“Vẽ đường để hươu chạy đúng...”

GD&TĐ - “Có hôm, tôi nhận được cuộc điện thoại của một học sinh nữ với giọng nói hoảng loạn: “Em đã trót quan hệ với bạn trai, giờ em phải làm sao?” Còn có học sinh, khi biết mình mang thai ngoài ý muốn đã rất hoảng sợ, thậm chí còn có ý nghĩ bỏ nhà ra đi. May mà tôi tư vấn kịp thời nếu không hậu quả thật khôn lường”. Đó là chia sẻ của Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Phù Cư (Hưng Yên) Nguyễn Thị Phương Lan.

Câu lạc bộ chia sẻ tâm sự là nơi trao đổi hữu ích cho học sinh
Câu lạc bộ chia sẻ tâm sự là nơi trao đổi hữu ích cho học sinh

Gỡ rối nhiều tình huống dở khóc, dở cười

Bà Lan kể lại câu chuyện về một nữ sinh mang thai ngoài ý muốn. Hôm đó là buổi chiều muộn, điện thoại của bà reo liên hồi. Bà bắt máy nhưng đầu dây biên kia không trả lời. “Là người trong nghề nên tôi đoán có chuyện gì đó bất thường. Tôi độc thoại một mình trong điện thoại.

Một lúc sau, tôi nghe thấy tiếng thở mạnh và “thút thít” từ đầu dây bên kia. Đoán chắc đó là một cô gái trẻ mới lớn nên tôi nói: Em bình tĩnh, có chuyện gì hãy nói với chị cho nhẹ lòng. Em không phải sợ, chị sẽ là “chị Thanh Tâm” của em.

Tôi tếu táo một vài câu, rồi em đó òa khóc. Trong tiếng nấc của mình, em nói: “Chị giúp em, em sợ lắm, em phải làm sao bây giờ. Em còn đang đi học, bố mẹ mà biết em mang bầu chắc họ không sống nổi ở làng quê, em cũng chỉ biết bỏ nhà ra đi hoặc là sẽ chết”. Thấy chuyện chẳng lành, tôi khuyên em bình tĩnh và tìm đến gặp em để tâm sự, khuyên nhủ. Sau một hồi trò chuyện, tư vấn tôi giúp em đó trấn tĩnh lại và không còn có ý nghĩ tiêu cực” - bà Nguyễn Thị Phương Lan chia sẻ.

Trên thực tế, không ít bạn trẻ đang ở tuổi vị thành niên nhưng vì thiếu hiểu biết nên đã mang thai ngoài ý muốn. Song điều mà bà Lan lo ngại nhất đó là: Vì sợ người khác biết nên các em sẽ lựa chọn những cơ sở tư nhân, hoạt động không có giấy phép, không có uy tín để phá thai. Điều này có thể dẫn đến hiệu quả khôn lường, có thể dẫn đến vô sinh hoặc gặp những sang chấn tâm lý suốt cuộc đời, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của các em.

Bật cười vì nhớ lại một câu chuyện của một nam sinh lớp 8, bà Lan kể: “Hôm ấy là buổi sáng, em đó tìm đến tôi với vẻ mặt u buồn đầy lo lắng. Hỏi ra mới biết, em đang lo sợ mình bị bệnh gì đó. Em ấy nói, nhiều hôm ngủ dậy thấy quần lót hơi ướt, hơn nữa em ấy cảm thấy như có vật gì đó cản ở trong họng khiến em nói năng khó khăn hơn. Sau một hồi giải thích, tư vấn, nam sinh lớp 8 đã hiểu đó là biểu hiện bình thường về sinh lý ở tuổi dậy thì. Em ấy yên tâm ra về, cầm theo cuốn sách về giới tính mà tôi đã tặng”.

Gia đình, nhà trường là nòng cốt

Bà Nguyễn Thị Phương Lan

Nhiều năm làm trong ngành dân số, bà Lan luôn đau đáu một điều: Phải làm sao để trang bị thật tốt kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên cho các học sinh THCS và THPT. Trước đây, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Phù Cư - nơi bà đang công tác cũng mở điện thoại đường dây nóng để sẵn sàng lắng nghe tâm sự của các em khi bước vào tuổi dậy thì. Thời gian đầu, có rất nhiều bạn học sinh gọi điện đến để được tư vấn về giới tính, về sức khỏe sinh sản - và những chuyện “thầm kín” của tuổi mới lớn.

Là người trực tiếp trực điện thoại đường dây nóng, được nghe những câu chuyện, những lời tâm sự của các em học sinh, bà Lan cho rằng, kiến thức về giới, về chăm sóc sức khỏe sinh sản của các em vẫn còn hạn chế. Nhiều bạn gọi điện đến đường dây nóng với giọng nói hoảng hốt khi thấy cơ thể mình có những thay đổi. “Song điều tôi lo ngại nhất đó là, ở “tuổi mới lớn”, các em rất tò mò và có thể sẽ tiếp xúc với những thông tin độc hại. Vì thế nếu không được giáo dục, định hướng thì rất dễ “sai đường” –bà Lan trăn trở.

Theo bà Lan, rất cần đẩy mạnh tư vấn, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh trong nhà trường. “Nhiều người vẫn lo ngại nếu đưa điều đó vào nhà trường thì chẳng khác gì chúng ta “vẽ đường cho hươu chạy” nhưng tôi nghĩ đó là chúng ta đang vẽ đường để cho hươu chạy đúng” – bà Lan trao đổi.

Tuy nhiên, thực tế công tác này đang gặp nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu được biết, hiện các trường chưa có đội ngũ chuyên trách về lĩnh vực này; đa số là cán bộ Đoàn thanh niên hoặc giáo viên môn Sinh học kiêm nhiệm nên họ chưa có nhiều kinh nghiệm và còn thiếu kỹ năng về truyền thông nên hiệu quả truyền thông sẽ hạn chế hơn. Mặt khác, nhiều giáo viên vẫn còn e ngại khi đề cập đến vấn đề nhạy cảm này với học sinh.

Về phía trung tâm, bà Lan cho biết: Trung tâm cũng đã mở rất nhiều hội nghị, đặc biệt phối hợp với Trường THPT Phù Cừ để tổ chức các buổi truyền thông ngoài trời, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản. Đồng thời, mở hai câu lạc bộ thí điểm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái tại Trường THCS Đình Cao và Trường THCS Minh Tân. Qua đó, có thể giúp các em trang bị thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản và hiểu được quyền lợi của mình ở độ tuổi mới lớn.

“Trong rất nhiều cuộc điện thoại gọi về đường dây nóng của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Phù Cư, có nhiều cuộc gọi là của các em đang ở lứa tuổi học đường với những câu hỏi ngô nghê về giới tính. Thiết nghĩ việc giáo dục kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản cho các em trong nhà trường là hết sức cần thiết. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng dân số”.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.