Sứ mệnh

GD&TĐ - Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục, nhưng giáo dục không thể đi một mình khi thực hiện được sứ mệnh này; mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình và xã hội.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33-NQ/TW) luôn nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong phát triển con người; cho thấy xây dựng văn hóa và phát triển con người có mối quan hệ biện chứng. Xây dựng văn hóa là để phát triển con người và ngược lại.

Một trong sáu nhiệm vụ Nghị quyết này đưa ra là “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”; trong đó có “xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ”.

Tham luận gửi tới Hội thảo giáo dục 2021, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nêu quan điểm: Xét ở khía cạnh văn hóa, giáo dục chính là phương tiện quan trọng nhất để truyền tải những giá trị văn hóa, giúp những giá trị nhân văn, bản sắc dân tộc, tinh hoa văn hóa thế giới, được lĩnh hội bởi mỗi cá nhân. Vì thế, khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phải tính đến vai trò vô cùng quan trọng của nhà trường. Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trường học phải được đặt lên hàng đầu, trọng tâm.

“Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và giáo dục; đồng thời giao thêm cho giáo dục nhiệm vụ quan trọng là tham gia gìn giữ, kế thừa, chấn hưng và phát triển văn hóa.

Có thể khẳng định, nói đến văn hóa là nói đến con người; nói đến con người phải nói đến giáo dục. Triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang hướng đến một trong những mục tiêu quan trọng là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo; yêu gia đình, Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Góp phần hiện thực hóa điều này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai ở năm thứ 2 được xây dựng bảo đảm phát triển phẩm chất, năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mĩ… Giáo dục đang nỗ lực và đạt được nhiều thành quả trong xây dựng con người chân - thiện - mĩ; mà chân - thiện - mĩ chính là mục tiêu mà nền văn hóa hướng đến.

Tuy nhiên, nhiều thách thức cũng được nhìn nhận, khi tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, mạng Internet đã và đang làm gia tăng các giá trị mới, cả tích cực và tiêu cực. Nhà trường, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển, lại càng không thể là một ốc đảo tách biệt.

Nói như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, “văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội”, “gây dựng, phát triển văn hóa học đường trước hết bắt đầu từ thầy và trò trong nhà trường, nhưng có thành công hay không là chuyện của tất cả”. Bởi vậy, chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục, nhưng giáo dục không thể đi một mình khi thực hiện được sứ mệnh này; mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ