Sứ mệnh của gấu trúc

GD&TĐ - Mỹ - Trung lâm vào căng thẳng cả về ngoại giao lẫn kinh tế trong suốt những năm qua khiến chương trình 'ngoại giao gấu trúc' bị ảnh hưởng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nhưng việc Bắc Kinh đang gửi sang Mỹ những cặp gấu trúc mới cho thấy những tín hiệu tích cực dần xuất hiện.

Sự kiện đặc biệt gây chú ý này bắt đầu hôm 14/10, khi cặp gấu trúc được đặt tên Bao Li (con đực) và Qing Bao (con cái) đều 3 năm tuổi được đưa ra khỏi cơ sở nghiên cứu gấu trúc lớn của Trung Quốc đặt tại thành phố Đô Giang Yển (Tứ Xuyên). Sau đó tới sáng 15/10, chúng đã lên chuyến chuyên cơ đặc biệt mang tên “Panda Express” là một chiếc Boeing 777 để khởi hành đi Washington (Mỹ).

Các chi tiết trong chuyến đi của cặp gấu trúc tới Mỹ lần này cũng thu hút sự quan tâm của người dân Trung Quốc như các chuyến bay đặc biệt trước đây. Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Trung Quốc đã liên tục cung cấp thông tin cập nhật liên quan để đáp ứng sự quan tâm của dư luận, như việc họ chuẩn bị chu đáo bánh ngô, măng, cà rốt nước và các loại thuốc cho cặp gấu trúc trong suốt chuyến bay.

Lần gần đây nhất Trung Quốc gửi gấu trúc tới Mỹ đã cách đây 24 năm. Cặp gấu trúc năm đó được nuôi hơn 20 năm tại vườn thú quốc gia Smithsonian. Cả hai con gấu trúc này đã trở về cố hương vào tháng 11/2023 sau hơn hai thập kỷ thực hiện sứ mệnh ngoại giao của mình, trong sự nuối tiếc của người dân Mỹ.

Ngay sau đó, vườn thú Smithsonian đã chi hơn một triệu USD để cải tạo lại khu vực nuôi gấu trúc để sẵn sàng đón cặp thú mới khi Trung Quốc khởi động lại chương trình ngoại giao gấu trúc. Theo thỏa thuận song phương, cặp gấu trúc Bao Li và Qing Bao sẽ ở vườn thú này trong vòng 10 năm tới, với mức phí mỗi năm trả cho Trung Quốc là khoảng 1 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực bảo tồn gấu trúc của quốc gia tỷ dân.

Đặc biệt, đây không phải là nơi duy nhất ở Mỹ đang tham gia chương trình ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc. Một thành phố khác là San Diego ở bang California cũng mới đón hai chú gấu trúc mang tên Yun Chuan (con đực 5 tuổi) và Xin Bao (con cái 3 tuổi) hồi tháng 6/2024 vừa qua. Như vậy chỉ trong vòng nửa năm qua đã có hai cặp gấu trúc được Bắc Kinh gửi tới Mỹ theo chương trình ngoại giao đặc biệt của mình.

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu triển khai chính sách ngoại giao gấu trúc với các nước từ những năm 1950, nhằm mở rộng ảnh hưởng quốc tế thông qua việc tặng hoặc cho các nước đối tác thuê mượn gấu trúc để bảo tồn.

Với nước Mỹ, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chương trình đặc biệt này từ năm 1972, ngay sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon tới Trung Quốc. Khi đó, Bắc Kinh đã gửi cặp gấu trúc mang tên Ling Ling và Hsing Hsing tới vườn thú quốc gia của Mỹ.

Trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ - Trung đang bị xấu đi nhiều năm qua do các căng thẳng liên quan đến thương mại, công nghệ, địa chính trị…, hình ảnh những con gấu trúc mang sứ mệnh ngoại giao được coi là điểm sáng hiếm hoi trong quan hệ song phương. Trước đó, Trung Quốc từng có động thái đòi lại một số con gấu trúc trong chương trình như một cách thể hiện quan điểm của mình với Mỹ.

Do đó, việc hai cặp gấu trúc liên tục được gửi sang nước Mỹ kể từ tháng 6 đến nay đang được coi như chỉ dấu cho thấy mối quan hệ Mỹ - Trung đã có dấu hiệu tan băng trở lại, dù hoạt động này chưa thực sự tác động đến các lĩnh vực quan hệ quan trọng khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.