Nhiễm khuẩn bệnh viện: 53,9% dụng cụ khoa Gây mê hồi sức không được khử khuẩn

GD&TĐ - Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, kết quả khảo sát tự đánh giá tại 558 bệnh viện năm 2019 cho thấy: Tại khoa Gây mê hồi sức, có 53,9% dụng cụ không được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung...

Cần tăng cường nguồn lực kiểm soát nhiễm khuẩn y tếm (Ảnh Minh Châu).
Cần tăng cường nguồn lực kiểm soát nhiễm khuẩn y tếm (Ảnh Minh Châu).

Theo đánh giá của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn như: Bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn... Tuy nhiên, mối lo về biến chứng do nhiễm khuẩn vẫn rất nguy hiểm.

Vẫn còn nhiều e ngại

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7% đến 19,1%.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, kết quả khảo sát tự đánh giá tại 558 bệnh viện năm 2019 cho thấy: Tại khoa Gây mê hồi sức, có 53,9% dụng cụ không được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung; 31,2% đơn vị không có giám sát vi sinh không khí và môi trường…

Trong khi đó, tại khoa Hồi sức tích cực, 56,1% dụng cụ không được xử lý tập trung tại khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; 21% đơn vị không có giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và vẫn còn khoảng 22,6% nhân viên vệ sinh chưa được đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn...

Hiện các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn. Đặc biệt, các vi khuẩn gram âm kháng với nhiều loại kháng sinh đặc trị như kháng với nhóm carbapenem dao động từ 50% đến 75%.

Đây chính là các nguyên nhân hàng đầu đe dọa tới sự an toàn của người bệnh như tăng biến chứng, tăng ngày điều trị, chi phí nằm viện tăng, tỷ lệ tử vong cao hơn. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng trong chăm sóc y tế

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn chế

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ ra một số nguyên nhân như: Một số người đứng đầu cơ sở y tế chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, cho nên sự đầu tư nguồn lực cho hoạt động chưa phù hợp và hiệu quả.

Mặt khác chưa có chính sách thu hút, khuyến khích những người có tâm huyết, có chuyên môn làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Y tế tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện gia tăng còn do nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp. Các cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng quy định.

Hơn nữa các thiết kế tại bệnh viện, đặc biệt tại khoa hồi sức tích cực, khoa gây mê hồi sức chưa bảo đảm về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.