Sự thật nghiệt ngã sau câu chuyện về 4 chị em ruột cùng mang bầu

Dưới giàn dây phơi trong ngôi nhà ở bang Tabasco (Mexico), 4 chị em nhà Hernandez đứng nói chuyện rôm rả. Bụng bầu của họ lộ ra rõ rệt bên dưới những chiếc áo bó sát. 

Sự thật nghiệt ngã sau câu chuyện về 4 chị em ruột cùng mang bầu ảnh 1
Từ trái sang: Milagros, Martha, Paulina và Maria. Tất cả đều đang mang thai.

Cả 4 chị em cùng mang bầu, nghe thì có vẻ là niềm vui mà gia đình nào cũng ao ước, nhưng những đứa trẻ đang nằm trong bụng họ thực chất là con người khác, họ chỉ đang làm một việc gọi là nghề nghiệp gia đình, đó là cho thuê tử cung.

Một lần đẻ thuê kiếm được số tiền bằng công chức nhà nước làm 10 năm

4 người phụ nữ nhà Hernandez, Milagros, Martha, Maria và Paulina, sẵn sàng chấp nhận đau đớn "cho thuê dạ con" để kiếm hàng ngàn USD từ những cặp vợ chồng đồng tính, hiếm muộn, những người phụ nữ không thích sinh con hoặc không có khả năng sinh con đến từ châu Âu.

Sự thật nghiệt ngã sau câu chuyện về 4 chị em ruột cùng mang bầu ảnh 4

"Hàng xóm chỉ trích chúng tôi điều hành một đường dây buôn bán trẻ sơ sinh. Nhưng chúng tôi chỉ là những người mẹ đơn thân thất nghiệp cố gắng tự lo liệu tương lai của chính mình", Martha, người đang mang bầu 4 tháng đứa con được một đồng tính nam Pháp cho biết.

Người chị lớn nhất Milagros tình cờ biết đến công việc "cho thuê tử cung" vào năm 2013 nhờ mọi người truyền tai. Đó là cách mọi thứ được thực hiện ở Tabasco, tiểu bang nghèo nhất Mexico. 

Quyết định mà cô đưa ra hoàn toàn thực tế bởi gia đình Hernandez đông con, thiếu thốn đủ đường. Mỗi đứa trẻ trong nhà phải tự thân vận động để có tiền giúp đỡ gia đình.

Mẹ của 3 đứa trẻ (con của 3 người đàn ông khác nhau) cười khi nói với phóng viên tờ MailOnline rằng "niềm vui tình dục là thứ duy nhất còn thiếu trong trải nghiệm mang thai hộ này". 

Phải đến khi Milagros mang về 11.000 bảng Anh (tương đương 328 triệu đồng) thì cô chị hai Martha mới "nối gót" và sau đó là 2 cô em Maria, 27 tuổi, cũng là bà mẹ 3 con, và Paulina, người trẻ nhất ở tuổi 22, mới quyết định kiếm sống theo cách này.

Nếu việc sinh nở diễn ra suôn sẻ, khách hàng phải thanh toán trung bình khoảng 10.000 đô la Mỹ (tương đương gần 300 triệu đồng) cùng các chi phí sinh hoạt trong suốt 9 tháng mang thai. Anh trai của các cô làm công việc nhà nước thì phải mất 10 năm mới kiếm được số tiền đó.

"Là một bà mẹ đơn thân trẻ tuổi có xuất thân nghèo ở Villahermosa, lựa chọn của bạn chỉ có thể là phục vụ bàn hoặc gái mại dâm. Mang thai hộ là một cách dễ dàng để đảm bảo tương lai cho con của tôi", Milagros nói. 

Chủ gia đình, Lourdes, bà của 4 chị em trong trẻ hơn so với tuổi 81, đứng từ xa nhìn vào và gật đầu đồng ý với quan điểm của Milagros. 

"Tôi cũng sẽ cho thuê tử cung của chính mình nếu có thể", bà nói và thừa nhận khuyến khích các cháu gái mang thai hộ càng nhiều càng tốt trước khi bước sang tuổi 35. 

Quặn lòng khi phải xa những đứa con mình rứt ruột đẻ ra

Khó khăn lớn nhất đối với chị em nhà Hernandez là giây phút trao các em bé mà họ đã mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng cho bố mẹ của chúng, dù thực tế là họ không có liên quan về mặt di truyền.

Cả 4 người thậm chí còn cho những đứa trẻ ăn sữa mẹ trong vòng 10 ngày đầu đời - điều này làm cho một mối liên kết vốn đã bền chặt càng trở nên khó chia lìa hơn.

Paulina đã chứng kiến các chị gái của mình trao các em bé của họ cho khách hàng sau khi sinh xong. Cô cảm thấy sợ hãi khoảnh khắc phải trao đi đứa con mà cô đã mang thai 9 tháng trong bụng.

Còn Milagros cố gắng xua những ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Cô nói: "Sau thời gian mang bầu, tôi sẽ sinh con trong một phòng khám ở Villahermosa với sự có mặt của 2 người cha của đứa trẻ. Tôi sẽ nuôi con bằng sữa mẹ trong 10 ngày, sau đó tôi sẽ giao chúng cho khách hàng. Đó luôn là phần khó nhất".

Milagros nói về nỗi đau mà cô phải chịu khi những khách hàng đầu tiên của cô, một cặp vợ chồng vô sinh từ Sinaloa ở miền tây Mexico, cắt đứt mọi liên lạc giữa cô và cậu bé. "Tôi vẫn thức dậy vào giữa đêm tự hỏi thằng bé đang ở đâu và làm gì. Tôi hy vọng rằng các khách hàng hiện tại của tôi sẽ cho phép tôi vẫn giữ liên lạc sau khi tôi đã trao cho họ đứa bé", cô nói.

"Bạn phải gạt cảm xúc cá nhân sang một bên khi mang thai hộ", Martha nói một cách dứt khoát. Nhưng ngay sau đó, cô dường như quên ngay lời mình vừa nói và thao thao bất tuyệt tự hào khoe về "đứa con đầu lòng" của mình. 

Khách hàng của cô - cha của cô bé - vẫn thường xuyên gửi hình ảnh của cô con gái hai tuổi Sara - không phải tên thật của cô bé - qua Facebook cho Martha và cô hy vọng điều này vẫn sẽ tiếp diễn.

"Tôi cảm thấy như Sara là con gái đầu lòng của tôi, tôi biết ngay từ đầu rằng con bé sẽ bị bắt đi, và vì vậy tôi đã cố gắng kìm nén cảm xúc của mình, nhưng cuối cùng tôi không thể làm được", cô thừa nhận.

"Khi bác sĩ trao em bé cho tôi, mặc dù con bé rất trắng và tóc vàng, nhưng tôi vẫn thấy khuôn mặt con có nét giống tôi. Đó là một cảm giác rất kỳ lạ, cứ như thể là trái tim và khối óc đang đấu tranh với nhau", Martha không giấu được sự xúc động. 

"Những ngày ở một mình với con bé trong phòng khám tư nhân khiến tôi cảm thấy yêu thương đứa trẻ đó dù biết mình không có quyền. Khi người cha đến, anh ấy muốn dành nhiều thời gian nhất có thể với đứa bé, và tôi cảm thấy có một chút ghen tị, mặc dù bộ não của tôi đã nhắc nhở rằng không được làm vậy. Dù không có liên quan nào về mặt di truyền nhưng tôi vẫn cảm thấy có một sự liên kết rất mạnh mẽ", Martha đấu tranh với bản thân. 

Martha nhớ lại ngày họ chia tay: "Tôi chỉ cố gắng tập trung vào thời gian còn lại để dành cho con. Khi họ rời đi, tôi lại hôn con bé một lần nữa. Khoảng 1 tháng sau, tôi rất buồn. Tôi luôn bất chợt thức giấc trong đêm và nghe thấy tiếng Sara khóc nhưng rồi nhận ra con bé không còn ở bên tôi. Tôi chỉ cố gắng dành hết tình cảm cho con trai mình".

Nhưng đối với Martha, cô tin rằng những thứ cô đạt được nhiều hơn thứ cô mất. Martha là mẹ của 3 cậu con trai, nhưng chỉ có 2 đứa được sống với cô trong trong căn phòng nhỏ ở tầng 2 của ngôi nhà. Đứa nhỏ nhất, Angel Eduardo, đang sống với ông bà nội bởi họ không cho phép cháu sống "trong tình trạng bẩn thỉu" với mẹ.

Nhưng với 14.000 bảng Anh (417 triệu đồng) mà cô nhận được từ khách hàng đầu tiên, cô sẽ có thể chuyển đi đến một ngôi nhà mới.

Sự thật về ngành công nghiệp "cho thuê tử cung" ở Mexico

Những gì 4 chị em nhà Hernandez kiếm được chỉ là một phần nhỏ trong ngành công nghiệp trị giá 90 triệu bảng Anh (gần 3.000 tỷ đồng) mỗi năm chỉ riêng ở bang Tabasco (Mexico). 

Các công ty môi giới lấy 48.000 bảng Anh (1,4 tỷ đồng) cho mỗi lần giao dịch trong khi người phụ nữ chỉ nhận khoảng 10.000 bảng Anh (298 triệu đồng).

Mang thai hộ là ngành công nghiệp gây tranh cãi và Milagros biết rõ điều đó. 3 năm trước, khách hàng hứa trả Milagros 16.000 bảng Anh (477 triệu đồng) sau khi sinh con thành công. Nhưng sau đó họ lại yêu cầu phá thai vì thay đổi mong muốn. 

Đáng lẽ Milagros vẫn nhận được một nửa chi phí nhưng rồi số tiền đó không bao giờ đến. Cô vẫn đau lòng mỗi khi nhớ đến điều đó.

Chính quyền bang Tabasco đã thực hiện các biện pháp để kiểm soát ngành công nghiệp này thông qua một cuộc cải cách vào ngày 13 tháng 1 năm 2016 để đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc mang thai hộ.

Nhưng có lẽ đã quá muộn, nghề này đã trở nên phổ biến ở những khu dân cư nghèo khó như Gaviotas, một quận nghèo thuộc trung tâm của Villahermosa. Cư dân địa phương tên Omar Tej bày tỏ thái độ bức xúc: "Nơi này đã trở thành xưởng sản xuất trẻ em cho người ngoại quốc. Chẳng phụ nữ nào dám thừa nhận, nhưng làm sao một đứa bé lại biến mất sau khi sinh ra được".

Đối với chị em nhà Hernandez, họ đã tìm ra cách lách bất kỳ quy định mới nào hạn chế thu nhập của họ.

Maria, 27 tuổi, được một cặp vợ chồng người Hà Lan đến gặp trực tiếp - điều mà cô hy vọng sẽ không chỉ giúp cô có tránh phải tuân theo những quy định mà còn kiếm được nhiều tiền hơn. "Tôi đã nói chuyện trực tiếp với cặp vợ chồng. Họ đã sắp xếp tất cả cho quá trình mang thai và họ sẽ giải quyết các vấn đề pháp lý, giấy khai sinh khi tôi trao em bé cho họ. Bất kỳ lời khuyên của cơ quan nào cũng hoàn toàn là tư vấn".

Và Milagros, người đã trải qua hai lần sinh mổ, đã suy nghĩ về khách hàng tiếp theo của mình: "Tôi sẽ tiếp tục cho thuê tử cung của mình càng lâu càng tốt. Tôi đang hy sinh cơ thể của chính mình để đảm bảo một tương lai ở một mảnh đất không có gì dễ dàng này".

Theo trang web Growingfamilies của Mexico, việc mang thai hộ người nước ngoài hiện đã bị cấm ở bang Tabasco nhưng một số bang khác vẫn cho phép.

Cũng theo trang này, một trong những lý do chính mà hầu hết các bậc cha mẹ người Mỹ chọn cho một người mang thai hộ ở Mexico là do chi phí mang thai hộ ở nước này khá "bình dân". Chi phí mang thai hộ ở Mexico sẽ dao động trong khoảng từ 60.000 đến 64.000 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng đến đến 1,5 tỷ đồng). Nếu chọn một người hiến trứng thì chi phí sẽ tăng thêm.

Hơn nữa, chi phí cho người hiến trứng ở Mexico dao động trong khoảng từ 8.000 đến 10.000 USD (từ 185 triệu đồng đến 230 triệu đồng) và điều này còn phụ thuộc vào chương trình hiến trứng ở Mexico. Chi phí tương tự có thể tăng cao hơn nếu các cặp vợ chồng giao dịch với một tổ chức mang thai hộ ở Mexico.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ