Sử dụng điều hòa đúng cách

GD&TĐ - Nếu sử dụng điều hòa không đúng cách, bạn có thể sẽ gặp phải tình trạng 'sốc nhiệt' thường xuyên, thậm chí kéo theo những nguy cơ nghiêm trọng hơn.

Vào mùa Hè, mọi người nên đặt nhiệt độ điều hòa ở mức 25 - 28 độ C. Ảnh minh họa: INT
Vào mùa Hè, mọi người nên đặt nhiệt độ điều hòa ở mức 25 - 28 độ C. Ảnh minh họa: INT

Cảnh báo nguy cơ mắc bệnh

Máy điều hòa tạo ra rào cản giữa nhiệt độ ngoài trời và không gian trong nhà, đồng thời, giảm căng thẳng cho cơ thể cũng như ngăn nguy cơ quá nóng. Song, điều quan trọng là cần đảm bảo sử dụng mức nhiệt phù hợp để giúp duy trì môi trường thoải mái mà không tiêu tốn năng lượng không cần thiết.

Việc giữ đủ nước, mặc quần áo phù hợp và tránh tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao là những biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt, ngay cả khi sử dụng điều hòa.

Một nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy, nhiệt độ thay đổi đột ngột từ 5 - 6 độ C (10 độ F) hoặc độ ẩm thay đổi 10% sẽ dẫn đến sự gia tăng số trẻ nhập viện cấp cứu do hen suyễn, hay các triệu chứng dị ứng, như nghẹt mũi, đau đầu và chóng mặt.

Theo Hiệp hội Trường học Y tá quốc gia ở Mỹ, bệnh hen suyễn có thể được kích hoạt bởi sự thay đổi nhiệt độ môi trường xung quanh, chẳng hạn như đi ra ngoài không khí lạnh hoặc đi từ nơi nóng vào không khí mát mẻ.

Trong một nghiên cứu về điều hòa nhiệt độ trên xe buýt ở Hồng Kông (Trung Quốc), Tiến sĩ Alvin Chan Yee-shing - Hội đồng Y khoa và Hiệp hội Y khoa Hồng Kông khuyên rằng, việc chuyển từ môi trường nóng sang lạnh có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến mọi người dễ dàng mắc bệnh hơn.

“Sự thay đổi nhiệt độ lớn có thể khiến mạch máu co thắt đột ngột và ảnh hưởng đến huyết áp. Nó làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến mọi người dễ bị cảm lạnh”, chuyên gia này giải thích.

Chia sẻ về việc sử dụng điều hòa trong mùa Hè, chuyên gia Sudha Desai - bác sĩ Đa khoa và Nội khoa tại Phòng khám Ruby Hall (Ấn Độ) giải thích: “Phòng sử dụng điều hòa sẽ có nhiệt độ thấp hơn không khí bên ngoài từ 15 - 20 độ C.

Khi một người rời khỏi nơi có nhiệt độ môi trường thấp hơn, cơ thể họ không có đủ thời gian để thích nghi với nhiệt độ cao hơn bên ngoài. Mặc dù đổ mồ hôi là cơ chế chính của cơ thể để phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ, nhưng việc tiếp xúc lâu với điều hòa sẽ làm khô da và khiến việc đổ mồ hôi trở nên khó khăn hơn”.

Do cơ chế đổ mồ hôi bị suy yếu, người già, trẻ em, bệnh nhân tiểu đường và những người sử dụng thuốc lợi tiểu đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thay đổi nhiệt độ này.

Do đó, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ một môi trường khép kín, có máy điều hòa ra bên ngoài có thể bị kiệt sức vì nóng, say nắng hoặc tệ hơn là sốt cao. Tình trạng đó có thể gây hại cho nhiều cơ quan của cơ thể.

Sử dụng điều hòa không đúng cách có thể gây sốc nhiệt. Ảnh minh họa: INT

Sử dụng điều hòa không đúng cách có thể gây sốc nhiệt. Ảnh minh họa: INT

Những tiềm ẩn về sức khỏe

Các chuyên gia cho biết, máy điều hòa không khí là cách duy nhất để mọi người có thời gian nghỉ ngơi trước nhiệt độ cao. Từ gia đình đến văn phòng, điều hòa đều được sử dụng rộng rãi trong mùa Hè.

Mặc dù, đây là một trong những cách hiệu quả nhất để tránh nắng nóng, nhưng công cụ này lại có một nhược điểm mà mọi người không chú ý tới. Không ít người đặt câu hỏi về việc trải qua cảm giác kỳ lạ trên da khi ngay lập tức bước ra khỏi phòng có điều hòa. Các bác sĩ lý giải, đó là hiện tượng không tốt cho cơ thể.

Tiến sĩ Vipul Gupta - Trưởng khoa can thiệp thần kinh và đột quỵ, Bệnh viện Artemis (Gurugram, Ấn Độ) giải thích, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột xảy ra khi chúng ta bước ra ngoài với sự thoải mái mát mẻ của điều hòa.

Điều đó có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Cơ thể bị sốc nhiệt khi di chuyển sang nhiệt độ cực cao. Nhiều phản ứng sinh lý có thể được kích hoạt bởi sự thay đổi đột ngột này.

Trước hết, hệ thống tim mạch của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Nhiệt độ khiến các mạch máu bị co thắt trong môi trường mát mẻ giãn nở nhanh chóng, khiến huyết áp giảm mạnh. Điều này có thể gây chóng mặt hoặc ngất xỉu, đặc biệt ở những người mắc bệnh tim tiềm ẩn.

Tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ cao có thể làm trầm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản hoặc hen suyễn. Tình trạng mất nước cũng có thể xảy ra do sức nóng khi cơ thể cố gắng tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi nhiều hơn.

Nhức đầu, kiệt sức và chuột rút ở cơ có thể do thiếu chất lỏng và chất điện giải. Cơ thể không thể kiểm soát nhiệt độ và có thể gây ra say nắng. Di chuyển đột ngột từ không gian mát mẻ trong nhà sang không gian ngoài trời nắng nóng có thể dẫn đến say nắng.

Khi khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể bị suy giảm, dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng mạnh, hậu quả là sốc nhiệt xảy ra. Điều này dễ xảy ra hơn khi cơ thể không chuẩn bị tốt cho nhiệt độ quá cao, khiến cơ thể khó hạ nhiệt.

Nhiều người thường mắc sai lầm khi cài đặt nhiệt độ điều hòa quá thấp (dưới 20 độ C) để hạ nhiệt nhanh. Tuy nhiên, cách làm này không chỉ tiêu tốn điện, mà còn gây sốc nhiệt nếu nhiệt độ bên ngoài và trong phòng chênh lệch quá nhiều. Theo các chuyên gia, nhiệt độ chênh lệch giữa phòng máy lạnh và bên ngoài chỉ nên từ 5 - 8 độ C. Vào mùa Hè, mọi người được khuyến cáo nên đặt nhiệt độ điều hòa ở mức 25 - 28 độ C. Nếu cảm thấy không đủ mát, mọi người có thể sử dụng các thiết bị làm mát khác như quạt điện, máy làm mát không khí…

Theo Times of India; Hindustantimes; Clearairforall

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ