Một bức ảnh hiếm đã xuất hiện trên tài khoản Telegram Fighterbomber, được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với Không quân Nga. Một số người thậm chí còn khẳng định, tài khoản này do một phi công Không quân Nga điều hành.
Hình ảnh được cho là cho thấy sao chổi C/2023 A3, còn được gọi là Tsuchinshan -ATLAS hoặc Zijinshan - ATLAS.
Theo Fighterbomber, bức ảnh được chụp từ buồng lái của một chiến đấu cơ Su-35 của Nga.
Bức ảnh chụp cảnh từ trên cao trên những đám mây, với một khu vực đông dân cư bên dưới được thắp sáng bởi ánh đèn thành phố. Trên bầu trời phía trên, có thể nhìn thấy một vật thể nhỏ màu trắng với đuôi hình nón đặc trưng của sao chổi. Tuy nhiên, địa điểm chính xác nơi bức ảnh được chụp vẫn chưa được xác định.
Được phát hiện vào tháng 1/2023, sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan – ATLAS) đã được xác định gần như đồng thời bởi hai đài quan sát độc lập - Đài quan sát Tsuchinshan của Trung Quốc và hệ thống ATLAS có trụ sở tại Hawaii.
Giống như các sao chổi khác, thiên thể băng giá này quay quanh Mặt trời, và khi nó đến gần hơn, nhiệt độ khiến băng của nó bốc hơi, tạo ra một cái đuôi khí và bụi tuyệt đẹp.
Các tính toán ban đầu cho thấy, sao chổi sẽ đi qua Trái đất khá gần vào mùa thu năm 2024. Tại thời điểm đó, có thể nhìn thấy bằng mắt thường nếu nó tiếp tục sáng lên.
C/2023 A3 đi theo quỹ đạo rất dài, nghĩa là nó đang quay trở lại hệ mặt trời sau một thời gian dài vắng bóng - có thể là hàng nghìn hoặc thậm chí hàng triệu năm.
Mặc dù dự đoán về độ sáng của C/2023 A3 vẫn chưa chắc chắn, nhưng triển vọng thì đầy hứa hẹn. Nếu điều kiện vẫn thuận lợi và sao chổi không tan rã khi đến Mặt trời, nó có thể tạo nên một màn trình diễn ngoạn mục trên bầu trời, có khả năng nhìn thấy ngay cả từ các khu vực đô thị đang bị ô nhiễm ánh sáng.
Đối với các nhà thiên văn học và người ngắm sao, sự kiện hiếm hoi này là cơ hội duy nhất để nghiên cứu sao chổi từ vùng ngoài của hệ mặt trời. Cơ hội chứng kiến một thiên thể như vậy ở cự ly gần có thể khiến đây trở thành một trong những hiện tượng sao chổi đáng chú ý nhất trong những năm gần đây.
Có những tuyên bố rằng, sao chổi C/2023 A3 chỉ có thể đi qua Trái Đất một lần trong 70.000 năm, dựa trên quỹ đạo của nó, điều này rất có thể xảy ra.
Các sao chổi chu kỳ dài như sao chổi này thường bắt nguồn từ Đám mây Oort và đi theo quỹ đạo hình elip cực kỳ dài. Những vật thể này có thể mất hàng nghìn đến hàng triệu năm để hoàn thành một quỹ đạo duy nhất quanh Mặt Trời.
Các tính toán quỹ đạo cho thấy, đường đi của C/2023 A3 có độ lệch tâm cao, và sự trở lại của nó sau một thời gian dài vắng bóng cho thấy nó có thể đã dành phần lớn thời gian ở xa trong hệ mặt trời trước đây.
Nếu ước tính này đúng, quỹ đạo của sao chổi có thể có nghĩa là sau chuyến bay ngang qua năm 2024, nó sẽ không quay trở lại trong hàng chục nghìn năm. Điều này khiến cho chuyến bay sắp tới thậm chí còn thú vị hơn đối với các nhà khoa học và người quan sát bầu trời.
Đối với bức ảnh được cho là do một phi công trên máy bay Su-35 của Nga chụp trong khi sao chổi đi qua, điều này vẫn chưa được các tổ chức thiên văn chính thức hoặc các phương tiện truyền thông lớn xác minh.
Nếu tuyên bố này là đúng, thì đây sẽ là một sự kiện cực kỳ hiếm. Mặc dù chắc chắn có thể một phi công đã chụp được một bức ảnh như vậy, nhưng việc chụp ảnh sao chổi từ máy bay chiến đấu sẽ là một thách thức đáng kể.
Sao chổi như C/2023 A3, tuy sáng, nhưng thường xuất hiện dưới dạng các vật thể mờ nhạt, phát sáng, khó có thể phát hiện từ mặt đất, chứ đừng nói là từ trên không.
Việc quan sát sao chổi từ máy bay là một hiện tượng hiếm gặp do các lớp khí quyển mà phi công bay qua, và thực tế là máy bay không được thiết kế để quan sát thiên văn.
Có vẻ hợp lý hơn khi bức ảnh được chụp bằng thiết bị chuyên dụng trên máy bay, thay vì một phi công tình cờ phát hiện ra sao chổi trong một chuyến bay thường lệ.
Cho đến khi có xác nhận từ NASA, ESA hoặc các cơ quan thiên văn đáng tin cậy khác, nên thận trọng về tính xác thực của bức ảnh này.
Mặc dù câu chuyện về việc phi công nhìn thấy rất hấp dẫn, nhưng nên thận trọng cho đến khi có xác minh chính thức.