Sử dụng giáo án điện tử trong dạy học: Phải đúng liều lượng

Sử dụng giáo án điện tử trong dạy học: Phải đúng liều lượng

(GD&TĐ) - Việc sử dụng giáo án điện tử trong dạy và học đã và đang được triển khai rộng khắp trong các cơ sở giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, để việc sử dụng giáo án điện tử đạt hiệu quả cao lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó trình độ tin học của giáo viên đóng vai trò quyết định.

Phương pháp dạy học hấp dẫn

Mang câu hỏi các em cảm thấy ra sao khi được học với giáo án điện tử cho học sinh ở nhiều trường và ở các cấp bậc học khác nhau,  đều nhận được chung một nhận xét, đó là rất thích và gây hứng thú học tập. Đồng thời, các em  cũng mong muốn được học nhiều hơn với giáo án điện tử.

Thầy giáo Hoàng Văn Thể - Tổ trưởng chuyên môn Trường Mầm non Tân Đức (Phú Bình, Thái Nguyên) nhận xét: Việc triển khai giáo án điện tử tại trường đã tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh giao tiếp tốt hơn. Giáo án điện tử phản ánh hình ảnh một cách trực quan và điều đó phù hợp, đáp ứng tốt việc truyền tải kiến thức đến lứa tuổi mầm non.

Mặt khác, trong một số bài dạy học theo chương trình chung, nếu không có hình ảnh minh họa thì thông qua giáo án điện tử, người giáo viên có thể bổ sung để bài học thêm phong phú. Và tùy theo từng đối tượng, độ tuổi, nhận thức… giáo viên có thể soạn các bài giảng trên giáo án điện tử một cách sát nhất theo tiếp thu của người học, từ đó quá trình nhận thức nhanh chóng và hiệu quả.    

Cô giáo Nguyễn Lệ Thi – Giáo viên Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội) cũng cho rằng, giáo án điện tử có nhiều ưu điểm nổi bật. Khi cô dạy bài Lịch sử Ngô Quyền chiến thắng trên sông Bạch Đằng, nếu chỉ giảng bằng phương pháp truyền thống là đọc, chép, giảng giải thì bài giảng khá khô, học sinh tiếp thu không mấy hào hứng. Nhưng cũng với bài lịch sử ấy, cô soạn và giảng dạy qua giáo án điện tử với nhiều hình ảnh minh họa hấp dẫn, học sinh nhanh thuộc bài hơn, hứng thú với tiết học hơn. 

Rõ ràng, qua quá trình triển khai giáo án điện tử cho thấy đây là phương pháp dạy học hiệu quả. 

v
Triển khai giáo án điện tử vẫn là thách thức của nhiều trường.   Ảnh: Nguyễn Lâm

Nhọc nhằn triển khai

Qua khảo sát chung việc triển khai giáo án điện tử ở các trường học cho thấy, mặc dù hiệu quả từ việc triển khai giáo án điện tử khá tốt song giáo viên còn gặp nhiều khó khăn trong khâu triển khai. Vì vậy, các bài giảng sử dụng giáo án điện tử chưa xuất hiện thường xuyên trong quá trình dạy học. 

Theo ông Nguyễn Đức Hải – Hiệu trưởng trường THPT Cầu Giấy  (Hà Nội) - một trong những nguyên nhân khiến giáo viên còn ngại dùng giáo án điện tử bởi trình độ công nghệ thông tin còn yếu. Trong khi đó, để xây dựng nên một giáo án điện tử khá mất thời gian, vất vả đòi hỏi giáo viên có khả năng sử dụng công nghệ thông tin thành thạo; giáo viên cũng phải có ý tưởng triển khai…

Thế nhưng, chế độ đãi ngộ, kích thích chung cho giáo viên triển khai soạn và giảng dạy bằng giáo án điện tử không có. Bởi vậy, khi đã quen với việc sử dụng giáo án truyền thống thì giáo viên càng ngại hơn với triển khai giáo án điện tử (đặc biệt đối với những giáo viên có tuổi). 

Ngay tại Trường THPT Cầu Giấy, mặc dù hiệu quả của giáo án điện tử đã được khẳng định, song theo ông Hải, nhà trường không thể bắt ép giáo viên phải triển khai giáo án điện tử thường xuyên. Hàng năm, chỉ vào dịp thao giảng thì nhà trường mới bắt buộc giáo viên sử dụng giáo án điện tử thành thạo 1- 2 lần. 

Việc triển khai giáo án điện tử diễn ra gian nan tại các trường ở thành phố có điều kiện cơ sở vật chất thì đối với các trường ở nông thôn vùng khó,  giáo án điện tử càng có nhiều rào cản hơn. Tại Trường mầm non Tân Đức, Phú Bình (Thái Nguyên), là một trường nông thôn nên các phương tiện hỗ trợ cho giáo án điện tử không được trang bị, hỗ trợ đồng loạt đầy đủ. Mặc dù nếu cố gắng, giáo viên toàn trường cũng có thể triển khai được giáo án điện tử vào dạy và học, song đến nay mới chỉ có 6 -7 lớp (trên tổng số 15 lớp) có máy tính kết nối Internet là triển khai được, còn lại vẫn bị bỏ ngỏ. 

Quả thực, với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của nhiều trường ở nông thôn thì việc triển khai giáo án điện tử là cả một thách thức. 

Mặt khác, để giáo viên sử dụng được thành thạo công nghệ thông tin, áp dụng tốt cho soạn giáo án điện tử cũng đòi hỏi các trường bố trí mời được chuyên gia trong lĩnh vực này về tập huấn, giảng dạy cho giáo viên thường xuyên. 

Cũng chính bởi những nguyên nhân trên mà đến nay hầu hết các trường mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, động viên giáo viên sử dụng giáo án điện tử thay vì bắt buộc.

Cần linh hoạt trong sử dụng

Nhà giáo Ưu tú Cao Đức Hòa – Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông tỉnh Tây Ninh - cho rằng, mặc dù giáo án điện tử nhiều hữu ích song việc sử dụng không nên vì thế mà lạm dụng. Theo ông, một tiết học trên lớp để đạt hiệu quả cần tổng thể nhiều phương pháp để học sinh hiểu chứ không chỉ áp dụng riêng giáo án điện tử là thành công. Hơn nữa, thời lượng cho một tiết học có hạn, vì vậy giáo viên cần cân nhắc, chuẩn bị kĩ càng việc lắp ráp máy móc, thao tác thành thạo bài giảng…, tránh việc lãng phí thời gian. 

Trong trường hợp tiếp thu của học sinh còn yếu, khó khăn khi học với giáo án điện tử  hoặc với những bài giảng mà ưu điểm khi sử dụng giáo án điện tử không vượt trội hơn thì không nhất thiết cứ phải dùng giáo án điện tử. 

Rõ ràng, giáo án điện tử là một trong nhiều phương pháp dạy học tiên tiến nhưng không có nghĩa là hiệu quả trong mọi trường hợp. Vì vậy, sự lạm dụng trong mọi tình huống hoàn toàn có thể trở thành phản tác dụng.

Hà Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động