Sử dụng mạng xã hội trong giáo dục

GD&TĐ - Rất nhiều bậc cha mẹ học sinh phàn nàn bây giờ các em bị cuốn hút quá đà vào các trào lưu trên không gian mạng nên sao nhãng việc học hành. 

HS cùng thầy sử dụng mạng tìm hiểu thông tin liên quan đến bài học
HS cùng thầy sử dụng mạng tìm hiểu thông tin liên quan đến bài học

Không ít học sinh bỏ học, trốn học để đi chơi; không ít học sinh đã bị ảnh hưởng không tốt đến lối sống từ không gian ảo ấy. Vậy làm thế nào để học sinh có thể sống chung được với thời đại của công nghệ mà vẫn đảm bảo được tính tích cực trong học tập?

Nhấn mạnh nhiệm vụ học tập là chính

Trước hết, để giúp học sinh chú tâm vào việc học tập nhất thiết phải có sự giáo dục về mặt nhân cách, để các em hiểu được nhiệm vụ chính của mình là học tập. Đối với các học sinh mà tôi làm chủ nhiệm nói riêng và các học sinh tôi giảng dạy trực tiếp, tôi đã lựa chọn những bài báo nói về những gương sáng trong học tập, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn khắc phục để có thành tích tốt trong học tập… để giới thiệu với các em thông qua thư điện tử cá nhân. Đồng thời đề nghị các em cho biết cảm nghĩ của mình về những bài báo đó. Tất nhiên còn có nhiều cách khác nữa để giáo dục các em. Nhưng nhất thiết phải làm công tác tư tưởng này trước.

Thứ hai, cùng các em xây dựng thời gian biểu ở nhà - đây là hình thức tạo khung “pháp lý” đối với các em. Kết hợp những điều kiện của từng cá nhân mà xây dựng cho mỗi em một khung thời gian hợp lý. Nhiều cha mẹ học sinh không để ý đến vấn đề này, nên việc các em làm gì nhiều khi cũng không biết, không kiểm soát được. Thời gian biểu này có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm, vậy nên dù có những khoảng thời gian trống cũng vẫn hạn chế việc các em tự ý đi chơi. Thời gian biểu sau khi được thống nhất sẽ có sự giám sát chặt chẽ: Giáo viên giám sát tại trường, phụ huynh giám sát tại nhà, việc giám sát kết hợp với nhắc nhở, động viên sẽ tạo cho các em một thói quen sinh hoạt ổn định thường ngày.

Thứ ba, giáo viên gửi tài liệu hướng dẫn ôn tập cho các em theo lịch định sẵn thông qua hệ thống tin nhắn điện tử. Đây là việc đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của giáo viên. Việc soạn được hệ thống câu hỏi lí thuyết, bài tập vận dụng đòi hỏi phải phù hợp với học sinh; biết cách động viên, khuyến khích những em học tốt, giúp đỡ những em nhận thức chậm … Tôi thấy, việc dạy của các thầy cô giáo nhiều khi mang tính một chiều, áp đặt, khiến cho học sinh cảm thấy áp lực trong việc học. Nhiều người nói có nhắc học sinh học bài và chuẩn bị bài cho tiết học sau, nhưng phải có những hướng dẫn cụ thể thì học sinh mới chuẩn bị bài, còn chỉ nhắc thế nhiều em cho qua luôn. Thế là bài cũ chưa thuộc, đã có bài mới đợi phía trước, lâu dần học sinh cảm thấy có quá nhiều kiến thức nên các em không tự tin.

Nội dung chuẩn bị cũng rất phong phú, tùy vào từng lớp mà có những sự chuẩn bị tương ứng. Với bản thân tôi, đối với học sinh lớp 10 thường có sự chuẩn bị nhiều hơn về lý thuyết. Do đặc điểm thi tuyển vào lớp 10 ít em dự thi môn Vật lý (trừ các lớp chuyên) nên kiến thức của các em khá rời rạc. Cộng thêm bệnh thành tích nên dù điểm số trong học bạ có thể rất cao nhưng kiến thức thực thì không đúng với thực tế. Ở lớp 11, sau khi kết thúc lớp 10, ngay trong thời gian được nghỉ hè, cũng có thể cho các em tham khảo dần kiến thức sẽ học. Đặc biệt là lớp 11 lên 12, có rất nhiều các kiến thức lý thuyết ôn tập, chuyên đề bài tập… bám sát nội dung thi Quốc gia nên có nhiều nội dung chuyển tới các em.

Thứ tư, sau khi nhận được bài, học sinh sẽ có thời gian chuẩn bị và gửi lại kết quả các em thu hoạch được. Giáo viên căn cứ vào kết quả đó đánh giá và gửi nhận xét đến học sinh cũng như cha mẹ các em. Có sự đánh giá đúng, sai; có sự động viên, khen ngợi; có sự quan tâm…, các em sẽ cảm thấy gần gũi hơn, có động lực hơn trong học tập. Điều này là một trong những nhân tố để các em phát huy tính tích cực trong học tập.

Một số khó khăn trong quá trình thực hiện

Một là, không phải em nào cũng có điều kiện sở hữu riêng cho mình một máy tính cá nhân, tuy nhiên những em không có điều kiện như vậy có thể cùng với những bạn có điều kiện hơn cùng lấy tài liệu, có thể lấy tài liệu tại các điểm Internet công cộng (hiện nay các điểm bưu điện văn hóa xã cũng đã được trang bị đầy đủ hệ thống máy tính có kết nối mạng) hoặc giáo viên có thể in cho học sinh.

Hai là, công việc chuẩn bị tài liệu cho các em là một công việc đòi hỏi người giáo viên phải có sự nhiệt tình. Đây cũng là vấn đề khá tế nhị, nhiều thầy cô vì lí do nào đó đã không thực hiện được điều này.

Những tác dụng tích cực

Như đã nói ở trên, chúng ta sẽ thấy 4 cái được từ cách làm trên.

Về phía người dạy: Việc cho ôn tập lại những nội dung đã học, chuẩn bị những nội dung của bài học mới giúp các em chủ động hơn trong học tập. Nhiều em đã có những cách sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra từ phía giáo viên, từ những nội dung ôn tập bám sát nội dung thi mà các em sẽ phải vượt qua. Việc soạn được nội dung giúp cho giáo viên nâng cao chất lượng giảng bài, rút ngắn được quá trình trình bày khi các em đã chuẩn bị trước. Đôi khi, các em có những cách lập luận, cách giải hay hơn cả sự chuẩn bị của giáo viên. Quan điểm này phù hợp với tinh thần không ngừng học của mọi người nói chung và giáo viên nói riêng.

Về phía cha mẹ học sinh: Việc nắm được thời gian biểu của con sẽ phần nào giải tỏa được tâm lý lo lắng về sự chuyên cần của con cái. Thông qua kết quả giáo viên chuyển đến, các bậc cha mẹ phụ huynh sẽ có những hành động cụ thể, phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình. Với những sự động viên, khích lệ từ phía gia đình, các em sẽ có cảm giác được quan tâm hơn trong cuộc sống.

Về phía học sinh: Với sự quan tâm của các thầy cô, của gia đình, các em bằng nhận thức của mình hiểu rõ được nhiệm vụ cần phải làm gì. Từ đó, biết sử dụng những mặt tiện lợi của thông tin mạng cho học tập. Việc lưu trữ thông tin trên máy tính giúp các em có thêm tư liệu học tập, hạn chế được sự học thêm. Những gì trước đây các em ngại không nói với thầy cô trước lớp, thì nay các em có thể đưa ra để nhờ thầy cô giải đáp; khoảng cách giữa thầy – trò sẽ được thu hẹp thông qua nội dung trao đổi qua thư điện tử, qua tin nhắn, qua inbox trên mạng xã hội…

Đặc biệt, về phía xã hội, sự liên kết những thành tố: giáo viên - học sinh - cha mẹ học sinh, rộng hơn là nhà trường - gia đình - xã hội sẽ có tác dụng tốt. Việc hạn chế sự sa đà của các em vào những điều không hay của mạng xã hội sẽ giúp tình hình trật tự xã hội tốt hơn, hạn chế cảnh học sinh nói dối bố mẹ, thầy cô để đi chơi; hạn chế việc học thêm, dạy thêm tràn lan… Với cá nhân tôi, có nhiều em mặc dù tôi không trực tiếp dạy ở trường, nhưng các em - thông qua mạng xã hội - đã xin được vào những nhóm phù hợp để học tập. Tôi rất vui khi có thể giúp được những em vì hoàn cảnh mà không có điều kiện học thêm nhưng vẫn có thể nắm được những kiến thức cơ bản, đạt được những kết quả tốt trong những kì thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.