Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh một nam thanh niên ăn mặc lịch sự, ngồi gác chân chữ ngũ chễm chệ trên ngai vàng của vua triều Nguyễn trong điện Thái Hòa thuộc khuôn viên Đại nội Huế.
Hình ảnh nam thanh niên tạo dáng chụp ảnh trên ngai vàng được đăng tải trên một diễn đàn mạng xã hội
Hình ảnh này cho thấy quanh ngai vàng có hàng rào giới hạn du khách, tuy nhiên nam thanh niên “hồn nhiên” vượt qua hàng rào rồi ngồi lên ngai vàng trưng bày để tạo dáng. Trong bức ảnh cũng có nhiều người đứng bên ngoài hàng rào giới hạn chứng kiến sự việc.
Được biết, khu vực đặt ngai vàng là nơi cấm hoàn toàn việc du khách đến gần. Tại đây cũng có biển cấm việc ghi hình, chụp ảnh cũng như sờ vào hiện vật. Sự xuất hiện hình ảnh nam thanh niên chiễm chệ ngồi trên ngai vàng trưng bày khiến cộng đồng mạng khá bất bình.
Chiều 29/11, PV đã liên hệ với ông Phan Thanh Hải, GĐ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế để tìm hiểu sự việc nói trên. Ông Hải cho biết phía đơn vị này đã nhận được thông tin phản ánh và tiến hành kiểm tra, làm rõ thực hư.
Theo ông Phan Thanh Hải, hình ảnh nam thanh niên ngang nhiên ngồi tạo dáng trên ngai vàng được đăng tải trên mạng xã hội chỉ là hình ảnh ghép, giả mạo. “Chúng tôi đã cho tiến hành phân tích và kiểm tra kỹ, ảnh này chỉ là ảnh ghép, giả mạo đã qua xử lý để làm ảnh mờ đi nhằm che đi những lỗi chỉnh sửa ảnh và khuôn mặt chủ thể của bức ảnh", ông Hải nhận định.
Ông Hải cũng cho biết thêm, bên trong điện Thái Hòa luôn có hai bảo vệ trực 24/24h, một người trực bàn và một người đi theo nhắc nhở khách nên khó có thể xảy ra sự việc này.
Được biết, ngai vàng nói trên có từ khi triều Nguyễn được vua Gia Long lập lên vào năm 1802. Trải qua 143 năm, chiếc ngai vàng là biểu tượng quyền lực của triều đại, được truyền qua 13 đời vua. Đây là một trong 5 bảo vật Quốc gia được công nhận vào tháng 1/2016. Hiện tại, ngai vàng vẫn được gìn giữ cẩn thận trong điện Thái Hòa, thuộc khu vực Đại Nội của Kinh thành Huế.