Sự thật về nguồn gốc loại thịt lợn đang bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch
Ngọc Vân
Theo dõi báo trên
GD&TĐ - Loại thịt lợn mà bạn vẫn mua tại các cửa hàng thực phẩm sạch có xuất xứ từ đâu, được nuôi và giết mổ theo quy trình như thế nào, chất lượng có thực sự đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng? Những sự thật được chia sẻ sau đây sẽ giúp bạn có lựa chọn phù hợp cho gia đình.
Thịt lợn là loại sản phẩm quen thuộc với bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Lo lắng vì chất lượng thịt bán tại các chợ, nhiều gia đình đã chuyển sang mua thịt lợn do các cửa hàng thực phẩm sạch cung cấp. Nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu rõ về nguồn gốc, chất lượng của những loại thịt đang được bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch hiện nay?
Theo CEO của một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, những thông tin về thực trang thịt lợn sạch hiện nay có thể sẽ làm cho người tiêu dùng lo lắng, song đây cũng là một trong những nỗi lo của nhà sản xuất, nhà bán lẻ mặt hàng này.
Thịt lợn bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch có nhiều loại khác nhau.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cần được cung cấp đầy đủ thông tin về những sản phẩm thịt lợn đang được bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch để chọn lựa sản phẩm phù hợp, an toàn cho gia đình.
Bạn có thể tham khảo các thông tin chất lượng, ưu nhược điểm, giá cả… về 2 loại thịt lợn đang được bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch.
Loại 1: Lợn nuôi dân dã
Lợn nuôi dân dã được người tiêu dùng quen thuộc với nhiều tên gọi như lợn bản, lợn đen, lợn mán, lợn trắng…
Đây là sản phẩm thịt lợn rừng, lợn mán được giết mổ phục vụ người tiêu dùng
Hầu hết các cửa hàng thực phẩm sạch hiện nay đều bán lợn nuôi dân dã, do các hộ vùng cao ở Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Lào Cai… nuôi theo kiểu truyền thống. Loại lợn này hiện nay vẫn chưa kiểm soát được 100% chất lượng, từ khâu chọn giống, chăn nuôi, phòng chữa bệnh, đến giết mổ, bảo quản.
Với loại thịt lợn nuôi dân dã, người mua không biết được chính xác lợn nuôi từ hộ nào, ngày vào chuồng ngày bao nhiêu, ăn thức ăn gì, tiêm ngày nào…
Thức ăn chủ yếu của lợn là cám ngô, cám gạo, các loại rau củ quả, bỗng rượu… Nhưng hiện tại, thực trạng thức ăn công nghiệp đang dần tiến sâu vào vùng cao hơn và để kiểm soát 100% lợn nuôi dân dã không ăn cám đậm đặc là điều rất khó. Chất lượng thịt lợn phụ thuộc nhiều vào lương tâm của người nuôi và kinh nghiệm, uy tín của thương lái khi cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Ưu điểm của thịt lợn dân dã so sới thịt lợn trại nuôi công nghiệp là có thịt thơm hơn, nước luộc thịt trong, ít sủi bọt đen, bì lợn dày và giòn hơn lợn công nghiệp. Đặc biệt, các loại lợn bản được thả trong vườn rộng, ăn thức ăn tự nhiên nên thịt chắc và thơm.
Loại thịt lợn nuôi dân dã khi chế biến có mùi thơm, bì giòn
Hiện tại, các cửa hàng thực phẩm sạch đang bán thịt lợn này với giá từ 135.000 đồng đến 250.000 đồng/kg.
Nhược điểmcủa sản phẩm:Chưa kiểm soát được 100% chất lượng, do vậy khách hàng có thể mua phải thịt bị sủi bọt đen khi luộc, thịt có mùi hôi do các nguyên nhân như lợn ăn quá nhiều cám công nghiệp, lợn bị ốm trong quá trình chờ mổ…
Loại 2: Lợn nuôi trại có kiểm soát chất lượng
Những sản phẩm thịt lợn này có nhiều tên gọi do nhà sản xuất đặt như lợn thuốc Bắc, lợn sinh học, lợn hữu cơ, lợn giun quế, lợn tảo xoắn…
Người tiêu dùng đứng trước sự lựa chọn nhiều loại thịt lợn được nuôi theo các phương pháp khác nhau.
Lợn được nuôi tập trung trong trang trại quy mô khoảng từ vài trăm đến vài nghìn con. Các điều kiện về con giống đầu vào, quy trình chăn nuôi, thức ăn, theo dõi sức khỏe, phòng chống bệnh…. được kiểm soát khá tốt. Các trang trại nuôi quy mô lớn được trang bị lò mổ tại trang trại và đảm bảo an toàn vệ sinh.
Ưu điểm của sản phẩm:
Lợn khi chế biến có vị thơm, ngọt, nước luộc trong, sủi ít bọt, ít bị hôi, chất lượng ổn định.
Lơn nuôi trong trang trại khi chế biến thường ít bị ra nước, ít sủi bọt
Nhà sản xuất và người mua biết chính xác lợn nuôi ngày vào chuồng ngày bao nhiêu, ăn thức ăn gì, tiêm ngày nào; được mổ, bảo quản, vận chuyển đảm bảo vệ sinh.
Nhược điểm của sản phẩm:
Chưa kiểm soát được nguồn thức ăn cho lợn như bột ngô, bột đậu nành có phải là thức ăn biến đổi gene (GMO) hay không. Đây cũng là nỗi lo lắng của những người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm sạch.
Sản phẩm được đóng gói hút chân không, bảo quản đông lạnh
Thịt lợn này có giá cao, khoảng 180.000 - 450.000 đồng/kg, thường phải để trong khay, trong túi hút chân không, phải bảo quản trong tủ đông.
Mỗi loại thịt lợn đang bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch có ưu, nhược điểm riêng. Người tiêu dùng nên cân nhắc để lựa chọn loại phù hợp với gia đình mình.
GD&TĐ - Dù điều kiện học tập có phần hạn chế nhưng, Dương Đình Thanh người dân tộc Tày vẫn sở hữu điểm số ba môn Toán, Vật lí và tiếng Anh vô cùng ấn tượng.