(GD&TĐ) - Liệu trên Titan - vệ tinh lớn nhất của sao Thổ, có tồn tại sự sống gần giống sự sống trên trái đất về mặt sinh hóa? Xác suất tồn tại sự sống trên Titan là không lớn, nhưng phát hiện gần đây đã làm tăng khả năng đó lên một chút.
Trong quá trình mô phỏng phần dưới khí quyển của Titan, các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ nhận được những phân tử hữu cơ phức tạp. Dẫn xuất của chúng là các “viên gạch” cơ sở cấu tạo nên axit amino và RNA trong các cơ thể sống trên trái đất.
Nhiệt độ trên bề mặt Titan rất thấp - khoảng âm 180 độ C. Nhiệt độ này làm giảm tốc độ tất cả các phản ứng hóa học. Titan là vật thể không lớn so với trái đất, lực hấp dẫn của nó cũng yếu hơn. Vì vậy, chỉ vào mùa hè, những phân tử phức tạp và nặng, hình thành trong quá trình nitrogen và methane bị tia cực tím chiếu vào, mới bay được vào khí quyển rồi rơi xuống mặt đất để phản ứng với những phân tử khác.
Vệ tinh Titan của sao Thổ |
Trước đó, người ta cũng phát hiện ra rằng trong khí quyển của Titan có thể hình thành diacetylene dưới dạng các tinh thể đóng băng. Lần này, các nhà khoa học chiếu bức xạ có bước sóng 355 nanomet (bức xạ gần cực tím, có khả năng xuyên qua lớp vỏ sương mù bao phủ Titan) vào diacetylene. Kết quả là đã xuất hiện một lớp mỏng tholin màu nâu bám trên thành bình thí nghiệm. Đây là thông tin quan trọng: Trong các tầng khí quyển bên dưới của Titan có thể hình thành những hợp chất hydrocarbon phức tạp như tholin. Nhóm các loại phân tử này có thể là tấm khiên rất tốt, bảo vệ cơ thể sống trước bức xạ cực tím. Ngoài ra các hợp chất này còn là nguồn năng lượng đối với các vi khuẩn đơn giản.
Các hợp chất hydrocarbon có thể hình thành trên bề mặt nước đóng băng của Titan. Nhiệt độ trên Titan rất thấp nên nước đóng băng trông giống như các tảng đá sắc nhọn. Tuy vậy vẫn có khả năng là dưới lớp băng là nước ở thể lỏng. Các hydrocarbon có thể lọt xuống lớp nước đó qua những khe nứt trên vỏ Titan.
Tholin kết hợp với nước có thể tạo ra các axit amino cùng gốc nucleotide trong RNA.
Lê Văn Cường
(Theo báo nước ngoài)