Stratobus - khinh khí cầu của tương lai

Nếu ai đó nghĩ rằng các thiết bị bay do thám không người lái là sáng chế vượt trội thì phải suy xét lại, bởi một công ty hàng không vũ trụ của Pháp đang chế tạo cả một khinh khí cầu do thám từ vũ trụ còn đáng gờm hơn thế.

Stratobus - khinh khí cầu của tương lai

Được Bộ Công nghiệp và Công nghệ Số của Pháp lựa chọn, Stratobus là dự án khinh khí cầu không gian được thực hiện dưới cái bắt tay của nhiều đối tác, trong đó Thales Alenia Space là nhà thầu chính.

Giải phẫu công nghệ làm nên Stratobus

Được thiết kế để hoạt động trên tầng bình lưu ở độ cao 20 km so với mặt đất, khinh khí cầu không gian Stratobus với trọng lượng khoảng 5 tấn, dài 100 m và đường kính tối đa 33 m, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để hoạt động. Nhờ sử dụng công nghệ xanh, Stratobus tạo ra rất ít khí thải. Lượng khí thải này nhỏ hơn nhiều so với lượng khí thải do một máy bay tư nhân loại nhỏ tạo ra. Với khả năng duy trì hoạt động trong khoảng thời gian 5 năm và chỉ cần bảo dưỡng vài ngày trên mặt đất mỗi năm, loại công nghệ nằm hoạt động trong tầm cao ở khoảng giữa thiết bị bay không người lái và vệ tinh này tạo ra một sản phẩm có chi phí sản xuất tuy thấp nhưng có khả năng bao quát một khu vực cố định lớn, đồng thời là giải pháp lý tưởng để hỗ trợ hoạt động của vệ tinh.

Stratobus - khinh khi cau cua tuong lai - Anh 1

Khinh khí cầu không gian Stratobus hội tụ những công nghệ tiên tiến. Hệ thống tích tụ ánh sáng mặt trời cùng các tấm pin được bố trí nằm bên trong khinh khí cầu giúp Stratobus giảm cân nặng và tiết kiệm diện tích bề mặt. Cấu tạo vòng xoay tiên tiến cho phép khinh khí cầu tự quay để đón lượng ánh sáng mặt trời tối đa nhằm tạo ra đủ lượng pin cung cấp năng lượng cho hoạt động vào ban đêm. Hai cánh quạt được bố trí hai bên giúp Stratobus ứng phó được với gió trong bầu khí quyển để duy trì vị trí hoạt động ổn định. Stratobus có thể tự điều chỉnh để thích ứng với vận tốc gió lên tới 90 km/h. Đây chính là những công nghệ giúp Stratobus tạo nên sự khác biệt so với các dự án khinh khí cầu hiện hành đang được theo đuổi tại Mỹ.

Một trong những lợi thế lớn của Stratobus là đặc điểm dễ dàng vận chuyển bằng cả ba đường biển, tàu hỏa và hàng không. Không yêu cầu hệ thống phóng, Stratobus chỉ cần một khu vực có kích thước bằng sân bóng để cất cánh và có khả năng đạt độ cao của tầng bình lưu trong chưa đầy 4 giờ đồng hồ.

Khả năng ứng dụng lớn

Stratobus là loại khinh khí cầu có tính ứng dụng cao cho cả hai mục đích dân sự và quân sự. Với các nhiệm vụ quan sát, hai công việc chính Stratobus có thể đảm nhận là theo dõi các địa điểm công nghiệp, biên giới, phát hiện sớm cướp biển; và quản lý môi trường như hiện tượng sạt lở, phát hiện ô nhiễm đại dương, giám sát thời tiết và quản lý lưu thông hàng hải. Riêng trong lĩnh vực đại dương, Stratobus có khả năng phát hiện tàu thuyền khả nghi ở khoảng cách 200 km, cảnh báo nhà chức trách và ngăn chặn nguy cơ cướp biển, đặc biệt là với các tàu chở dầu. Việc triển khai 4 hoặc 5 khinh khí cầu Stratobus để giám sát quanh năm đường biên giới dài 1.000 km dưới bất kì điều kiện thời tiết nào cũng là điều hoàn toàn khả thi.

Trong lĩnh vực viễn thông, khinh khí cầu Stratobus có thể được sử dụng ở những khu vực vẫn chưa tiếp cận được Internet, đồng thời hỗ trợ mạng lưới thu phát sóng GSM cho những sự kiện lớn như Olympic. Stratobus cũng có thể được sử dụng để phục vụ mục đích điều hướng hay trưng dụng trong trường hợp có thảm họa tự nhiên xảy ra để phục vụ các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, với tốc độ gió không vượt quá 90 km/h trong năm, các khu vực trong vành đai nhiệt đới có điều kiện phù hợp để triển khai khinh khí cầu Stratobus. Trong khi đó, bên ngoài vành đai nhiệt đới, Stratobus chỉ có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ theo mùa, như giám sát các đám cháy rừng vào mùa hè bởi vận tốc gió mùa đông ở nhiều nơi vượt quá ngưỡng cho phép theo thiết kế của Stratobus... Dự kiến, mẫu khinh khí cầu Stratobus đầu tiên có thể được xuất xưởng trong vòng 5 năm tới.

Theo Tin Tức TTX

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ