Để giúp học sinh hứng thú, phát huy tính tích cực và sáng tạo của mình với môn tin học lớp 12, giáo viên có thể sử dụng phương pháp thảo luận nhóm.
Các bước tiến hành thảo luận nhóm
Khi tổ chức thảo luận nhóm, giáo viên có thể thực hiện qua 5 bước như sau:
Xác định rõ mục tiêu của cuộc thảo luận; xây dựng nội dung thảo luận; xây dựng cấu trúc tiến trình thảo luận từng vấn đề; dự kiến hệ thống câu hỏi nêu vấn đề và câu hỏi gợi mở sẽ được sử dụng trong quá trình thảo luận; kế hoạch thảo luận cần thông báo cho học sinh biết trước.
Một số yêu cầu khi tiến hành thảo luận nhóm
Khi thảo luận nhóm, giáo viên lưu ý: Chia nội dung bài dạy thành những vấn đề nhỏ có liên kết với nhau; chia lớp học thành nhiều nhóm nhỏ.
Cử ra một nhóm trưởng và một thư ký trong mỗi nhóm. Giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, các nhóm. Trong mỗi chủ đề thảo luận, nên thực hiện theo quy trình chung của thảo luận.
Các sản phẩm được giới thiệu và trình bày trước nhóm, lớp. Đảm bảo yếu tố cạnh tranh và thi đua trong các nhóm. Đảm bảo yếu tố thông tin phản hồi từ các nhóm. Giáo viên đóng vai trò trọng tài, cố vấn, kiểm tra, kết luận.
Giáo viên cũng cần chú ý các nguyên tắc trong việc xây dựng quy trình thảo luận nhóm như: Nguyên tắc đảm bảo mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh; đảm bảo hài hòa giữa các hình thức dạy và học; đảm bảo tính hệ thống; đảm bảo tính thực tế; đảm bảo tính toàn diện.
Quy trình thực hiện phương pháp thảo luận nhóm
Quy trình này là một hệ thống bao gồm 3 giai đoạn và 10 bước, được thể hiện ở sơ đồ dưới đây:
Điều kiện cần thiết cho hoạt động nhóm
Phương pháp thảo luận nhóm thành công hay không còn tùy thuộc vào sự chuẩn bị của giáo viên và học sinh. Nếu giáo viên chuẩn bị tốt, dự kiến được tình huống xảy ra và có những biện pháp xử lí kịp thời cũng như có sự hợp tác từ học sinh thì phương pháp thảo luận nhóm sẽ mang lại kết quả cao.
Vì vậy, trước khi lên lớp, giáo viên cần chuẩn bị tốt các nội dung sau: Mục tiêu của hoạt động nhóm bài học này là gì? Những vấn đề thảo luận trong nhóm là những vấn đề gì? Nên chia lớp ra làm mấy nhóm?
Hoạt động này có phù hợp với số lượng học sinh trong nhóm không? Hoạt động này cần bao nhiêu thời gian? Tất cả học sinh tham gia có thu được lợi ích từ hoạt động này không?
Thiết bị dạy học cần dùng là những thiết bị gì? Dự kiến tình huống xảy ra và cách giải quyết. Học sinh phải chuẩn bị những gì? Soạn giáo án cho phù hợp với việc thảo luận nhóm. Chuẩn bị những phương án dự bị…
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần nhắc nhở học sinh chuẩn bị trước các nội dung sau: Thuộc bài cũ và chuẩn trước bị bài mới. Làm những bài tập của giờ lần trước (nếu có). Chuẩn bị những thứ cần thiết mà giáo viên đã dặn dò…
Cách chia nhóm
Việc phân chia nhóm thường dựa trên số lượng học sinh của lớp học, đặc điểm học sinh và chủ đề bài học. Cách chia nhóm có thể theo một tiêu chuẩn nào đó của bài học hay của giáo viên và cũng có thể hoàn toàn ngẫu nhiên hoặc có thể theo số điểm danh, theo giới tính, theo vị trí ngồi…
Giáo viên giao câu hỏi cho từng nhóm (có thể chiếu lên máy chiếu, viết lên bảng phụ, viết vào giấy giao cho từng nhóm…) hướng dẫn học sinh cách thực hiện, phân bố thời gian hợp lí, giải đáp thắc mắc của học sinh trước khi chính thức đi vào hoạt động, đồng thời ghi lại chủ đề và chỉ dẫn lên bảng, máy chiếu hay thiết bị khác…
Trong một tiết dạy giáo viên có thể linh hoạt áp dụng một trong số các cách chia nhóm sau đây tùy theo bài học:
Chia nhóm nhỏ cùng thảo luận: Với cách này có thể chia theo chỗ ngồi 2 bàn quay lại thành một nhóm nhỏ (khoảng 6-8 học sinh) để thảo luận về một khía cạnh xoay quanh một vấn đề nào đó.
Sau thời gian thảo luận mỗi nhóm nhỏ cử một thành viên trình bày ý kiến của cả nhóm cho cả lớp nghe (giáo viên yêu cầu các nhóm trình bày ý kiến của nhóm sau không được lặp lại ý của nhóm trước đã trình bày).
Chia nhóm theo tổ: Nhóm này được xây dựng dựa trên các tổ đã được chia sẵn trên lớp để thảo luận các vấn đề giáo viên giao cho các nhóm (tùy theo đặc điểm của lớp mà có các nhóm tương ứng, thông thường trong lớp học có 4 tổ giáo viên sẽ chia làm 4 nhóm để thảo luận).
Sau khi các nhóm thảo luận sẽ cử đại diện trình ý kiến của nhóm cho cả lớp, sau đó các nhóm khác nhận xét bổ sung ý kiến và cuối cùng giáo viên nhận xét kết luận ý kiến của từng nhóm.
Chia nhóm theo sở thích: Cách này thực hiện dựa trên việc các học sinh tự do lựa chọn để tạo thành một nhóm và giáo viên sẽ giao nhiệm vụ cho các nhóm thực hiện trong một thời gian nhất định (có thể quan sát, tìm hiểu một vấn đề nào đó), kết quả sẽ được đại diện của mỗi nhóm trình bày trong giờ học sau.
Chia nhóm đánh giá: Một nhóm chịu trách nhiệm thảo luận một chủ đề nào đó và một nhóm khác có trách nhiệm phê bình, nhận xét và đánh giá ý kiến trình bày của nhóm kia.
Giảng – Viết - Thảo luận: Giáo viên cho học sinh trả lời câu hỏi bằng cách đưa ra các phương án lựa chọn và yêu cầu học sinh giải thích tại sao phải chọn phương án đó (cách này thực hiện sau mỗi bài học), sau khi mỗi cá nhân xử lí các câu hỏi thì so sánh với các học sinh khác. Sau đó, giáo viên tổ chức thảo luận để kiểm tra các câu trả lời hợp lí.
Nội dung và thời gian thảo luận
Nội dung thảo luận của các nhóm có thể giống hoặc khác nhau. Thời gian thảo luận có thể căn cứ vào nội dung bài học cũng như đặc điểm của lớp học.
Vai trò của giáo viên
Thứ nhất: Khi học sinh tiến hành thảo luận, giáo viên chuyển từ vị trí người hướng dẫn sang vị trí người giám sát. Nhiệm vụ của giáo viên lúc này là nhận biết tiến trình hoạt động của các nhóm từ đó có thể có những can thiệp kịp thời để mang lại hiệu quả cao.
Muốn vậy, khi giám sát hoạt động nhóm giáo viên cần: Chú ý đến hoạt động mà giáo viên yêu cầu lớp thực hiện, không được tranh thủ làm việc riêng khi học sinh đang thảo luận. Giáo viên cần phải di chuyển, quan sát và giám sát mọi hoạt động của lớp.
Chú ý lắng nghe quá trình trao đổi của học sinh trong nhóm. Từ đó, giáo viên có thể có những phát hiện thú vị và khả năng đặc biệt của từng học sinh, hướng thảo luận của từng nhóm để điều chỉnh kịp thời.
Quan sát để xem có học sinh nào “đứng bên lề” hoạt động không? Nếu có, giáo viên tìm cách đưa các em vào không khí chung của nhóm.
Thứ hai: Trong tiết học, giáo viên phải chú ý nhận biết bầu không khí xem các nhóm hoạt động “thật” hay “giả”.
Thứ ba: Giáo viên cần có sự điều chỉnh kịp thời để khi vấn đề giáo viên đặt ra lại là nguyên nhân gây nên sự thay đổi không khí hoạt động của nhóm.
Nếu vấn đề quá khó, học sinh không đủ khả năng giải quyết, hoặc ngược lại, nếu vấn đề quá dễ sẽ khiến học sinh không có gì phải làm. Cả hai trường hợp này đều có thể làm giảm đi độ “nóng” của bầu không khí trong lớp.
Thứ tư: Giáo viên cần khen ngợi, khuyến khích và gợi ý cho học sinh trong quá trình thảo luận nếu thật sự cần thiết.
Thứ năm: Giáo viên định rõ lượng thời gian hoạt động nhóm cụ thể, và nhắc thời gian để các nhóm hoàn thành phần hoạt động của mình đúng thời gian quy định.
Thứ sáu: Giáo viên cần đi vòng quanh các nhóm và lắng nghe ý kiến học sinh trong suốt buổi thảo luận nhóm nhỏ. Thỉnh thoảng cũng rất hữu ích nếu giáo viên xen lời bình luận vào giữa cuộc thảo luận của một nhóm.
Đối với những vấn đề nhạy cảm thường có những tình huống mà học sinh sẽ cảm thấy bối rối, ngại ngùng khi phải nói trước mặt giáo viên, trong trường hợp này giáo viên có thể quyết định tránh không xen vào hoạt động của nhóm khi thảo luận.
Vai trò của nhóm trưởng
Thứ nhất: Phải có khả năng tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, bố trí chỗ ngồi cho phù hợp, hướng dẫn các thành viên thảo luận đúng với nội dung đã giao.
Thứ hai: Phải biết linh hoạt và nhạy bén, có khả năng điều động tất cả các thành viên trong nhóm tham gia tích cực vào thảo luận; theo dõi, quan sát từng người để có biện pháp điều chỉnh kịp thời; lắng nghe ý kiến đóng góp thảo luận của các thành viên trong nhóm mình, động viên khuyến khích những bạn ít nói, rụt rè phát huy tính năng động, sáng tạo của các bạn trong nhóm.
Như vậy, vai trò của nhóm trưởng là rất quan trọng vì vậy trong quá giảng dạy giáo viên cần phải quan sát thái độ và cách làm việc của từng học sinh để lựa chọn các nhóm trưởng cho thích hợp. Tuy nhiên, nhóm trưởng không phải là người quyết định hết tất cả cho buổi thảo luận.
Trình bày kết quả thảo luận
Kết quả thảo luận có thể được trình bày dưới nhiều hình thức: bằng lời, đóng vai, viết hoặc vẽ lên giấy khổ to…có thể do một người thay mặt nhóm trình bày, có thể nhiều người trình bày mỗi người một đoạn nối tiếp nhau...Các nhóm trình bày kết quả thảo luận trước lớp. Giáo viên nhận xét, bổ sung và kết luận. Cho học sinh ghi nội dung bài học vào vở.