Sự gắn kết giữa cha mẹ – con cái tác động lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ
Mối quan hệ tình cảm giữa mẹ và bé chính là động lực cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của trẻ sơ sinh. Do đó, tạo nên sự gắn kết tốt có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hình thành tính cách và khả năng thích ứng xã hội trong tương lai của trẻ nhỏ.
Nếu không có sự gắn kết tốt, hoặc thiếu sự gắn kết, trẻ có thể gặp trở ngại trong quá trình phát triển ngay từ khi còn nhỏ.
Trong thời thơ ấu và niên thiếu, những đứa trẻ này dễ mắc phải các vấn đề về tâm lý, ví dụ như lo lắng, trầm cảm, thiếu tự tin, né tránh giao tiếp xã hội….
Một cuộc khảo sát tâm lý đã chỉ ra, có 78% bệnh nhân tâm thần, 75% bệnh nhân trầm cảm và 84% bệnh nhân rối loạn lo âu đang ở trong tình trạng không thiết lập được “sự gắn kết an toàn” giữa cha con.
Việc thiếu đi một mối gắn kết thông thường, giống như việc chôn một quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào, điều đó sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng cho tương lai của đứa trẻ.
Không chỉ trong giai đoạn sơ sinh, khi trẻ nhỏ bước vào thời kỳ thơ ấu và thời kỳ vị thành niên, cũng vẫn rất cần sự quan tâm của cha mẹ, ngay cả khi chúng đã trưởng thành.
- Tương lai của trẻ chủ yếu là do giáo dục gia đình quyết định
Các nghiên cứu xã hội đã chứng minh, yếu tố quan trọng trong việc quyết định sự phát triển tương lai của trẻ nhỏ nằm ở sự giáo dục gia đình chứ không phải giáo dục tại trường học. Cha mẹ là tấm gương tốt nhất cho trẻ nhỏ, từng lời nói và hành động của cha mẹ đều sẽ ảnh hưởng tới hành vi của trẻ.
Nếu khả năng giao tiếp của cha mẹ kém, đứa trẻ sẽ luôn sợ việc tiếp xúc với xã hội bên ngoài; nếu mối quan hệ giữa cha mẹ không tốt, cuộc hôn nhân trong tương lai của đứa trẻ sẽ không thể tránh khỏi tình trạng tương tự.
Đối với những đứa trẻ thiếu sự quan tâm của cha mẹ, những vấn đề phát sinh trong sự giáo dục của gia đình lại càng nhiều. Không có sự chỉ dẫn và làm mẫu của cha mẹ, những đứa trẻ dễ trở thành chiếc thuyền nhỏ trôi dạt mất phương hướng trên đại dương bao la.
Trong thực tế, có những đứa trẻ bởi không nhận được sự giáo dục đúng đắn của gia đình cũng như xã hội, mà từ một đứa trẻ ngoan đã trở thành một tên vô lại, cuối cùng đã rơi vào con đường tội lỗi, không thể quay đầu.
Đừng trở thành “người lạ” với con trẻ
Giai đoạn trưởng thành, phát triển của trẻ chỉ có thể ghi lại 1 lần, nếu đã bỏ lỡ thì dù hối hận cũng không thể bù đắp lại. Phải biết rằng, sự thờ ơ của bạn có thể trở thành vũ khí “giết” con trẻ. Dù trăm công ngàn việc, áp lực cuộc sống lớn như thế nào cũng không thể xem nhẹ việc quan tâm tới con cái.
Nhà xã hội học người Mỹ Patty Huffler đã chỉ ra, đối với những bậc cha mẹ quá bận rộn, họ có thể sử dụng phương thức “thời gian riêng” để có thể gần gũi hơn với con cái.
“Thời gian riêng” có thể hiểu là, mỗi ngày, cha mẹ dành cho con cái 1 khoảng thời gian riêng, hãy tắt điện thoại, đóng cửa phòng, chuyên tâm ở cạnh các bé. Tất cả các hoạt động trong khoảng thời gian này hãy để những đứa trẻ tùy ý sắp xếp.
Thời gian dài hay ngắn có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, có thể kéo dài 1 ngày, cũng có thể chỉ trong vòng 15 phút. Bởi vì điều quan nhất không phải bạn ở cạnh chúng trong bao lâu, mà là, bạn có toàn tâm toàn ý cho chúng trong khoảng thời gian đó hay không.
Phương pháp này giúp cho cha mẹ và con cái tận hưởng được khoảnh khắc quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, không chịu bất cứ sự chi phối ngoại cảnh nào, điều này sẽ làm tăng tình cảm giữa cha mẹ – con cái.
Cần làm gì khi cha mẹ thường xuyên đi công tác?
Nếu cha mẹ thường xuyên đi công tác, không thể ở cạnh con cái, vậy phải làm thế nào? Thực tế, với trình độ phát triển của công nghệ thông tin như ngày nay, các bậc phụ huynh có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau để thường xuyên liên lạc, bồi đắp tình cảm với con cái.
Điện thoại, video, tin nhắn, bao gồm tất cả các tương tác trên mạng xã hội, đều có thể trở thành phương thức liên kết với thế giới tâm hồn của trẻ nhỏ. Cha mẹ ở xa, càng nên quan tâm nhiều hơn khiến cho con cái cảm thấy như cha mẹ vẫn luôn ở bên cạnh. Như vậy, dù cách xa ngàn dặm, nhưng cha mẹ và con cái vẫn sẽ giữ được mối liên kết chặt chẽ.
Ngoài ra, còn phải chú ý tới những ảnh hưởng bất lợi do sự khác biệt giữa các thế hệ trong cách giáo dục trẻ nhỏ. Nếu như có điều kiện, tốt nhất vẫn nên để con cái ở bên cạnh, thay vì để những người khác trong nhà chăm sóc.
Để con cái nhìn thấy tấm gương của cha mẹ, cảm nhận được sự ấm áp của cha mẹ, đó mới là cách giáo dục tốt nhất. Nếu để con cái cho ông bà hay vú nuôi chăm sóc, chỉ có lợi nhất thời nhưng xét về lâu dài là lợi bất cập hại. Con cái chính là sự tiếp nối cuộc sống của chúng ta, chăm sóc con cái cũng chính là cách chúng ta trân trọng cuộc sống của chính mình.
Những người làm cha mẹ, cho dù có mệt mỏi hay vất vả hơn nữa, cũng phải dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc cho con cái. Đừng biến bản thân thành “người lạ” với các con, đừng để sự hối hận đi theo con cái bạn suốt đời.