Sự tử tế

GD&TĐ - Tôi dừng xe, mắt chăm chú nhìn về phía cậu học trò nhỏ thó nhưng vô cùng lanh lợi. Em đang dựng chiếc xe đạp và đỡ bà cụ bán hàng rong đứng dậy giữa đường, dìu bà vào sát lề đường sau khi bị ngã do đường mưa trơn trượt. 

Sự tử tế

Bà cụ có vẻ rất đau, nhưng ánh mắt bà lại ánh lên nụ cười thân thiện nhìn cậu bé đã giúp mình bằng sự trân trọng, biết ơn. Em mỉm cười đáp lại. Đợi bà lên xe nặng nề đạp từng vòng xe đi tiếp, em cũng lên xe đạp và khuất dần ở cuối ngã tư, lòng tôi bỗng thấy nhẹ thênh. Tôi lại nhớ tới lời dặn dò của một thầy giáo đã quá cố: “Các em có thể trở thành người nghiên cứu thành công, doanh nhân tầm cỡ, lãnh đạo xuất sắc, chính khách uyên bác, nhưng trước hết phải là người tử tế”.

Tử tế là món quà diệu kì mà con người dành tặng cho nhau. Đó là chuẩn mực đạo đức, là phép tắc cần thiết trong cách đối nhân xử thế. Ai đó đã nói rằng, tử tế với cuộc sống giống như sương mai đối với cánh đồng cỏ, trong lành, tinh khiết; như hoa thơm, hoa đẹp dâng hiến cho con người, bình yên, thanh thản. Thật vậy, sự tử tế khiến cho cuộc đời thêm đẹp, con người thêm nhân văn hơn.

Có câu “Tử tế là ngôn ngữ mà người mù có thể thấy và người điếc có thể nghe”. Bạn chỉ cần nói lời cảm ơn, xin lỗi, trao nụ cười với những người bạn gặp; bạn chỉ cần dọn dẹp bàn ăn một cách gọn gàng, khen một ai đó thực lòng… tôi tin bạn sẽ cảm thấy và nhận được niềm hạnh phúc. Bởi những việc làm tử tế, dù nhỏ đến cỡ nào cũng không bao giờ là lãng phí.

 

Nếu sự tử tế là sự quan tâm tới nhau, là tình yêu thương và sự bình yên trong chính ngôi nhà của mình thì tôi có thể tự hào rằng, mình đang làm tốt điều đó. Tôi có cô con gái năm nay lên 7 tuổi. Hạnh phúc giản dị với tôi mỗi ngày ấy là đặt một nụ hôn lên trán con mỗi sáng đến trường, mỗi chiều về nhà và trước giờ ngủ tối. Đó còn là sự gương mẫu, sự tôn trọng cùng những lời nói nhẹ nhàng với con mỗi ngày. Trước khi dạy con trở thành người tử tế, tôi đã tâm niệm, trước hết mình hãy là một tấm gương tử tế để con soi vào.

Tôi có thói quen là lập một bảng những việc làm tử tế gắn trên tường nhà một cách trịnh trọng. Mỗi ngày trôi qua, từng thành viên trong gia đình sau khi làm được một việc tử tế sẽ ghi vào bảng đó. Đôi khi, tôi còn liệt kê những việc tử tế cần làm và yêu cầu mọi người làm theo. Cứ thế, chiều nào đi làm về, con gái cũng tí toét chạy đến bên, sà vào lòng tôi vui sướng khoe. Khi thì “con cho bạn mượn cuốn truyện Tấm Cám con thích nhất”. Khi thì “con đã mỉm cười với bác bảo vệ trường”. Rồi “con đã ủng hộ 2.000 đồng mua tăm tre giúp các bạn khuyết tật”, “con đã chia cho bạn nửa cái bánh mì của con”…

Ngắm nhìn và xoa đầu con, tôi cảm thấy lòng ngập tràn niềm vui. Thiết nghĩ, đôi khi một nụ cười, một cái gật đầu, một lời nói hay lời thầm cầu mong chân thành với người khác… cũng là sự tử tế đáng trân trọng. Cuộc sống đẹp hơn từ những điều bình thường như thế.

Trong nhịp chảy xô bồ của xã hội, con người dần chỉ biết thu vén mình trong thế giới riêng. Và đôi khi, những việc tử tế bản thân làm cho người khác, nói ra lại khiến mọi người lắc đầu, xem đó là chuyện bao đồng, chuyện dại. Nhưng nếu người tốt cứ mãi im lặng thì xã hội này sẽ ra sao? Đúng như Napoleon từng nói: “Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.

Xã hội đang xoay vần với muôn nỗi thực trạng đáng lo ngại: từ thực phẩm bẩn, trái cây ngâm hóa chất đến xăng giả, báo lá cải đăng những tin giật gân... và nhiều chuyện kinh thiên động địa khác. Nhiều người thiếu tử tế vẫn đang ngang nhiên sống, ngang nhiên làm những điều có lợi cho chính họ mà bất chấp tình người, bất chấp luật pháp.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện tại cũng vẫn còn nhiều người tử tế. Đó là cậu bé nhịn ăn sáng để ủng hộ đồng bào bị bão lụt, dù số tiền chỉ là ít ỏi. Là cô bé chỉ mới 7 tuổi, khi biết mình sẽ qua đời đã hiến giác mạc để nhường lại ánh sáng cho người khác. Là câu chuyện của đôi vợ chồng già, vợ mù lòa, chồng bệnh tật được những người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ vượt qua khó khăn hoạn nạn. Là anh tài xế taxi chở người bị tai nạn đến bệnh viện cấp cứu mặc cho máu bê bết đầy ghế xe. Là câu chuyện về một cảnh sát giao thông vẫn miệt mài thực hiện nhiệm vụ trong ca trực cuối cùng trước khi nghỉ hưu với cây gậy chỉ đường trong dòng người vội vã ngược xuôi…

Có thể nói, tử tế chính là điểm xuất phát của những hành động yêu thương và sẽ thăng hoa thành lẽ sống. Xã hội sẽ trở nên tốt đẹp nếu mỗi người tự biết nuôi dưỡng tâm hồn mình những giá trị sống tốt đẹp. Đó là sự tử tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ