Sự thật đáng sợ về Facebook (kỳ cuối)

GD&TĐ - Năm 2018, Facebook đề nghị một số ngân hàng chia sẻ thông tin tài chính của khách hàng, đặc biệt là số dư của người sử dụng và loại mặt hàng mà họ mua bằng thẻ tín dụng. 

Sự thật đáng sợ về Facebook (kỳ cuối)

Muốn thu thập dữ liệu giao dịch ngân hàng của người dùng

Tờ tạp chí Wall Street đã tung ra thông tin này, đồng thời điểm mặt các ngân hàng mà Facebook đã tiếp cận, bao gồm Wells Fargo, JP Morgan Chase, và Citigroup.

Đổi lại các dữ liệu tài chính, các ngân hàng sẽ xuất hiện nổi bật trên ứng dụng Messenger. Đề xuất trao đổi thật hấp dẫn. Các ngân hàng đang phải đối mặt với hàng loạt cạnh tranh từ các công ty chuyên về dịch vụ ví điện tử hay cổng thanh toán trực tuyến trên mạng Internet, hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (PayPal).

Hơn một tỷ người sử dụng Messenger tạo nên một thị trường khổng lồ, đồng thời Messenger cũng là trung tâm tài chính của Facebook. Nếu ứng dụng này khuyến khích người dùng sử dụng các ngân hàng này, thì họ có thể chiếm thế thượng phong trong cạnh tranh.

Facebook đưa ra một thỏa thuận màu mỡ trên bàn đàm phán, nhưng cho đến nay, các ngân hàng đều từ chối vì lo lắng cho khách hàng của họ. Mặc dù, Facebook hứa sẽ không lạm dụng thông tin cá nhân, nhưng với hồ sơ xấu về xâm phạm quyền riêng tư của Facebook khiến nhiều người mất niềm tin.

 

Lợi nhuận từ bạo lực

Năm 2018, một phóng viên điều tra đã thử làm việc trong vai trò một moderator của Facebook ở Anh. Người này nhận việc tại Công ty CPL Resources có trụ sở tại Dublin (Ireland). CPL Resources đã làm việc với Facebook từ năm 2010. Cuộc điều tra sau đó được dựng thành phim tài liệu, phát trên kênh Channel 4 của Anh với tên gọi “Bên trong Facebook: Những bí mật của mạng xã hội”.

Những hành vi được nhắc đến chủ yếu dính líu đến việc “buông tay” với những nội dung bị đánh dấu và bị tố cáo như nội dung bạo lực, kích động thù hằn, phân biệt chủng tộc và nhiều thứ khác. Bộ phim tài liệu trên nói rằng, Facebook buông tay với những nội dung như thế, bao gồm cả những câu chuyện dối trá rành rành mạo danh sự thật, bởi chúng khiến người dùng tương tác lâu hơn và tăng doanh thu quảng cáo.

Trong quá trình làm việc và thu thập chứng cứ tại CPL Resources, phóng viên người Anh này được hướng dẫn là bỏ qua bất kỳ ai trông như dưới 13 tuổi, độ tuổi tối thiểu cần thiết để đăng ký tài khoản Facebook dựa trên một đạo luật được thông qua ở Mỹ năm 1998.

Lời kết tội này là một đòn mạnh vào thông báo gần đây của Facebook rằng họ đang cố gắng cắt giảm các tin giả dối, tuyên truyền, những lời kích động thù hằn và những nội dung có thể ảnh hưởng mạnh đến thế giới thực.

Facebook sau đó khẳng định rằng, người dùng không hề bị dụ dỗ bằng bạo lực để tăng số lượng và doanh thu quảng cáo của công ty, một kỹ thuật viên của CPL Resources tiết lộ rằng, nếu bạn bắt đầu kiểm duyệt quá chặt chẽ, thì mọi người sẽ mất hứng thú với nền tảng này.

Chính vì thế, dường như bạo lực là một phần để nền tảng Facebook thu hút sự quan tâm của người dùng, cũng có nghĩa là thu hút nguồn tiền vào tài khoản của công ty.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ