Sửa Luật Chứng khoán để phù hợp với thực tiễn

Sửa Luật Chứng khoán để phù hợp với thực tiễn

Luật Chứng khoán được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007. Sau hơn ba năm thực hiện, Luật Chứng khoán đã có những đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động phát hành, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán và đưa hoạt động chứng khoán từng bước vào khuôn khổ có tổ chức.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh chóng, phát sinh thêm nhiều yếu tố mới chưa được đề cập trong Luật, đồng thời có một số nội dung của Luật không còn phù hợp với tiến triển của thị trường và cũng có một số nội dung không phù hợp với thực tiễn. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh chóng, phát sinh thêm nhiều yếu tố mới không được quy định trong Luật Chứng khoán cũ.
Thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh chóng, phát sinh thêm nhiều yếu tố mới không được quy định trong Luật Chứng khoán cũ.

Trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Kinh tế nhận thấy dự thảo Luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung 16 điều, bổ sung 1 điều và bãi bỏ 1 điều trong tổng số 136 Điều của Luật hiện hành. Nội dung sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được khá nhiều vấn đề bất cập hiện nay

Về quy định việc chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu một năm; các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng (khoản 6 và khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật).

Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với những quy định này nhằm tránh tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng việc phát hành chứng khoán riêng lẻ với điều kiện đơn giản để chào bán ra công chúng, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông hiện hữu và ảnh hưởng không tốt đến tình hình kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, đối với các công ty đại chúng là tổ chức tín dụng (TCTD) thì hoạt động phát hành trái phiếu là nghiệp vụ huy động vốn thông thường và thường xuyên của các TCTD, khác về bản chất so với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, quy định hạn chế chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ tối thiểu một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán không phù hợp đối với trường hợp chào bán trái phiếu của các TCTD, vì như vậy sẽ làm giảm tính thanh khoản của trái phiếu, đặc biệt các trái phiếu có kỳ hạn 1 năm do các TCTD phát hành. Hơn nữa, quy định các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng cũng không phù hợp đối với phát hành trái phiếu của các TCTD vì TCTD là đơn vị kinh doanh tiền tệ, có thể phát hành nhiều đợt trong năm để huy động vốn. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị sửa lại quy định trên theo hướng “trừ trường hợp phát hành trái phiếu của TCTD”.

Về quy định các doanh nghiệp phải cam kết đưa chứng khoán chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (khoản 10 và khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật).

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với dự thảo Luật nhằm tăng cường thúc đẩy phát triển thị trường giao dịch có tổ chức, qua đó hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và tăng tính thanh khoản của chứng khoán. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật không có tính khả thi vì hiện nay số lượng công ty đại chúng chưa tham gia giao dịch trên thị trường giao dịch có tổ chức còn rất lớn (khoảng 4.000 công ty trong khi chỉ có khoảng gần 500 mã cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường giao dịch có tổ chức). Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ nên áp dụng quy định này với những công ty có quy mô lớn, đồng thời đề nghị cần bổ sung trong dự thảo Luật về chế tài xử lý đối với các đối tượng không thực hiện theo đúng quy định này.

Về quy định các công ty đại chúng, không phân biệt niêm yết hay chưa niêm yết đều phải áp dụng quy định quản trị công ty theo quy định của Bộ Tài chính (khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật).

Loại ý kiến thứ nhất không nhất trí với dự thảo Luật vì cho rằng việc áp dụng quy định quản trị công ty theo quy định của Bộ Tài chính chỉ nên áp dụng đối với các công ty có cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán vì các công ty này có quy mô vốn lớn, hoạt động của công ty có ảnh hưởng lớn đến thị trường nên cần tuân thủ các quy định chặt chẽ. Còn đối với các công ty đại chúng chưa niêm yết thì nên có quy định linh hoạt hơn.

Loại ý kiến thứ hai đồng tình với dự thảo Luật vì cho rằng hiện có nhiều công ty đại chúng mặc dù chưa niêm yết nhưng có quy mô rất lớn, nếu không áp dụng các chuẩn mực về quản trị công ty sẽ không đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Hơn nữa, quy định này sẽ góp phần thúc đẩy việc đưa các công ty đại chúng vào giao dịch trên thị trường giao dịch có tổ chức.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với loại ý kiến thứ hai. Tuy nhiên, việc quản trị công ty của các công ty đại chúng là TCTD hiện được thực hiện theo quy định của Luật các TCTD (đã được sửa đổi năm 2010) với các điều kiện rất chặt chẽ, do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét sửa đổi khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật theo hướng “...các TCTD thực hiện quản trị công ty theo quy định của Bộ Tài chính đối với những nội dung chưa quy định tại Luật các TCTD”.

Về quy định Trung tâm lưu ký chứng khoán và người có liên quan có nghĩa vụ công bố thông tin, đa số ý kiến nhất trí việc mở rộng đối tượng công bố thông tin như dự thảo Luật nhằm tăng tính minh bạch của thị trường, qua đó đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, tạo điều kiện tăng cường giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Có ý kiến cho rằng hoạt động ngân hàng có tính nhạy cảm cao và mang tính rủi ro hệ thống, do vậy nên có quy định riêng về công bố thông tin áp dụng cho các TCTD. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng minh bạch là một yêu cầu có tính nguyên tắc nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, qua đó thị trường có thể tự điều tiết tạo sự ổn định cho thị trường. Bởi vậy, không nên có quy định mang tính ngoại lệ áp dụng cho TCTD.

Về xử lý vi phạm (khoản 23 Điều 1 dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với dự thảo Luật bổ sung quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm mới và chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy hiện nay trên thị trường có không ít các hành vi thao túng thị trường, kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường chứng khoán nhưng chưa được xử lý nghiêm khắc. Chẳng hạn, một số nhà đầu tư câu kết thực hiện các giao dịch giả mạo để làm tăng hoặc giảm giá một số mã chứng khoán, qua đó để đầu cơ kiếm lời. Một trong những lý do chưa ngăn chặn và xử lý được các hành vi này là do cơ quan quản lý nhà nước chưa có đủ công cụ và thẩm quyền để xác minh bằng chứng gian lận. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung Điều 120a quy định: “Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của Chính phủ để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện chức năng thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Ngoài các nội dung trên, có một số nội dung khác Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này vì đây cũng là những vấn đề hiện đang vướng mắc, cần được được xem xét, tháo gỡ sớm để thị trường vận hành đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch, cụ thể:

Chiều nay, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật kiểm toán độc lập.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ