Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm - Trường ĐHBK Hà Nội), formaldehyde là chất kịch độc, gây ra tình trạng quái thai, nhưng vẫn bị gian thương vẫn sử dụng để bảo quản thực phẩm.
Một loại chất cực độc khác là clorin, gây kích thích mạnh hệ hô hấp, có thể phá hủy phổi, thậm chí, gây tử vong, cũng bị những người vô lương tâm dùng bảo quản thịt. Hai chất NaNO3 và NaNO có thể gây ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, hay gây ra các bệnh Alzheimer, Parkinson, cũng vẫn bị dùng bảo quản thực phẩm.
Đại tá Phan Mạnh Thông, C49 –Bộ Công an cho biết, các mẫu phân hữu cơ và vô cơ đều không đảm bảo.
Bởi thế, chưa bao giờ người dân lo lắng, bức xúc về vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) như bây giờ. Có một bữa ăn an toàn giờ đây trở thành mong mỏi của mọi gia đình, trong bối cảnh nhiều người chạy sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Thực tế này được Cục Quản lý thị trường (QLTT)- Bộ Công thương, chứng minh bằng những vụ việc cụ thể: Mới đây, Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện 6 tấn ngó sen, me chua quá hạn sử dụng, 4 tấn ruốc gà không rõ nguồn gốc, gần 5 tấn thực phẩm đông lạnh đã bốc mùi hôi thối, trên 10 tấn dược liệu do nước ngoài sản xuất không có nhãn hàng hóa, 5 tấn mỡ bẩn, 550 kg, phụ gia, gia vị không rõ nguồn gốc…
Kiểm tra khu vực bán phụ gia thực phẩm.
Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cũng phát hiện 2 tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối, 3 tấn thịt trâu tẩm hóa chất để giả thịt bò; Chi cục QLTT Thanh Hóa phát hiện 1,3 tấn mứt dừa hết hạn sử dụng; Chi cục QLTT Hưng Yên phát hiện 4,2 tấn thịt lợn ốm, lợn chết không có giấy tờ kiểm dịch VSATTP; Chi cục QLTT Quảng Ninh phát hiện 2,5 tấn nội tạng động vật đã bị thối vv…
Các chuyên gia y tế cũng cho biết, có 8 loại rau chứa nhiều dư lượng thuốc BVTV nhất là rau cải, đỗ, dưa chuột, giá đỗ, cà chua, khổ qua, rau muống, rau ngót… Các loại trái cây, cá, thịt, bún, miến… cũng bị những tư thương vô lương tâm sử dụng hóa chất.
Kết quả giám sát trong 6 tháng đầu năm 2016 của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho thấy: Tỉ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%, mẫu thủy sản chứa kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tới đây, phải đẩy nhanh liên kết theo chuỗi giá trị
Đại tá Phan Mạnh Thông, C49 –Bộ Công an đã chỉ ra những vấn đề căn bản: Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng hầu hết nhập khẩu từ nhập thức ăn chăn nuôi đến phân bón, giống cây con.
Gần 100% thuốc BVTV nhập khẩu, trong đó trên 90% từ Trung Quốc; nhiều vụ nhập giống cây con không qua kiểm dịch. Nhập cả gà thải loại, cá tầm có dư lượng kháng sinh rất cao. Kết quả kiểm tra các mẫu phân hữu cơ và vô cơ cho thấy tất cả đều không đảm bảo, đăng ký một đằng, thực tế một nẻo.
Thuốc BVTV, thuốc kháng sinh cũng không quản lý được, nên các doanh nghiệp nhập về sang chiết đóng gói; sử dụng kháng sinh cho gia cầm không đúng cách nên tồn dư kháng sinh. Chỉ có chủ động được nguồn vật tư, mới hạn chế được những chất không trong danh mục. Cơ chế trong quản lý vật tư nông nghiệp còn chồng chéo nên khi ngành Công an cần phối hợp, không biết làm việc với ai.
Điều mà ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đưa ra đáng phải suy ngẫm: 15 năm gần đây, việc chỉ đạo phát triển trâu bò thịt và đàn thủy cầm rơi vào quên lãng. Nghề nuôi ngan, vịt mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chưa được khuyến khích, vì lý do truyền mầm dịch cúm gia cầm, trong khi đó lại cho nhập vài trăm nghìn con bò sống từ Úc, Lào, Campuchia… giết mổ tại Việt Nam, mà không lo mang bệnh lở mồm long móng, lợn tai xanh, dịch tả… là vô lý.
Cũng theo ông Lê Bá Lịch, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chưa quản lý được. Công tác quản lý chất lượng thuốc thú y, vaccine yếu kém, khiến cho thuốc xấu, thuốc tốt tràn lan trên thị trường.
Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do mất ATTP
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản đưa ra giải pháp để nông sản Việt không bị đánh đồng là “bẩn” một cách vô lý, phải tái cấu trúc với việc đẩy mạnh liên kết tạo nguồn nguyên liệu ổn định; áp dụng triệt để kiểm soát ATTP; kiểm soát chặt và công khai chất lượng nguồn nguyên liệu, đặc biệt là kháng sinh. Kiểm soát chất lượng đầu vào, không để kinh doanh hàng kém chất lượng...
Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội cho rằng, người tiêu dùng cần sử dụng các “quyền lực mềm” để tẩy chay những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm ATTP. Đặc biệt, cần làm sạch đội ngũ chống buôn lậu trước khi chống thực phẩm bẩn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tới đây, vấn đề quan trọng phải đẩy nhanh là liên kết theo chuỗi giá trị, từ cung ứng tới khâu tiêu thụ, để đảm bảo chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa cả trong nước và quốc tế. Bộ NN&PTNT sẽ hình thành hệ thống chợ đầu mối nông sản an toàn trên cả nước, nhằm hạn chế lượng nông sản mất an toàn.