Dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số hiệu quả nhờ truyền thông tốt

GD&TĐ - Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số được Chính phủ phê duyệt ban hành ngày 2/6/2016.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

5 năm qua, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện Đề án có hiệu quả, cơ bản các mục tiêu, nội dung đề ra. 

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Các địa phương đã rà soát, xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học. Các sở GD&ĐT bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán, nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ tham gia tập huấn do Bộ tổ chức; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu để tổ chức triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn…

Nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái thông tin: Công tác truyền thông tốt là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công đề án. Nhờ tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân nên Yên Bái đã xã hội hóa việc xây dựng cở vật chất, bổ sung học liệu, hỗ trợ tăng cường tiếng Việt một cách hiệu quả. Cùng với đó là công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ được quan tâm và chất lượng được cải thiện… 

Tương tự, huyện vùng cao Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh, bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Đẩy mạnh truyền thông giúp người dân, giáo viên hiểu về ý nghĩa quan trọng việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc.

Một số cơ sở GDMN đã phối hợp với đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ xây dựng các câu lạc bộ đọc sách tại thôn bản, hướng dẫn cha mẹ tạo dựng môi trường tiếng Việt tại nhà và tăng cường giao tiếp với trẻ. Tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi giao lưu với học sinh tiểu học, tham gia ngày hội nói tiếng Việt.

Đặc biệt, một số thầy cô có sáng kiến phối hợp với hội phụ huynh sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian của người dân tộc thiểu số để dùng trong nhà trường, qua đó tăng hiệu quả dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc.

Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số là cách để nâng cao chất lượng giáo dục khu vực miền núi, vùng dân tộc hiệu quả và thiết thực nhất. Đa dạng cách làm, trong đó truyền thông đến với người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả truyền thông, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình... thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Hỗ trợ các bậc cha mẹ tăng cường tiếng Việt cho trẻ; tạo môi trường giao tiếp tích cực tại gia đình và cộng đồng.

Tổ chức tập huấn, hỗ trợ cha mẹ trẻ cùng chơi với con tại nhà; chuẩn bị môi trường hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại nhà theo bộ tiêu chí Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.