Sử dụng điện thoại trong trường học: Làm sao phát huy hiệu quả?

GD&TĐ - Trong thời đại công nghệ số, vai trò của điện thoại thông minh (smartphone) luôn có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Làm thế nào để kiểm soát theo đúng quy định học đường và phát huy vai trò của smartphone trong nhà trường? Để làm được điều này, rất cần ý thức và sự linh động của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh…

HS Trường THPT Trần Hữu Trang kiểm tra trực tuyến giữa kỳ I bằng smartphone. Ảnh: P. Nga
HS Trường THPT Trần Hữu Trang kiểm tra trực tuyến giữa kỳ I bằng smartphone. Ảnh: P. Nga

Cần ý thức của thầy, trò

Theo Điều lệ Trường phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành, tại điều 4.3 quy định học sinh (HS) không được sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; không hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục...

Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại, đặc biệt là smartphone trong trường phổ thông hiện nay mỗi nơi mỗi khác. Có nơi cấm triệt để HS sử dụng điện thoại trong giờ học; có nơi cho phép giáo viên, HS ứng dụng smartphone để hỗ trợ quá trình giảng dạy, học tập. Một số trường cũng linh động khai thác lợi thế từ thiết bị di động để dạy và giúp HS vừa thoát khỏi cách học lệ thuộc vào tài liệu trên giấy, ghi chép theo kiểu truyền thống, vừa làm chủ công nghệ.

Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục TP HCM tập trung triển khai các hạng mục mô hình giáo dục thông minh, với dự án xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh tại Sở GD&ĐT; Đặc biệt là xây dựng hệ thống Trường học thông minh tại 5 trường gồm: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường THPT Nguyễn Hiền và Trường THPT Nguyễn Du.

Theo đó, việc triển khai mô hình giáo dục điện tử, trường học điện tử theo mô hình giáo dục giáo dục thông minh đảm bảo nguyên tắc ứng dụng CNTT và truyền thông một cách hiệu quả, thiết thực, nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy - học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thiết bị điện tử di động nói chung và smartphone nói riêng cũng có những mặt tiêu cực, đó là công cụ khai thác tri thức chứ không phải tạo ra thông tin mới. Điều đó có thể hạn chế năng lực sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, thiết bị điện tử ảnh hưởng xấu tới thị lực của học sinh… Điều quan trọng là sử dụng đúng mục đích vào quá trình dạy, học và ý thức của người sử dụng để phát huy hiệu quả tích cực của smartphone một cách tối ưu.

Hiện nay, tại TP HCM đã có một số trường học cho phép sử dụng smartphone như một phương tiện dạy học hiệu quả cho HS. Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho phép HS dùng smartphone để thi và thực hiện bài kiểm tra trắc nghiệm. Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) không cấm HS mang điện thoại di động tới trường nhưng có kiểm soát thời gian sử dụng. Trường cho phép các em sử dụng trong các giờ giải lao nhưng tuyệt đối không được dùng trong giờ học… 

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, việc HS dùng smartphone luôn có hai mặt, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Trong thời đại 4.0, nhà trường, giáo viên và học sinh có thể ứng dụng mặt có lợi của các phương tiện di động để dạy, học, bắt kịp sự phát triển công nghệ, kiến thức của nhân loại. Tuy nhiên, việc ứng dụng smartphone vào dạy học đòi hỏi phải có sự đồng lòng, ý thức tốt của nhà trường, giáo viên, HS và phụ huynh.

HS Trường THPT Ngã Năm trong giờ học tiếng Anh với sự hỗ trợ của smartphone. Ảnh: T. Nguyễn
 HS Trường THPT Ngã Năm trong giờ học tiếng Anh với sự hỗ trợ của smartphone. Ảnh: T. Nguyễn

Biến smartphone thành phương tiện học tập

Hiện nay, nhiều trường học còn khắt khe với tình trạng HS đem điện thoại đến lớp học. Nguyên nhân chủ yếu nếu các em sử dụng không đúng mục đích sẽ gây ảnh hưởng đến những tiết học. Tuy nhiên, Trường THPT Ngã Năm (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) lại xây dựng phương pháp mới, đem đến cách nhìn nhận khác khi cho HS được sử dụng điện thoại trong tiết học để phục vụ mục đích học tập.

 Với cách học mới, HS đã có thể chủ động tra từ vựng cực kỳ nhanh chóng, học cách phát âm chuẩn hơn; trong bài học có nhiều cụm từ, cách sử dụng từ loại như thế nào, hoặc ôn lại một số nội dung liên quan rất dễ. Nhìn chung, các em thích học ngoại ngữ hơn, quan tâm nhiều đến kỹ năng bổ sung kiến thức từ tài liệu tham khảo, các kênh luyện thi hiệu quả được thầy cô giới thiệu.  
Cô Võ Thị Ngọc Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Năm chia sẻ

Việc sử dụng smartphone trong tiết học đã hướng đến mục tiêu giáo dục trong thời công nghệ 4.0. Với cách làm đột phá, Trường Ngã Năm đã đa dạng hình thức học tập, nhờ đó mà mỗi giờ học ngoại ngữ luôn thu hút thầy trò tham gia giảng dạy, học tập với không khí thoải mái, năng động.

Trường THPT Ngã Năm cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để tiến hành các thao tác tra từ vựng trực tuyến, luyện phát âm ngay tại lớp học. Cho HS sử dụng smartphone trong giờ học ngoại ngữ cũng là giải pháp mới tại tỉnh Sóc Trăng. Chính giải pháp này đã làm nên điều đặc biệt trên cơ sở khắc phục những khó khăn, hướng đến đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Theo chia sẻ của nhiều thầy cô giáo, thay vì cấm thì để HS làm việc, học tập có trách nhiệm; sao không để các em được học tập bằng những đồ vật của mình và tự mình khám phá kiến thức…

Để smartphone thành phương tiện học tập, nhà trường bước đầu nâng cao ý thức của giáo viên, học sinh, đặc biệt là vai trò định hướng của giáo viên. Đối với đặc thù bộ môn ngoại ngữ cần trau dồi kiến thức thường xuyên, cập nhật từ vựng mới theo bài học, phát âm theo chuẩn… và smartphone có cài đặt sẵn phần mềm tra từ điển, hay được phép truy cập Internet là một trong những giải pháp đáp ứng yêu cầu cơ bản, sẽ giải quyết được phần lớn tốc độ xử lý bài học do đó tiết học sẽ thuận lợi hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.