Sử dụng máy lạnh có công suất phù hợp với diện tích phòng
Việc đầu tiên quyết định đến lượng điện tiêu thụ đó chính là chọn công suất điều hòa phù hợp với diện tích phòng. Điều này sẽ tối ưu hóa khả năng làm lạnh và lượng điện năng tiêu thụ.
Nếu công suất điều hòa quá lớn hoặc quá nhỏ so với căn phòng, lượng điện hao tổn chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Không để nhiệt độ quá thấp
Khi sử dụng điều hòa, bạn không nên chọn nhiệt độ quá thấp.
Nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng từ 1,5 đến 3% tùy loại máy và cách sử dụng. Nếu hạ nhiệt độ điều hòa từ 26 xuống 25 độ C, điện năng tiêu thụ cũng tăng lên từ 1,5 đến 2,5%.
Mức nhiệt độ tốt nhất giúp chúng ta tiết kiệm là từ 25-28 độ C.
Chọn chế độ "dry"
Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, cách để tiết kiệm tiền điện chính là chọn chế độ dry (làm khô) thay vì chọn chế độ cool (làm mát).
Khi hoạt động ở chế độ cool (thường dùng kí hiệu có bông tuyết trên điều khiển), điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp làm giảm nhiệt độ, làm mát trong phòng nên điện năng tiệu thụ cần khá nhiều.
Khi ở chế độ dry (có giọt nước), điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn, lượng điện năng tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát.
Điều hòa kết hợp với quạt điện
Bật quạt trong khoảng 15-20 phút đầu khi mới dùng điều hòa là một cách để tiết kiệm điện và làm mát căn phòng nhanh hơn.
Sau khi phòng đã đủ mát, bạn nên tắt quạt đi vì lúc này dùng thêm quạt không làm phòng mát hơn mà còn gây tốn điện.
Không để nhiệt độ quá lạnh vào ban đêm
Vào ban đêm, bạn không cần nhiệt độ phòng phải lạnh như lúc ban này. Do đó, hãy điều chỉnh nhiệt độ vừa phải từ tầm 25-29 độ C khoảng 1-2 tiếng trước khi đi ngủ. Cách này giúp tiết kiệm điện năng và bạn không bị quá lạnh khi ngủ vào ban đêm.