Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông

Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông

Kỳ 2: Linh hoạt trong lồng ghép

(GD&TĐ) - Trong phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, một trong những hoạt động được đặt ra là tổ chức cho HS tham gia chăm sóc các di sản, chủ yếu là các di tích mang tính lịch sử của địa phương. Bên cạnh đó, các nhà trường đã tích cực lồng ghép các nội dung đưa di sản vào dạy học trong các tiết học của các khối lớp.

->> Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông

HS được trải nghiệm thực tế

Việc khai thác các di sản văn hóa trên địa bàn nhà trường đóng vai trò như là nguồn tri thức, là phương tiện dạy học, giáo dục đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết về di sản văn hóa cho HS. Hiện nay nhiều trường học đã tận dụng những thế mạnh về di sản của địa phương mình để giúp học sinh nâng cao tri thức. 

Cô Quỳnh Anh, giáo viên Trường Mầm non Tràng An (Hà Nội) cho biết: Ngay ở độ tuổi mẫu giáo, các em đã được làm quen với những di tích lịch sử văn hóa. Ngoài việc giới thiệu về các danh lam thắng cảnh và di tích qua các tiết học trên lớp theo các chủ điểm về quê hương đất nước, hàng năm nhà trường đều tổ chức cho các em tham quan các di tích lịch sử, các viện bảo tàng ở Hà Nội. 

Khi đến thăm Viện Bảo Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học, các em rất thích thú được quan sát và khám phá thực tế. Với cách giới thiệu phù hợp với lứa tuổi, các em dễ dàng cảm nhận được những kỷ vật gắn liền với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Từ đó nuôi dưỡng tình cảm kính trọng biết ơn vì sự hy sinh cho đất nước của Người. Hay những khám phá về các phong tục giúp các em có thêm vốn hiểu biết về các dân tộc anh em cùng sống trên đất nước Việt Nam. Đặc biệt những trò chơi dân gian đã mang lại cho các em những cảm xúc nhằm phát triển cả về thể chất và tâm hồn. 

Em Ngọc Hà, HS Trường THCS Việt Nam - Angiêri bày tỏ suy nghĩ của mình: Chúng em rất thích tham gia các hoạt động dã ngoại vì đây cũng là các giờ học rất bổ ích. Khi đến Viện Bảo tàng Lịch sử chúng em được sống lại trong không khí hào hùng những trận chiến của dân tộc thông qua lời giới thiệu và những mô hình sa bàn. Hay khi tham quan các di tích như Đền Gióng, hay Đền Và chúng em được quan sát thực tế. Vì vậy những câu truyện, truyền thuyết xưa trở nên gần gũi với chúng em hơn, mang lại cho chúng em cảm xúc tự hào về đất nước.

x
HS được tìm hiểu về các nhân vật lịch sử của đất nước tại viện bảo tàng

Giáo dục trách nhiệm với đất nước

Cô Cảnh Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Việt Nam - Angiêri cho biết: Theo phân phối chương trình, giáo dục di sản cho HS THCS đã được GV lồng ghép trong các tiết học chủ yếu của bộ môn giáo dục công dân và lịch sử. Trong quá trình dạy, GV có thể dạy trên máy chiếu giới thiệu cho HS quan sát những di sản văn hóa của đất nước đồng thời yêu cầu HS thu thập các hình ảnh và tài liệu về nội dung này, đặc biệt quan tâm tới những di sản, di tích tại địa phương.

Hàng năm nhà trường còn tổ chức cho HS tham quan dã ngoại kết hợp với việc cho các em tìm hiểu về những danh lam hoặc di tích tại Hà Nội và những tỉnh lân cân. Khi đến thăm Đền Hùng, các em được tham dự giờ phút linh thiêng báo công với các Vua Hùng về kết quả thành tích mà thầy và trò đã đạt được trong năm học, được nghe giới thiệu về cội nguồn, truyền thống dân tộc và thăm di tích gắn với huyền thoại từ ngàn xưa. Những giờ học thực tế như thế hết sức bổ ích với các em. Bên cạnh đó, thầy cô giáo còn tổ chức cho các em tham gia những trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, đập niêu đất… tạo sự hứng thú cho HS.

Hoặc đến với di tích như Đền Hùng, Côn Sơn nhiều em được sống trong không gian hùng vĩ của đất trời, vừa nhớ tới những bậc tiền nhân khai sinh ra dân tộc và những vị có công lao lớn trong việc xây dựng và bảo vệ giang sơn. Bởi vậy, các em không chỉ tự hào mình là những chủ nhân tương lai của đất nước mà còn thấy được trách nhiệm phải phấn đấu sao cho xứng đáng với các thế hệ cha ông đi trước.

Những bài học mà các em tự thu nhận được từ những trải nghiệm thực tế chắc chắn sẽ đọng lâu trong trái tim của các em. Sử dụng di sản vào dạy học cũng là một cách tiếp cận mới đối với HS để tự lĩnh hội kiến thức, đồng thời giúp HS phát triển toàn diện. Điều quan trọng là GV cần đề cao vai trò chủ động tích cực của HS để các em có thể tham gia tối đa các hoạt động với di sản.

Minh Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...