Trong lễ trao bằng tốt nghiệp Tiến sĩ, Thạc sĩ năm 2023 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM diễn ra hồi cuối tháng 5/2023, nhiều người ấn tượng với tân Tiến sĩ Danh Lung.
Ông là vị sư người Khmer đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Điều đặc biệt, ông nhận bằng Tiến sĩ khi bước sang tuổi 60.
Say mê nghiên cứu về văn hóa người Khmer
Hòa thượng Danh Lung (tên thật là Danh Lùng), quê ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ông hiện là Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer, Trụ trì chùa Chantarangsay (quận 3, TPHCM).
Sư Danh Lung bắt đầu làm nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học từ cuối năm 2016. Ông bảo vệ luận án Tiến sĩ vào tháng 9/2022 với đề tài “Diễn trình và Giá trị của nghi lễ vòng đời trong cộng đồng của người Khmer ở Nam Bộ”. Cán bộ hướng dẫn là PGS.TS Ngô Thị Phương Lan và TS Nguyễn Khắc Cảnh.
Theo đó, luận án của ông nhằm tìm hiểu thực trạng và sự biến đổi của các nghi lễ vòng đời trong cộng đồng của người Khmer ở Nam Bộ hiện nay, cụ thể ở tỉnh Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bình Phước, Tây Ninh và TPHCM.
Nghiên cứu sinh Danh Lung đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, ghi chép thực địa nghiên cứu và so sánh để hoàn thành công trình.
“Tôi say mê các nét đẹp, giá trị văn hóa của dân tộc mình và muốn tìm hiểu sâu hơn. Mà muốn hiểu sâu thì phải tiếp tục học, nghiên cứu”, sư Danh Lung lý giải về việc học Tiến sĩ và lựa chọn đề tài nghiên cứu.
Hòa thượng Danh Lung và người hướng dẫn luận án Tiến sĩ - PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: HCMUSSH |
Kết quả, luận án của nghiên cứu sinh Danh Lung đã tìm ra chức năng, ý nghĩa và giá trị nhân văn được người Khmer Nam Bộ thể hiện trong nghi lễ và cách gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của nghi lễ trong bối cảnh đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển.
Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hội đồng chấm đánh giá luận án của nghiên cứu sinh Danh Lung có những đóng góp mới vào nghiên cứu khoa học và thực tiễn.
Cơ sở của luận án, những luận điểm kết luận, dữ liệu của luận án được đánh giá đáng tin cậy và có giá trị khoa học. Buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ diễn ra thành công với kết quả 4/7 phiếu xuất sắc.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trao bằng Tiến sĩ Dân tộc học cho Hòa thượng Danh Lung. Ảnh: Giác Ngộ |
Lan tỏa thông điệp “không ngừng học tập”
Sư Danh Lung bắt đầu con đường tu tập từ lúc 8 tuổi. Khi đó, do chiến tranh nên việc học của ông bị gián đoạn. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục trở lại việc học và lấy được bằng Kiến trúc sư.
Khi được giao nhiệm vụ tại Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer, sư Danh Lung tính đến việc học Thạc sĩ để nâng cao trình độ. Ông hoàn thành chương trình Thạc sĩ Quản lý giáo dục tại Trường Đại học Vinh.
Những kiến thức học được từ chương trình này đã giúp ích cho ông trong công tác giáo dục với các vị trí Phó Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng Phân viện Phật giáo Nam tông Khmer.
Như nhiều người học khác, trong giai đoạn làm nghiên cứu sinh Dân tộc học, sư Danh Lung cũng trải qua nhiều vất vả, gian truân do dịch Covid-19. Nhiều kế hoạch đi nghiên cứu thực tế ở các địa phương bị trì hoãn. Ông phải thu xếp quỹ thời gian để dành cho việc nghiên cứu.
Sư Danh Lung chia sẻ: “Việc học với tôi không phải là lấy được bằng cấp, mà học trước hết để hiểu biết. Hiểu biết là cách để chúng ta giải quyết các vấn đề trong cuộc sống”.
Hòa thượng Danh Lung phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của HĐND TPHCM. Ảnh: Thành ủy TPHCM |
Trải qua nhiều vất vả, nhưng không khi nào ông có ý định bỏ cuộc. Ông muốn chuyện học của mình lan tỏa đến nhiều người, trong đó có thế hệ trẻ người Khmer.
“Tôi hơi buồn khi thấy nhiều bạn tuổi còn trẻ, điều kiện đều thuận lợi nhưng lại bỏ học giữa chừng. Hoặc nhiều bạn cho rằng lớn tuổi rồi, học tập sẽ rất khó. Thật ra việc học sẽ không có điểm dừng, cũng không phân biệt già trẻ, chỉ cần chúng ta có quyết tâm và sự chăm chỉ là sẽ làm được”, sư Danh Lung nói.
Hòa thượng Danh Lung còn tham gia công tác xã hội với vai trò Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2019-2024. Ông tích cực các hoạt động kêu gọi hỗ trợ học bổng cho sinh viên, tổ chức nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa.