Vì sao trẻ cô đơn?
Có tới 20% các ông bố và 7% bà mẹ Việt không dành đủ thời gian dạy dỗ, nuôi dưỡng con cái mỗi ngày. Trong số đó có tới 62,9% bậc cha mẹ ở miền Bắc, 57,7% bậc cha mẹ phía Nam chưa dành tới 30 phút hàng ngày để gần gũi vui chơi cùng con cái. Đó là những con số thống kê do Bộ VH-TT&DL phối hợp với Tổng cục Thống kê khi điều tra về những vấn đề gia đình tại Việt Nam đưa ra.
Chỉ vì quá bận rộn với công việc và với suy nghĩ miễn là lo cho con cái đầy đủ về vật chất, nên nhiều cha mẹ quên mất việc phải dành thời gian trò chuyện với các con của mình. Chính điều này đã tạo ra khoảng cách lớn trong sợi dây tình cảm với con cái. Nhiều đứa trẻ cảm thấy cô đơn ngay chính tại ngôi nhà của mình. Tâm sự của một đứa trẻ đã khiến những người làm cha, làm mẹ không chỉ đau lòng mà còn cảm thấy ân hận nếu thấy bóng dáng mình trong đó:
“Cha mẹ ơi, khi cha mẹ đọc được những dòng chữ này con đã ở một nơi rất xa. Nơi đó chắc con sẽ được giải thoát bởi những bế tắc của cuộc sống này. Mặc dù bố mẹ luôn đáp ứng cho con đầy đủ, thậm chí dư thừa những điều kiện trong cuộc sống. Chỉ cần con ngỏ ý thay điện thoại, hay ipad lập tức con sẽ có món đồ công nghệ xịn nhất vừa mới ra lò. Một đứa trẻ mới 15 tuổi đầu nhưng tiền không là vấn đề, bởi lúc nào sau những lần ghé qua nhà bố lại dúi vào tay con một xấp với lời dặn: “Con thích gì cứ mua”.
Còn mẹ dù hai mẹ con cùng một nhà nhưng việc cả hai ngồi ăn cơm cùng nhau đôi khi cũng là sự xa xỉ. Mẹ luôn miệng kêu bận rộn, nhưng con biết sự bận rộn đó là những cuộc vui tối ngày hoặc là một chuyến du lịch dài nào đó. Ở lớp con không có bạn thân chỉ vì chúng không thuộc đẳng cấp với con. Bạn bè của con là những đứa có hoàn cảnh y chang như con mà chúng con bắt quen trên mạng hay một quán bar nào đó.
Cùng sở thích và điều kiện chỉ là tổ chức ăn chơi như thế nào để quên đi cuộc sống thực tại. Không thứ gì chúng con không thử kể cả thứ mà mọi người gọi là chất gây nghiện chết người đó. Và bây giờ chúng con cùng muốn đến thế giới bên kia để giải thoát khi mà cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa. Bởi hàng ngày con không thể cảm nhận được niềm vui hay nỗi buồn…”.
Rất may lá thư ấy đã được người mẹ tìm thấy khi bất chợt nghĩ đến con với nỗi lo lắng mơ hồ và trở về trong đêm. Chị chợt tỉnh ngộ và đã làm mọi việc để có thể kéo con quay trở về với vòng tay của mình. Còn rất nhiều những câu chuyện về việc những ông bố, bà mẹ quá bận rộn với công việc mà ít có thời gian chăm sóc con cái. Cho tới khi nhận ra những bất an đến với con thì họ phải dành rất nhiều công sức để tìm lại hạnh phúc cho đứa con của mình.
Một người mẹ đang trong thời gian trị bệnh trầm cảm cho con cũng tâm sự: “Tôi thực sự rất ân hận khi đẩy con vào trình trạng như bây giờ. Quá bận rộn và ham mê với công việc vì nghĩ rằng mình sẽ khó có cơ hội tốt hơn, sau khi sinh con tôi đã phó mặc mọi chuyện cho người giúp việc. Hàng tháng cháu vẫn lên cân bình thường, không quá quấn mẹ nên tôi lại càng nghĩ mình sẽ có thời gian rảnh để toàn tâm với công việc. Tuy nhiên càng lớn tôi thấy cháu rất ít giao tiếp chỉ thích ngồi hàng giờ xem ti vi. Lo lắng về điều này tôi đưa con đi thăm khám thì bác sĩ kết luận cháu có triệu chứng của bệnh trầm cảm…”.
Trẻ cô đơn sẽ gặp nhiều hệ lụy
Tình yêu thương, sự lo lắng chính là những điều gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà sợi dây ấy trở nên lỏng lẻo và những đứa con ấy sẽ cảm thấy cô độc với cuộc sống xung quanh mình.
Chia sẻ vấn đề này, TS Vũ Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Cá siêu quậy cho biết: Trẻ cô đơn thường sẽ rất thiếu tự tin. Sự thiếu tự tin đó có thể thể hiện ra ngoài bằng thái độ nhút nhát. Cũng có thể sự thiếu tự tin đó được thể hiện bằng sự thờ ơ với thời cuộc. Có thể, trẻ sẽ biến nỗi cô đơn của mình thành sự săm soi, dò xét người khác, chê bai, bài xích trong khi chính mình lại không dám làm việc gì. Đây là điều đầu tiên mà trẻ cô đơn phải gánh chịu.
Khi cô đơn trẻ thường không có niềm tin vào cuộc sống. Các con bị chính cha mẹ mình đẩy vào nỗi cô đơn. Vì thế, làm sao con có thể tìm thấy sự tin tưởng vào ai khác được. Điều này sẽ còn khiến con dễ cảm giác chán đời, luôn không thoải mái, hài lòng với mọi người. Vì thế, cô đơn chồng chất cô đơn, con càng ngày càng cô độc hơn nữa.
Với những trẻ yếu đuối, các con lại lao vào tìm kiếm niềm tin ở bạn bè, hoặc những người khác mà con quen. Chính niềm tin thái quá này đôi khi khiến các con mất rất nhiều: con có thể bị lạm dụng, bị xâm hại, bị lừa đảo mà bố mẹ không biết.
Theo TS Vũ Thu Hương: “trẻ cô đơn thì thường dễ lao vào các loại game, điện tử, điện thoại, máy tính. Con sẽ tìm kiếm sự ấm áp, an ủi từ nơi đó. Đến lúc con nghiện hoặc bị ảnh hưởng về não từ những thiết bị này, việc chữa trị cho con càng khó khăn hơn vì con sẽ cảm giác như bị tước đi niềm vui sống cuối cùng. Khi trẻ cô đơn trẻ rất dễ rơi vào trầm cảm. Một chút biến động trong cuộc sống, một điểm số không đẹp, một người bạn tẩy chay con cũng có thể khiến con nổi điên. Sức lực bỏ ra để chống chọi lại nỗi cô đơn đã làm con kiệt quệ. Vì thế, con yếu đuối, mong manh hơn bạn khác”.