Sự việc nữ sinh bị bạn đánh tại Quảng Ninh: Hành vi gây rối trật tự nơi công cộng

GD&TĐ - Chia sẻ với GD&TĐ, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngay sau khi nắm được sự việc nữ sinh bị các bạn đánh tại Quảng Ninh, Vụ đã liên hệ trực tiếp với Sở GD&ĐT Quảng Ninh yêu cầu Sở phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra thông tin, đồng thời có văn bản gửi cơ quan công an để điều tra, xác minh sự việc.

Sự việc nữ sinh bị bạn đánh tại Quảng Ninh: Hành vi gây rối trật tự nơi công cộng

Đến 18 giờ tối ngày 7/4, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ GD&ĐT về việc xác minh clip nữ sinh đánh nhau đăng tải trên Facebook.

Qua nắm bắt tình hình ban đầu, khoảng 17h30 phút ngày 6/4 tại đường bao biển phía sau Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm Quảng Ninh xảy ra vụ xô xát giữa một nhóm khoảng 10 người. Công an xác minh, nạn nhân bị đánh nhập viện là em N.T.H.L. (sinh năm 2002) học sinh lớp 11A5 trường THCS&THPT Lê Thánh Tông, TP. Hạ Long.

Vì sự việc xảy ra ở ngoài cơ sở giáo dục, lớp độc lập nên không gọi là bạo lực học đường; theo Khoản 5, Điều 2 của Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; đây là hành vi gây rối trật tự xã hội nơi công cộng, làm gây thương tích và xâm phạm thân thể, danh dự của người khác…

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Sở GD&ĐT trong việc đến thăm hỏi, động viên học sinh bị đánh, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát học sinh liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh để chỉ đạo Thành phố Hạ Long và Công an tỉnh vào cuộc điều tra, chủ động xử lý vụ việc.

Trong sự việc này, chính quyền địa phương sẽ có chức năng chỉ đạo các cơ quan liên trên địa bàn để tiến hành xử lý. Công an tỉnh, địa phương sẽ thu thập nhân chứng, tiến hành các bước thủ tục để xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi gây rối trật tự nơi công cộng. Sở GD&ĐT Quảng Ninh có trách nhiệm phối hợp, cung cấp các thông tin liên quan của học sinh để quá trình điều tra nhanh chóng có kết quả xử lý cuối cùng. Sau khi cơ quan công an của tỉnh hoàn tất hồ sơ vụ việc, đề xuất xử lý với các mức xử phạt cụ thể, trên cơ sở đó ngành Giáo dục tỉnh sẽ tiếp nhận kết quả và xử lý kỷ luật các học sinh vi phạm theo quy định của ngành, nhà trường.

Ông Bùi Văn Linh cho hay, từ trước tới nay ngành GD-ĐT đã rất chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống có văn hóa, ý thức pháp luật, sống và học tập thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó các hoạt động nhằm giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý, triển khai công tác phòng chống tệ nạn, tội phạm trong trường học cũng được quan tâm triển khai.

Tới đây, các địa phương, nhà trường cần có những cuộc đối thoại trực tiếp giữa học sinh và ban giám hiệu, giáo viên; lắp đặt và công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh. Nhà trường cần đẩy mạnh nêu gương những hành động tốt, tấm gương người tốt – việc tốt để tuyên truyền; quy định trách nhiệm cụ thể của gia đình trong việc phối hợp quản lý học sinh; trách nhiệm của giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm để từ đó có sự phối hợp quản lý, theo dõi các biểu hiện lạ, khó khăn, vướng mắc của học sinh nhằm kịp thời tháo gỡ, giúp đỡ các em.

Theo sự phân công của Chính phủ tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP, chính quyền địa phương sẽ có chức năng chỉ đạo sở, ngành liên quan triển khai các nội dung nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường sao cho thực sự hiệu quả, với mục tiêu cao nhất đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho các em học sinh, cán bộ giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.