Theo những lời đồn này thì “cụ rùa” ở chùa Phước Hải Tự hơn 100 tuổi, chết cùng thời điểm với rùa ở Hồ Gươm. Không chỉ có vậy tin đồn này còn thêu dệt thành những câu chuyện mê tín dị đoan.
Để làm rõ những thông tin đồn đoán này, ngày 28/1, phóng viên đã có cuộc trao đổi với thầy Thích Minh Thông trụ trì nhà chùa Phước Hải Tự.
Chùa Phước Hải Tự nơi con ba ba khoảng 30 tuổi bị chết khiến nhiều người nhầm tưởng là cụ rùa nên thêu rệt những tin đồn không có thật
Theo thầy Minh Thông thì trong chùa không nuôi con rùa nào hơn trăm tuổi như lời đồn và thầy cũng chưa nghe lời đồn này.
Con vật trong chùa chết cách đây không lâu là con ba ba hay còn gọi là cua Đinh chứ không phải con rùa. Con ba ba này có tuổi thọ khoảng 30 tuổi.
“Đây là con vật do phật tử đến cầu an phóng sinh xuống hồ trong chùa. Sau khi nó lớn, nhà chùa làm một chỗ riêng để nuôi nhốt phía trước chùa và có biển chú thích là nơi nuôi nhốt cua Đinh.
Ngày 15/1/2016 con ba ba này chết, nhà chùa đem chôn trong khuôn viên.
Trước đây, hành khách, phật tử đến thăm quan, cầu an cũng đến xem con ba ba nhưng có thể họ cứ nghĩ đó là con rùa.
Nơi con ba ba được nuôi nhốt khi còn sống
Những ngày gần đây nghe tin con vật chết chắc họ ngỡ là rùa nên mới có những lời đồn như vậy”, thầy Minh Thông cho biết.
Chùa Ngọc Hoàng, tên chữ là Phước Hải Tự được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Đây là một ngôi chùa cổ, làm theo kiểu đền chùa Trung Hoa với mô típ trang trí rực rỡ.
Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật, tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án...
Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.300 m2. Phía trước có ngôi miếu nhỏ đặt tượng Hộ Pháp. Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế "tranh châu".
Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản điện thờ. Kể từ đó điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, thì điện Ngọc Hoàng được đổi tên là "Phước Hải Tự".
Hàng ngày khách trong và ngoài nước đến chiêm bái chùa rất đông. Lễ hội lớn nhất là Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm.
Ngày 15 tháng 10 năm 1994, chùa Ngọc Hoàng được công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.