Bác sĩ Ngô Đức Hùng.
Có hay không việc "truyền" bia vào người?
Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng cần phải hiểu rõ về việc này là không phải truyền bia qua đường tĩnh mạch hay uống bia sẽ có tác dụng giải ngộ độc mà là các bác sĩ đã bơm bia qua sonde dạ dày. Nhiều thông tin trên mạng khiến người dân hiểu lầm rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Hùng, trong ca điều trị này, mấu chốt là lọc máu chứ không phải dùng bia.
Trước hết, chất cồn có 2 loại, công nghiệp và thực phẩm. Cồn công nghiệp, chủ yếu là Methanol (CH3OH) (và vài loại khác nữa), vốn không được uống vì nó gây độc lên hệ thần kinh nghiêm trọng, gây mờ mắt, tổn thương dẫn truyền thần kinh, tổn thương vỏ não. Cuối cùng là suy đa phủ tạng và chết.
Trước đây từng có một vụ ngộ độc Vodka rởm làm 6 người chết ấy, thủ phạm chính là Methanol này.
Còn cồn thực phẩm, là Ethanol (C2H5OH). Cồn thực phẩm có trong các loại rượu trên thị trường. Rượu mới nấu hay rượu ủ bằng những thứ không đảm bảo, thường có lẫn ít methanol, nhưng không đáng kể. Hoặc gian thương đem cồn công nghiệp pha nước sản xuất rượu rởm thì trong rượu ấy có đầy Methanol.
Bản chất hóa học, cả Methanol và Ethanol đều gây ngộ độc giống nhau. Nhưng Methanol nặng nề hơn nhiều và dễ gây tử vong hơn nhiều. Khi vào máu, chúng sẽ cùng tấn công lên tế bào não gây hưng phấn, cười nói huyên thuyên, sau đó ức chế gà gật rồi hôn mê.
Thế nên ngộ độc ethanol dễ chữa hơn và tiên lượng tốt hơn so với ngộ độc Methanol.
Bệnh nhân Nhật được truyền gần 5 lít bia vào cơ thể để kéo dài thời gian giải độc. Ảnh: Hoàng Táo - VnExpress.
Lý do bơm bia vào người là gì?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng cũng lý giải, khi ngộ độc, quan trọng nhất là lấy chất độc ra khỏi cơ thể, bằng tăng đào thải (tự nhiên hoặc nhân tạo).
Trong lúc chờ đợi, có thể làm giảm bớt triệu chứng ngộ độc bằng cho uống Ethanol để Ethanol cạnh tranh đẩy Methanol ra khỏi tế bào. Tuy vậy, đổi lại hậu quả là nguy cơ ngộ độc thêm Ethanol nếu không định lượng được nồng độ Methanol trong máu (để ước lượng liều ethanol đưa vào).
Ai đã từng uống bia say, cả ngày hôm sau sẽ có cảm giác rất khát vì Ethanol trong bia làm tăng áp lực thẩm thấu máu, dù lượng nước đưa vào cơ thể rất nhiều, đi tiểu rất nhiều. Và đó là nguồn cơn gây rối loạn điện giải, mất K và Mg qua nước tiểu làm cơ thể bải hoải, đau mỏi cơ.
Vậy nên, phác đồ nước ngoài khuyến cáo có thể cho Ethanol, nhưng cần kiểm soát rất chặt liều lượng.
Do vậy, tình huống ở BV Quảng Trị là bất đắc dĩ vì khẩn cấp. Còn nếu có máy lọc máu hấp phụ, thì nó giải quyết được hết rắc rối.