Tính tới đầu năm 2022, nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân lớn nhất Trung Quốc là New Oriental Education đã phải sa thải 60.000 nhân viên khi phải vật lộn với ảnh hưởng từ việc chính phủ siết chặt chính sách về dạy học thêm, đánh dấu sự đi xuống của một gã khổng lồ trong thị trường dạy thêm tư nhân trị giá tới 120 tỷ USD tại Trung Quốc.
Tập đoàn New Oriental Education đã được niêm yết tại New York và trở thành công ty giáo dục tư nhân lớn nhất Trung Quốc tính theo giá trị vốn hóa thị trường. Nhưng ngay khi lên đến đỉnh cao thì công ty này đối mặt với “cơn sóng thần” từ sự thay đổi chính sách của chính phủ cộng với sự hoành hành của đại dịch Covid-19.
Vào thời kỳ đỉnh cao tháng 6/2021, New Oriental Education có hơn 88.000 giáo viên và nhân viên toàn thời gian và khoảng 17.000 nhân viên hợp đồng. Nhưng tới tháng 7/2021, Chính phủ Trung Quốc đánh giá việc dạy thêm học thêm tràn lan đã khiến trẻ em nước này bị quá tải, tạo ra gánh nặng tài chính khổng lồ lên các gia đình và làm trầm trọng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội và sự thoái trào của New Oriental Education bắt đầu.
Ngay trong tháng 7/2021, Trung Quốc ban hành lệnh cấm các dịch vụ dạy học thêm sau giờ học, bắt buộc các công ty giáo dục tư nhân như New Oriental Education phải cho dừng các lớp dạy thêm cả bằng hình thức online và trực tiếp. Gần như ngay lập tức doanh thu của tập đoàn này cũng như các công ty giáo dục tư nhân khác cùng hoạt động trong lĩnh vực dạy học thêm ở Trung Quốc cắm đầu đi xuống.
Tính cả trong năm 2021, theo lời tỷ phú sáng lập Yu Minhong thì tập đoàn New Oriental Education đã phải sa thải 60.000 nhân viên, tương tới 2/3 chỉ trong một thời gian ngắn. Ngoài ra tập đoàn này cũng phải chi gần 3,1 tỷ USD để hoàn trả học phí cho khách hàng, bồi thường cho nhân viên bị sa thải và trả lại hợp đồng thuê các trang web học tập trên khắp Trung Quốc. Doanh thu của tập đoàn cũng giảm 80% trong khi vốn hóa thị trường giảm 90%.
Tổng cộng New Oriental đã mất khoảng 28 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường trong năm 2021. Tại thị trường chứng khoán New York và Hồng Kông, một đợt bán tháo cổ phiếu trên diện rộng đã xảy ra với các công ty giáo dục Trung Quốc. Đây là một sự đảo ngược vì mới trước đó, các công ty giáo dục vốn được ưa thích trên thị trường chứng khoán và có khả năng thu hút hàng tỷ USD tiền tài trợ từ các nhà đầu tư lớn.
Hiện chưa thống kê được tổng số việc làm đã bị loại bỏ từ việc siết chặt chính sách dạy học nói trên của Trung Quốc. Theo thống kê trước khi có các chính sách mới hồi tháng 7/2021, Trung Quốc có gần 1 triệu cơ sở giáo dục tập trung vào dạy thêm sau giờ học, sử dụng khoảng 10 triệu lao động.
Tới tháng 12/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo rằng nhà chức trách đã đóng cửa 84% các cơ sở dạy thêm sau giờ học, cả trực tuyến và trực tiếp trên toàn quốc.
Khó khăn bủa vây do thay đổi chính sách khiến New Oriental Education phải đóng cửa hoàn toàn việc dạy thêm các môn học chính tại trường và tìm cách thích ứng. Hiện công ty này tập trung vào việc giảng dạy các môn học phụ như âm nhạc và thể thao, những môn không nằm trong chương trình giảng dạy chính ở Trung Quốc.
Thậm chí nhằm đa dạng hóa nguồn thu, tập đoàn này còn lập hẳn một nền tảng thương mại điện tử chuyên livestream bán các sản phẩm nông nghiệp.