫn là kỹ thuật của người gây tê, cỡ kim gây tê, tuân thủ nguyên tắc không chọc kim qua nhiều lần trên cùng một khe đốt sống, nếu chọc 2 lần không được phải chuyển vị trí.

Hiện tại trong kỹ thuật gây tê đã sử dụng những loại kim nhỏ G25 đến G27 trong gây tê tủy sống. Các bác sĩ gây mê hồi sức được đào tạo chính quy, có kinh nghiệm thực hành lâm sàng, thường xuyên được đào tạo và cập nhật kiến thức liên tục nên các biến chứng và tai biến trong gây tê tủy sống rất hiếm xảy ra.

Trên thị trường có nhiều loại thuốc gây tê tủy sống được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, tuy nhiên không thể tránh được những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

Bất cứ một loại thuốc nào khi đưa vào cơ thể người cũng có thể có tác dụng phụ nhưng tùy vào mức độ phản ứng khác nhau để có giải pháp, phác đồ xử lý khác nhau. Tuy nhiêncác bác sĩ khuyến cáo nên sử dụng thuốc có nguồn gốc rõ ràng của các công ty lớn có uy tín trên thế giới được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép sử dụng. Tại các cơ sở cần tuân thủ đúng quy định bảo quản thuốc theo quy chế Cục Quản lý Dược đã ban hành.

BS. CKII Lưu Kính Khương – Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115 thông tin trên trang của bệnh viện cho biết, các vấn đề thường gặp sau gây tê tủy sống như biến chứng về thần kinh gồm liệt, tổn thương thần kinh. Đây là biến chứng rất hiếm gặp.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tổn thương thần kinh sau gây tê như: Do kim gây tê/catheter, do chèn ép, máu tụ ngoài màng cứng, thiếu máu nuôi thần kinh, hay độc tính của thuốc tê lên dây thần kinh.

Thông thường bên cạnh mất cảm giác đau người bệnh cũng sẽ liệt vận động vùng được gây tê. Tuy nhiên, vận động và cảm giác sẽ hồi phục sau khi hết tác dụng của thuốc tê (khoảng 4 – 6 giờ). Nếu các triệu chứng này kéo dài cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Hội chứng chùm đuôi ngựa thường có triệu chứng đau thắt lưng, tê quanh hậu môn và tiêu tiểu mất tự chủ; đau đầu, hạ huyết áp, nhịp chậm, nhiễm trùng, biến chứng về hô hấp như khó thở, và ngưng thở ... đều là các biến chứng có thể gặp khi gây tê.

Vì những nguy cơ về tác dụng phụ của phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ, Bộ Y tế năm 2017 đã có văn bản văn bản về việc khuyến cáo:

Theo công văn của Bộ Y tế, qua công tác theo dõi, giám sát và thẩm định tử vong mẹ tại các địa phương, cũng như ý kiến phản ánh của một số đơn vị, Bộ Y tế nhận thấy: trong một số trường hợp phẫu thuật lấy thai (mổ bắt con) bằng phương pháp gây tê tuỷ sống trên các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật, sản giật… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc cần sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản đối với các sản phụ có các tình trạng nêu trên, không thực hiện phương pháp gây tê tuỷ sống nhằm phòng tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra đối với sản phụ.

Bất cứ một phương pháp nào cũng có tác dụng ngoại ý, tuy nhiên nếu kiểm soát tốt thì gây tê tuỷ sống vẫn là phương pháp an toàn trong vô cảm khi mổ lấy thai. Cần phải tôn trọng các chống chỉ định để không xảy ra tai biến cho sản phụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ