Tuy nhiên, nếu phụ huynh chỉ nhắm đến mục tiêu này có thể dẫn đến việc ép học sinh luyện để lấy chứng chỉ quốc tế quá sớm, không phù hợp.
Được xét tuyển thẳng
Chính sách xét tuyển vào lớp 10 THPT và lớp 6 THCS theo kết quả chứng chỉ năng lực tiếng Anh quốc tế của Nghệ An đang được dư luận quan tâm. Theo đó, thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (lớp chuyên Anh 3, Anh 4) yêu cầu phải có chứng chỉ tiếng Anh IELTS học thuật từ 6.0 trở lên, hoặc các chứng chỉ quốc tế khác được quy đổi tương đương chứng chỉ tiếng Anh IELTS, như: TOEIC bốn kỹ năng (đạt từ 685 điểm), TOEFL ITP (đạt từ 530 điểm), TOEFL iBT (đạt từ 62 điểm), TOEFL Junior (đạt từ 860 điểm)…
Các trường THPT khác tùy vào chất lượng học sinh trên địa bàn tuyển sinh quyết định mức điểm chứng chỉ năng lực tiếng Anh với thí sinh đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, tối thiểu thí sinh đăng ký xét tuyển phải có chứng chỉ tiếng Anh IELTS học thuật từ 4.0 trở lên, hoặc các chứng chỉ quốc tế khác được quy đổi tương đương chứng chỉ tiếng Anh IELTS như: TOEIC bốn kỹ năng (đạt từ 450 điểm), TOEFL ITP (đạt từ 450 điểm), TOEFL iBT (đạt từ 31 điểm), TOEFL Junior (đạt từ 745 điểm)….
Với tuyển sinh lớp 6, các phòng GD&ĐT tham mưu UBND cấp huyện ban hành kế hoạch, quy định, hướng dẫn các trường THCS trọng điểm chất lượng cao, trường THCS tuyển sinh trên địa bàn thực hiện xét tuyển học sinh có chứng chỉ năng lực tiếng Anh quốc tế. Sở GD&ĐT đã ban hành bảng tham chiếu quy đổi điểm giữa một số chứng chỉ năng lực tiếng Anh quốc tế để các trường sử dụng trong quá trình xét tuyển.
Chia sẻ về lý do có phương án mới trong tuyển sinh, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết: UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu nhằm tạo bước đột phá về chất lượng dạy - học ngoại ngữ cho các cấp học, trình độ đào tạo; xây dựng môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ trên địa bàn; từng bước nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên theo chuẩn quốc tế với các cấp học phổ thông và ngành đào tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Một trong các giải pháp của Đề án là ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy việc dạy - học ngoại ngữ; trong đó có ban hành quy định về chế độ ưu tiên tuyển sinh đối với người học đạt chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế tương ứng yêu cầu của bậc học; hoặc đạt kết quả cao trong các kỳ thi ngoại ngữ cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế…
Thận trọng luyện thi chứng chỉ quốc tế
Cô Đinh Thị Bích Liên, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp, cán bộ cốt cán môn Tiếng Anh của quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) với kinh nghiệm 29 năm trong nghề, cho biết: Thực chất bài thi IELTS là kiểm tra tư duy lập luận, tư duy phản biện và kiểm tra một khối lượng từ vựng tương đối học thuật, không phải là những từ vựng đơn thuần trong giao tiếp. Ví dụ, trong kỹ năng viết có dạng bài đòi hỏi học sinh phải có tư duy phê phán theo kiểu văn nghị luận về những vấn đề mới, nóng mà xã hội đang quan tâm.
Trong khi đó, lên lớp 8 học sinh mới bắt đầu làm quen với văn nghị luận. Do đó, nhiều học sinh học ở các trung tâm luyện thi IELTS đều theo kiểu văn mẫu, đối phó, thuộc vẹt mà không hiểu bản chất của vấn đề. Hệ quả là học trò mất đi tính sáng tạo, tìm tòi, tự nhận thức về vấn đề xung quanh mình. Chưa kể, các em luôn nghĩ rằng: Mình biết rồi, mình nắm được rồi, dẫn đến không có thói quen cập nhật, trau dồi, bổ sung kiến thức xã hội mà mình cần.
Ở Lômônôxốp, học sinhTHCS chỉ dừng ở mức độ tiền IELTS để chuẩn bị cho kiến thức nền sau này lên THPT, giúp các em đủ nhận thức luyện IELTS một cách chính thống, vì chứng chỉ IELTS chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm. Để xét điểm đại học, các em nên thi vào cuối lớp 11 là hợp lý nhất. Lứa tuổi THCS chỉ nên tham gia vào các khóa bổ sung thêm về kỹ năng, như tranh biện, tiếng Anh giao tiếp, KET, PET… Ngoài ra, các em cần học thật chắc ngữ pháp ở THCS.
“Xin nêu lại quan điểm: Bố mẹ không nên cho con học và luyện thi IELTS quá sớm. IELTS là một kỳ thi có liên quan rất nhiều đến kiến thức xã hội, nên hãy trang bị mọi điều kiện cần và đủ trước khi cho con tham gia kỳ thi này. Chưa kể, mỗi khóa luyện thi IELTS lại khá đắt đỏ” - cô Đinh Thị Bích Liên đưa lời khuyên.
ThS Nguyễn Thị Huyền Châu, giảng viên tiếng Anh, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, cũng cảnh báo, việc cho trẻ học IELTS sớm là không cần thiết. Lý do, bài thi IELTS mang tính học thuật cao, đòi hỏi trẻ có một kiến thức nền và hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống (kinh tế, khoa học, xã hội...) - vượt xa so với khả năng của trẻ. Thứ nữa, do trẻ chưa có nhiều kiến thức nền, việc luyện thi nhằm đạt được mục đích của cha mẹ là con được tuyển thẳng vào các trường vô tình gây áp lực lên trẻ; chưa kể không phải trẻ nào cũng có khả năng học ngôn ngữ và điều kiện để tham gia các lớp luyện thi.