Sự thật đằng sau vụ việc phụ huynh tố giáo viên đánh, đuổi học sinh ra khỏi lớp

GD&TĐ - Trước sự việc giáo viên dạy môn GDCD của Trường THCS Thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa - Hà Nội) bị phụ huynh “tố” có hành vi đánh, đuổi học sinh gây xôn xao dư luận, Báo GD&TĐ đã có buổi trao đổi trực tiếp với phụ huynh học sinh và giáo viên để tìm hiểu rõ sự việc.

Trường THCS Thị trấn Vân Đình, nơi xảy ra sự việc.
Trường THCS Thị trấn Vân Đình, nơi xảy ra sự việc.

Lời kể của phụ huynh

Để tìm hiểu rõ sự việc cô giáo đuổi học sinh ra khỏi tiết học, Báo GD&TĐ đã có buổi trao đổi trực tiếp với cô giáo T., nữ sinh N.L và phụ huynh Vũ Thị H.

Theo bà Vũ Thị H. (tên thường gọi là Y.), ngày 6/11 bà phát hiện con gái của mình bị đuổi khỏi lớp thông qua một phụ huynh khác. Tuy nhiên, cô giáo đuổi học sinh N.L vào ngày 23/10.

“Tôi nghĩ con mình học năm nào cũng có giấy khen, chưa làm bất cứ điều gì không phải ở trường. Vậy tại sao con tôi bị đuổi học? Đồng thời, khi đề cập đến vấn đề này, cháu đã khóc rất nhiều”, bà Y. cho biết.

Sau khi tìm hiểu sự việc xảy ra với con gái, bà Y. đã đến gặp cô giáo chủ nhiệm để tìm hiểu đầu đuôi sự việc. Kể lại với PV câu chuyện đã gặp giáo viên chủ nhiệm, bà Y cho biết: “Hôm qua, em (cô giáo chủ nhiệm) mới phát hiện sự việc cháu N. L. bị đuổi học. Em đã cùng với cháu lên phòng gặp cô T. xin lỗi để cho em N.L tiếp tục học. Tuy nhiên cô T. đã không đồng ý gặp con gái tôi để con gái tôi xin lỗi”.

“Trước sự việc này, cháu cũng bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn, cháu không ăn mất mấy ngày. Tôi dặn cháu cái gì thì cháu nhớ trước quên sau, dặn xong tất cả mọi việc vẫn y xì, tôi hỏi thì cháu bảo con quên, đêm không ngủ làm cả nhà cũng mất ngủ theo. Bố mẹ hỏi lý do tại sao? Cháu nói không ngủ được, con đang xem bài”, bà Y. nói.

Ngày 8/11 bà Y. đã viết đơn đề nghị nhà trường xử lý vụ việc nhằm tìm ra nguyên nhân, lý do thỏa đáng để con bà ổn định tâm lý, tư tưởng gia đình thoải mái để làm ăn.

Cũng theo lời bà Y., ngoài việc đuổi học con mình, cô T còn tát một học sinh chảy máu miệng, đánh một học sinh gãy răng.

Giáo viên và học sinh phân trần

Theo lời của nữ sinh N.L, ngay sau khi bị  cô giáo T. đuổi ra khỏi lớp vào ngày 23/10, cô giáo chủ nhiệm đã dẫn N.L lên xin lỗi cô T. nhưng cô T. không đồng ý. “Sự việc diễn ra em cũng không nhớ rõ ngày nào nhưng sau khi bị cô T. đuổi khỏi lớp không cho vào học môn Giáo dục công dân thì 1 hay 2 ngày sau đó, em đã được giáo viên chủ nhiệm dẫn xuống gặp cô T. để xin lỗi về những hành động không lễ phép của mình. Tuy nhiên, cô T. đã gạt tay không tiếp em và cô chủ nhiệm”, N.L kể lại.

Về lý do không đồng ý gặp mặt N.L lúc đó, cô T. cho biết: Vì N.L chưa có bản tự kiểm điểm đối với lỗi mà em đã vi phạm. Khi học sinh có lỗi vi phạm, giáo viên yêu cầu em phải làm bản tự kiểm điểm, nhưng em chưa thực hiện. N.L là học sinh có cá tính, giáo viên yêu cầu em làm bản tự kiểm điểm. Sau khi xảy ra sự việc, cô T đã báo với giáo viên chủ nhiệm của em N.L., yêu cầu em làm bản kiểm điểm.

“Mục đích tôi đình chỉ việc học của em L. là muốn em hiểu rằng em đã sai khi cư xử không lễ phép với giáo viên. Chỉ cần em L. nộp bản kiểm điểm, tôi sẽ cho em L. vào lớp học bình thường”, cô T. chia sẻ.

“Tiết học môn Giáo dục công dân của tuần tiếp theo, em L. có vào lớp ngồi học. Lúc đó, tôi có hỏi em về bản kiểm điểm, em L. có trả lời đã nộp cho giáo viên chủ nhiệm rồi, L. ngồi học với cả lớp bình thường”, cô T. nói thêm

Như vậy, qua cuộc trò chuyện trực tiếp giữa bà Y., nữ sinh N.L. và cô T. thì thông tin được xác nhận lại hoàn toàn không giống với những gì giáo viên chủ nhiệm cung cấp cho phụ huynh.

Đề cập đến sự việc cô T. đánh một học sinh tên K. chảy máu miệng. Cô T. khẳng định: “Tôi không hề đánh vào miệng khiến em K., chảy máu. Em K. là học sinh lớp 8C, quá trình học thường xuyên không ghi bài và làm bài tập về nhà.

Hôm đó, tôi đã gọi em K. lên bảng kiểm tra bài cũ, sau khi kiểm tra vở của em, tôi không thấy em ghi bài các buổi học. Lúc đấy, tôi đã dùng vở đập vào người em K. chứ không hề tát vào miệng khiến em bị chảy máu. Nếu lúc đó K. bị chảy máu thì tôi đã phải đưa đi sơ cứu, tuy nhiên lúc đó em K. vẫn ngồi học bình thường đến hết giờ”, cô T. trình bày.

“Còn nếu như nói rằng tôi đeo nhẫn tát vào miệng dẫn đến em K. bị chảy máu miệng là hoàn toàn không đúng sự thật. Từ khi đi dạy đến nay, tôi không hề đeo nhẫn”, cô T. nói thêm.

Theo bà D.T.S là bà nội của cháu K. cho biết: “Hôm đấy, cháu K. đi học về tôi có thấy cháu bị chảy máu ở miệng. Tôi hỏi thì cháu có nói là do chơi với bạn không may bị ngã. Thấy cháu nói thế thì tôi cũng không hỏi thêm gì cả vì cháu đang ở độ tuổi ham vui đùa, bị ngã là chuyện bình thường. Nhưng khi được chị V.T.H., mẹ cháu L. hỏi nguyên nhân vì sao chảy máu miệng thì cháu có trả lời là do cô T. tát làm chảy máu miệng”.

Tuy nhiên, một lần nữa cô T. khẳng định không hề có chuyện cô T. tát học sinh K.

Cũng tại buổi làm việc, PV có đưa ra câu hỏi về trường hợp học sinh N.V.T. bị cô "đánh gãy răng", cô T. cho biết: “Không có chuyện đó, nếu em T. bị tôi đánh gãy răng thì lúc đấy tôi đã phải biết. Tôi là một giáo viên, cũng là một người mẹ, tôi cũng phải suy nghĩ trước hành động của mình”.

Trước sự việc nêu trên, ông Vương Đăng Tuyến – Hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa – Hà Nội), cho hay: “Ngay sau khi xảy ra việc, chúng tôi đã thành lập tổ công tác để xác mình sự việc. Nhà trường cũng yêu cầu cô T. làm tường trình sự việc bị tố cáo trên mạng xã hội. Đồng thời, chúng tôi cũng gặp mặt phụ huynh, học sinh để tìm hiểu sự việc. Hiện hồ sơ đã được chuyển lên cơ quan chức năng, phòng GD&ĐT và công an đã vào cuộc để làm rõ sự việc, khi có kết luận cuối cùng chúng tôi sẽ thông tin”.

Ông Tuyến cũng cho biết thêm, cô T. là giáo viên có năng lực chuyên môn, quá trình giảng dạy rất tốt.

Chúng tôi sẽ tiếp thục thông tin đến bạn đọc sự việc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.