Học “kỹ năng” để dạy con

GD&TĐ - Chưa bao giờ các khóa học dạy kỹ năng sống cho mọi người, mọi nhà lại nở rộ như bây giờ. Các khóa học tập trung trong hội trường rộng lớn hay các khóa học online trên mạng xã hội đều lôi cuốn phụ huynh tham gia. Thế nhưng, việc ứng dụng những kiến thức hữu ích vào thực tế nuôi dạy con lại không hề dễ dàng và trôi chảy.

Cha mẹ có kỹ năng sống tốt sẽ giúp trẻ phát triển khoa học
Cha mẹ có kỹ năng sống tốt sẽ giúp trẻ phát triển khoa học

Đi học cách làm cha mẹ

Đồng cảm với tâm tư của các phụ huynh “làm bố mẹ ở thời đại này vừa khó vừa khổ”, TS tâm lý học lâm sàng ĐH Paris Nguyễn Minh Đức - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm VSK lý giải:

Chúng ta đang sống trong “thế giới phẳng”, “thế giới nhanh”, “thế giới cạnh tranh” gay gắt, dẫn đến những áp lực tâm lý đè nặng lên các bậc cha mẹ, khiến họ có thể gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì một sự cân bằng về tâm lý, một sức khỏe tâm lý cần thiết để đảm bảo cho những ứng xử chuẩn mực của những người làm cha mẹ.

Vì đang sống trong một thời đại có nhiều lý thuyết về phương pháp giáo dục con trái ngược nhau nên các bậc cha mẹ hoang mang không biết chọn phương pháp nào cho phù hợp. Phụ huynh đang lúng túng giữa những trải nghiệm cá nhân, giữa sự khác biệt giữa phương pháp giáo dục truyền thống và hiện đại. nơi các thế hệ được sinh ra và lớn lên trong một xã hội mà quyền trẻ em được tôn trọng và được bảo vệ bằng hiến pháp và pháp luật.

Từng tư vấn và trực tiếp giảng dạy nhiều khóa đào tạo tại Tổ chức Trí tuệ Tự nhiên Obraha, chuyên gia Lê Anh Hùng dễ dàng nắm bắt được tâm lý các bậc phụ huynh. Anh cho biết: Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thế giới phẳng, qua các phương tiện truyền thông các phụ huynh thấy được những kết quả vượt trội của con trẻ và bố mẹ từ khắp nơi trên thế giới. Điều đó khiến phụ huynh thấy lo lắng nhưng đồng thời cũng mong muốn con mình cũng đạt được những thành tích như vậy.

Sự mong muốn đó khiến các bậc phụ huynh hình thành nhu cầu tham dự các chương trình đào tạo kỹ năng sống để thay đổi bản thân và hy vọng tìm ra biện pháp tác động đến con cho đúng hướng, đạt kết quả tốt nhất. Khi làm cha mẹ, ai cũng có tâm lý sợ con thua thiệt trong xã hội cạnh tranh gay gắt. Nếu họ không kịp cập nhật những cái hay, cái mới thì họ cũng không đủ tự tin và đủ kỹ năng nuôi dạy, uốn nắn cho con. Vì thực tế trong nhiều tình huống nảy sinh phụ huynh đã cảm thấy bất lực, không kiểm soát được mọi việc.

Kiên trì dạy con

Khi bỏ công sức, thời gian tham dự các khóa đào tạo kỹ năng sống, phụ huynh không ít thì nhiều đều thu lượm được những giá trị và quan điểm tiến bộ, Nhiều người thừa nhận họ có sự chuyển biến tích cực trong tư duy và nhận thức trong việc đối xử với con. Thế nhưng việc ứng dụng những kiến thức hữu ích vào thực tế nuôi dạy con lại không hề dễ dàng và trôi chảy.

“Tại khóa học đào tạo kỹ năng sống, cha mẹ là những học viên. Họ ở trong trạng thái bình tĩnh, hào hứng, được hỗ trợ bằng những mục đích thiết thực, những cảm xúc tích cực. Tuy nhiên, họ lại không được va chạm với những tình huống thực tiễn có độ gay cấn sâu sắc trong quan hệ giữa cha mẹ và con. Khi trở lại với thực tế đời sống gia đình, họ có thể gặp những phản ứng bất lợi từ phía người con làm kích hoạt những cảm xúc tiêu cực của cha mẹ và kéo theo những phản ứng thiếu kiểm soát cảm xúc của cha mẹ. Ngoài ra, sự mất kiểm soát cảm xúc của cha mẹ trong giáo dục con còn có nguyên nhân từ những áp lực của cuộc sống trong xã hội hiện đại. Nếu cha mẹ không học cách tự giải quyết những vấn đề tâm lý cảm xúc của mình, họ không thể linh hoạt biến nhận thức đúng, những ý tưởng hay thành hành động đúng…”- TS Nguyễn Minh Đức phân tích.

Chị Nguyễn Thị Hòa (đường Âu Cơ - quận Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ: “Học các khóa học “Giải mã cơn nóng giận”, “Kỷ luật không nước mắt”, “Dạy con tự học”… chúng tôi được các chuyên gia đưa ra nhiều tình huống để các phụ huynh tương tác, phân tích trao đổi và đưa ra những góp ý giải pháp cho nhau. Khi nhìn vấn đề ở một góc độ khách quan, phụ huynh thấy ngay sai lầm và khúc mắc của mình chứ lúc là người trong cuộc lại không dễ nhận biết được. Đúng là “đi học khôn” thì học hỏi tiếp thu được nhiều điều bổ ích, song thực hành với con ở nhà không đơn giản chút nào. Vấn đề là bố mẹ phải thay đổi bản thân, phải kiên trì. Và cái công thức khó thực hiện nhất nằm trong hai chữ “làm gương”. Thực tế là vô cùng khó khăn”.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Anh Hùng – Giám đốc Tổ chức Trí tuệ Tự nhiên Obraha: Bố mẹ là cái gốc để thay đổi con cái, tạo dựng hạnh phúc cho gia đình mình. Chuyên gia không thể là người hiểu rõ cội nguồn và xử lý triệt để vấn đề của mỗi gia đình. Quyền tự quyết của mỗi đứa trẻ chỉ được nâng cao khi bố mẹ tạo điều kiện cho con được khẳng định cái quyền đó. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không nắm chắc được các quy luật tự nhiên, quy luật cuộc sống, quy luật nhân tạo, quy luật cá nhân... thì khó à dạy con tự chủ, tự lập, hòa nhập tốt trong cộng đồng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ