Thách thức từ thực tế
Bà Thái Thị Mỹ Bình - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Một trong những đặc điểm của học sinh dân tộc thiểu số nói chung và học sinh dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng là vốn tiếng Việt và môi trường giao tiếp hạn hẹp. Mặt khác, khi ở gia đình đa số phụ huynh thường giao tiếp với con em bằng tiếng mẹ đẻ… Vì vậy, kĩ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh còn chậm.
Hạn chế về tiếng Việt đã và đang trở thành rào cản khiến một bộ phận không nhỏ học sinh nhút nhát, ngại giao tiếp. Điều đó cũng khiến các em không thích học môn Tiếng Việt.
Học sinh chưa “mặn mà” nói và học tiếng Việt không chỉ từ lý do khách quan phía gia đình, xã hội và bản thân học sinh mà còn liên quan đến giáo viên trong quá trình giảng dạy. Tại Đắk Lắk, dù đã có nhiều giáo viên chủ động nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt song còn nhiều giờ học tiếng Việt giáo viên chưa gây được hứng thú học tập cho học sinh. Cùng đó, nhiều trường tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao (có trường tỉ lệ chiếm 100% học sinh dân tộc thiểu số) cũng khiến việc giảng dạy của giáo viên gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Những nguyên nhân trên dẫn đến chất lượng môn Tiếng Việt cũng như chất lượng các môn học của học sinh dân tộc thiểu số còn thấp so với mặt bằng chung. Trong khi đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thì tăng cường tiếng Việt là một trong những giải pháp tất yếu mà ngành Giáo dục Đắk Lắk phải làm thật tốt, có hiệu quả thực tế…
Nâng chất dạy học Tiếng Việt
Ý thức được sự quan trọng trong việc dạy học tiếng Việt góp phần không nhỏ vào quá trình nâng cao chất lượng giáo dục nói chung nên thời gian qua ngành GD-ĐT Đắk Lắk đã có những chỉ đạo và giải pháp kịp thời, phù hợp.
Theo bà Nay H Ban – Trưởng ban Nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc, quán triệt thực hiện kế hoạch 2805/QĐ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, hướng đến 2025, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 920/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời cũng tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án đến UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành trên địa bàn.
Chất lượng giáo dục môn Tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ngày một tăng lên. Tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình môn Tiếng Việt đạt 96,5%; Học sinh tiểu học toàn tỉnh hoàn thành chương trình môn Tiếng Việt là 98,5%; tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số đọc thông viết thạo tiếng Việt và hoàn thành chương trình tiểu học đạt từ 93 - 96%.
Tích cực thực hiện các chủ trương của Bộ GD&ĐT về các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số bằng những biện pháp: Huy động tối đa đưa trẻ 5 tuổi ra lớp; Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số; Dạy tiếng Việt 1 công nghệ; Dạy tăng thời lượng môn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (tăng thời lượng tiếng Việt cho học sinh lớp 1 từ 350 tiết lên 500 tiết); mở lớp tăng cường tiếng Việt hè cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 1, 2; mở các lớp bồi dưỡng giáo viên trợ giảng người dân tộc; tăng số tiết dạy môn Ngữ văn ở cấp THCS vào các buổi chiều, chú trọng chất lượng và hiệu quả các tiết học Ngữ văn, chú trọng uốn nắn những sai sót trong việc dùng ngôn ngữ tiếng Việt ở học sinh…
Đặc biệt, xuất phát từ hạn chế cơ bản mà học sinh dân tộc thiểu số Tây Nguyên gặp phải, cùng việc tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy học môn Tiếng Việt, với quan điểm chú trọng phát triển kỹ năng cho học sinh, Sở GD&ĐT Đắk Lắk quan tâm tới hoạt động giao lưu tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số, chỉ đạo triển khai thường xuyên bằng nhiều hình thức, nội dung khác nhau đảm bảo sự linh hoạt, đa dạng về hình thức nhưng nhất quán về chất lượng nội dung trong toàn tỉnh. Hoạt động này góp phần tạo sân chơi bổ ích cho học sinh dân tộc thiểu số, giúp rèn luyện các kĩ năng nghe nói đọc viết; rèn luyện kĩ năng giao tiếp cho học sinh dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt…
Hoạt động giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh dân tộc thiểu số được tổ chức định kỳ hàng năm ở cấp trường; 2 năm/lần ở cấp huyện và cấp tỉnh. Ở mỗi cơ sở giáo dục, việc tổ chức giao lưu tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số được tổ chức linh hoạt, phù hợp với học sinh, điều kiện của trường. Ngoài ra cũng tranh thủ sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh, các đoàn thể, các tổ chức trên địa bàn để hoạt động giao lưu có ý nghĩa thiết thực hiệu quả.
Có thể nói, đến nay việc tổ chức các hoạt động giao lưu ngoài việc tạo cho học sinh dân tộc thiểu số có sân chơi thiết thực trong hoạt động giao tiếp bằng tiếng Việt, đã giúp học sinh tự tin vượt qua rào cản tâm lý và thể hiện khả năng sử dụng tiếng Việt của mình. Đặc biệt, đây cũng là dịp để các đơn vị chức năng, nhà trường rút ra bài học thực tiễn trong việc tổ chức dạy học tiếng Việt trong tình hình hiện nay; Giúp các cấp quản lý, đội ngũ giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy – học tiếng Việt ở trường tiểu học trên địa bàn tỉnh một cách phù hợp nhất.