Sự tiếp sức quý báu

GD&TĐ - Mới đây, Trường ĐH Văn Hiến đã thông báo chính sách đặc biệt dành cho tân sinh viên khó khăn.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, sinh viên là con của công nhân, viên chức có thu nhập bị giảm hoặc mất việc làm trong thời gian 6 tháng gần nhất sẽ được hỗ trợ 50% học phí học kỳ I và 50% học phí học kỳ II, số tiền lên đến 15 triệu đồng.

TS Trần Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đây là chính sách hỗ trợ của nhà trường và myU, trong đó, myU là hệ sinh thái kết nối nhà trường với nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hợp tác để hỗ trợ cho sinh viên. Nhà trường mong muốn đồng hành, sẻ chia cùng phụ huynh và thí sinh trong thời kỳ kinh tế khó khăn”.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cũng vừa cho biết, UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan dự thảo xây dựng đề án cho học sinh, sinh viên vay trên địa bàn thành phố. Thay vì chỉ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách mới được vay vốn để học tập thì nay, tất cả đều được tiếp cận nguồn vốn này tại ngân hàng thương mại theo hình thức tín chấp nếu có nhu cầu.

Cùng với nhà trường, chính quyền, tổ chức đoàn thể, cộng đồng xã hội đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động chăm lo học sinh, sinh viên vào năm học mới. Dự kiến trong vài tuần tới, công trình lớp học tại điểm bản Chăn Nuôi, xã Nà Khoa, huyện biên giới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) sẽ được khánh thành đưa vào phục vụ học sinh nhân dịp năm học 2023 - 2024.

Đây là công trình do các thành viên câu lạc bộ Vì vùng cao yêu thương đầu tư xây dựng gồm: 1 phòng học, 1 phòng công vụ và 1 công trình phụ trợ với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Công trình hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu học tập, ăn ở của 35 học sinh người Mông bản Chăn Nuôi và bản lân cận.

Cũng chuẩn bị tiếp sức học sinh khó khăn vào năm học mới, mới đây Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng trao quyết định nhận đỡ đầu 5 em là con của ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Các em được bảo đảm điều kiện thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày, hỗ trợ về y tế, kinh phí hằng tháng với mức tối thiểu 500.000 đồng/học sinh/tháng.

Còn nhiều, rất nhiều hoạt động chăm lo cho học sinh khó khăn chuẩn bị bước vào năm học mới đã và đang diễn ra trên khắp mọi miền đất nước trong những ngày này. Xây lớp học, tặng sách giáo khoa, học cụ, học bổng, giảm học phí, có nơi còn tiếp sức cho trò những túi gạo, mì, hay đơn giản chỉ là tặng bộ đồng phục cũ, bộ sách cũ được gói ghém chu đáo... Quy mô, hình thức tổ chức, giá trị hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo dù không giống nhau, nhưng gói trọn trong đó biết bao tâm tình của toàn xã hội dành cho sự nghiệp giáo dục.

Đại dịch Covid-19 dù đã được kiểm soát nhưng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, khá thấp so với GDP cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2023. Ở nhiều địa phương, thậm chí ngay tại đô thị lớn như TPHCM cũng xuất hiện tình trạng hộ tái nghèo. Dự báo kinh tế - xã hội quý III năm nay tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Vì thế, đường đến trường của nhiều học sinh, sinh viên nghèo sẽ còn gian nan.

Trong bối cảnh này, việc các địa phương, nhà trường và cộng đồng xã hội cùng sớm chung tay chăm lo tiếp sức học sinh, sinh viên chuẩn bị bước vào năm học mới có ý nghĩa thiết thực, nhân văn. Những phần học bổng, quà tặng không chỉ là nguồn động viên về vật chất, mà còn là tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ giúp các em vững niềm tin, phấn đấu học tập tốt để có tương lai tươi sáng hơn. Đó cũng là sự tiếp sức quý báu để toàn ngành Giáo dục có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ