Sử dụng văn hoá địa phương để dạy tiếng Việt cho trẻ 

GD&TĐ - Văn hóa không chỉ hình thành những giá trị và niềm tin mà còn bao gồm vai trò giới, cấu trúc gia đình, ngôn ngữ, quy tắc xã giao, cách nuôi dạy trẻ thậm chí cả những kỳ vọng của chúng ta đối với hành vi của trẻ. 

Hiểu và tôn trọng bản sắc văn hóa của trẻ là bước đầu để tháo gỡ rào cản ngôn ngữ ở giáo dục mầm non
Hiểu và tôn trọng bản sắc văn hóa của trẻ là bước đầu để tháo gỡ rào cản ngôn ngữ ở giáo dục mầm non

Trong môi trường giáo dục, giáo viên cần nhìn nhận và hiểu về văn hóa của bản thân để biết nó có ảnh hưởng gián tiếp đến những phương pháp hay những kỳ vọng của mình đối với trẻ. Ngược lại, giáo viên cũng cần hiểu là văn hóa và gia đình trẻ sẽ cũng có ảnh hưởng đến những hành vi và sự phát triển của trẻ. Chỉ khi hiểu được điều đó và vận dụng văn hóa địa phương của trẻ vào lớp học, giáo viên mới có thể đảm bảo rằng tất cả mọi trẻ đều có cơ hội công bằng và phát triển hết tiềm năng của mình.

Tầm quan trọng của văn hóa địa phương trong môi trường học của trẻ mầm non

Trước khi đến trường, mỗi đứa trẻ đều đã hình thành trong mình những bản sắc văn hoá từ việc sinh sống cùng với gia đình và cộng đồng. Khi đến trường, trẻ mang theo những kiến thức, kỹ năng, ngôn ngữ, và những giá trị từ văn hóa đó vào lớp học. Để hình thành những quan niệm về bản thân một cách tích cực, trẻ em phải biết tôn trọng bản thân, gia đình và nền văn hóa của chính mình. Từ đó, những người xung quanh cũng tôn trọng bản sắc văn hóa của trẻ. 

Rất nhiều trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số khi bắt đầu đến trường mới học ngôn ngữ thứ hai là Tiếng Việt. Trẻ không những gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với giáo viên và các bạn trong lớp mà còn gặp thách thức trong việc hiểu những nội dung được giảng dạy trong lớp. Điều này là do những nội dung trong bài học đôi khi chưa thực sự chú trọng và phản ánh khía cạnh văn hóa địa phương và đời sống hàng ngày của trẻ vào trong giờ học. Như vậy, trẻ vừa gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ và về nội dung bài học. 

Nhằm đề cao những gì mỗi trẻ có thể đóng góp cho lớp học, giáo viên cần tìm hiểu về những giá trị văn hóa của mỗi gia đình, cộng đồng của trẻ. Giáo viên cần giúp trẻ nhìn thấy chính mình trong phương pháp sư phạm, trong chương trình giảng dạy, trong môi trường học tập cũng như trong các đồ dùng, tài liệu dạy và học của thầy cô để trẻ cảm thấy được chào đón và quý trọng.

Gợi ý để giáo viên đưa văn hóa địa phương vào trong lớp học

Những năm qua, giáo viên mầm non đã được nâng cao năng lực về phương pháp điều chỉnh bài giảng theo hướng phù hợp với bối cảnh địa phương thể hiện qua việc cải thiện đồ dùng dạy và học tập theo hướng tăng cường sử dụng các đồ dụng, vật liệu từ văn hóa địa phương như: trang phục, kiến trúc nhà cửa, các nhạc cụ dân tộc…Tuy nhiên, giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc làm thế nào để sử dụng các yếu tố văn hóa này trong việc thiết kế các giờ học thú vị, phong phú cho trẻ. 

Một hoạt động ngoài trời vận dụng văn hoá địa phương tại một trường mầm non ở tỉnh Kon Tum
Một hoạt động ngoài trời vận dụng văn hoá địa phương tại một trường mầm non ở tỉnh Kon Tum

Dưới đây là một số cách mà nhà trường và giáo viên mầm non có thể bắt đầu với một số phương pháp như sau: 

- Thành lập các nhóm làm việc giữa phụ huynh và giáo viên nhằm cùng nhau thu thập một số những tư liệu văn hóa địa phương để lưu giữ và sử dụng trong các giờ học. Các tư liệu này có thể là các trò chơi dân gian, câu chuyện cổ tích, đồ dùng hay tác phẩm nghệ thuật mang bản sắc văn hóa dân tộc của trẻ. Hoạt động của các nhóm phụ huynh – giáo viên này không chỉ dừng lại ở các buổi họp phụ huynh, mà còn là nơi phụ huynh và giáo viên có sự trao đổi bình đẳng về những kiến thức văn hóa địa phương phù hợp với độ tuổi và hiểu biết của trẻ. 

Cô giáo và phụ huynh ở tỉnh Kon Tum đã cùng tổ chức một chuyến tham quan và tìm hiểu nghề đan lát tại địa phương, thu thập hình ảnh để sử dụng cho các hoạt động giảng dạy
Cô giáo và phụ huynh ở tỉnh Kon Tum đã cùng tổ chức một chuyến tham quan và tìm hiểu nghề đan lát tại địa phương, thu thập hình ảnh để sử dụng cho các hoạt động giảng dạy

- Thảo luận cùng trẻ về các vấn đề và các hoạt động xung quanh cuộc sống hàng ngày của trẻ, như: ẩm thực, các công cụ lao động, tầm quan trọng của các trang phục và nhạc cụ truyền thống trong những dịp nhất định, cách trẻ xưng hô với người lớn tuổi, cách trẻ gọt trái cây... Thông qua các hoạt động này, trẻ sẽ có thể phát triển được vốn từ vựng Tiếng Việt một cách tự nhiên. 

- Giáo viên có thể tự suy ngẫm về việc các tác phẩm nghệ thuật, đồ dùng dạy học trong lớp có phản ánh đúng cuộc sống và văn hóa của trẻ không hay lớp học chỉ được trang trí bởi những hình ảnh rập khuôn, những đồ chơi mua sẵn được mua từ cửa hàng? Trẻ có thực sự được chơi hay khám phá những đồ dùng dạy và học được giáo viên và phụ huynh chuẩn bị trong lớp học không hay những đồ dùng đó chỉ phục vụ trang trí lớp học? 

- Nhà trường có thể tổ chức và duy trì các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ nhằm tạo ra không gian cởi mở cho giáo viên học tập lẫn nhau, chia sẻ kiến thức và thực hành về việc mang văn hóa địa phương vào trong môi trường lớp học, điều chỉnh nội dung một chủ đề hoặc một bài học cụ thể theo hướng phù hợp với văn hóa địa phương. 

Cô giáo T.T.N - trường mầm non Sơn Thành, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ sau khi tham gia tập huấn cùng Tổ chức VVOB: “Lớp tôi là lớp ghép 3 độ tuổi, trong đó có hơn 10 cháu là 3,4 tuổi mới ra lớp nên nhiều cháu rất nhút nhát, rụt rè và ngại giao tiếp, để cho trẻ có cảm giác thân thuộc về môi trường xung quanh tại trường lớp , tôi trang trí và sử dụng những đồ dùng gần gũi với trẻ ở nhà như: gùi, cuốc, xẻng, liềm…và một số loại nông sản như: lúa, ngô, sắn, mía... Khi nhìn thấy những hình ảnh, đồ vật quen thuộc, trẻ cũng sẽ không cảm thấy bị lạ lẫm mà còn bị thu hút vào các hoạt động. Và thông qua các hoạt động với những đồ vật quen thuộc đó, trẻ sẽ dần dần học được tiếng Việt dựa trên vốn kiến thức mà trẻ đã có sẵn về các đồ vật đó, bằng tiếng mẹ đẻ của trẻ.” 

Trong bài viết tới, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về cách tạo môi trường tương tác giàu ngôn ngữ cho trẻ, mà ở đó việc vận dụng văn hoá địa phương cũng là một đóng góp quan trọng trong việc giúp trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn. 

VVOB là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1982, tập trung vào lĩnh vực Giáo dục và bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992. Mục tiêu chính của VVOB là cải thiện chất lượng, hiệu suất và hiệu quả của giáo dục một cách bền vững tại các nước đang phát triển. Trong thời gian gần đây, VVOB triển khai 3 dự án và chương trình trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam: 

- Dự án giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE) được triển khai bởi VVOB và CGFED tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi (Chương trình vừa kết thúc vào ngày 31/5/2021).

- Chương trình “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống (BAMI)” tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. 

- Chương trình Lồng ghép các hoạt động học thông qua chơi cho học sinh Việt Nam (iPLAY) tại các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hồ Chí Minh, Lai Châu, Hà Giang và Thanh Hóa. 

Xem lại bài viết liên quan tại đây: Giai đoạn im lặng có ý nghĩa như thế nào trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ mầm non

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.