“Sốt” đất ở Quảng Nam - Đà Nẵng: Khởi tố vụ án lừa đảo, dân vẫn tin mua đất

GD&TĐ - Mặc dù Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra vụ lừa bán đất nền Khu dân cư Nam Cẩm Lệ và 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân (P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ) nhưng nhiều người dân vẫn đặt cọc, giữ chỗ để mua bán đất tại các dự án nói trên thông qua Công ty Quảng Đà.

Cơ quan công an đang tiến hành khám xét tại trụ sở của Công ty Quảng Đà. Ảnh: T.G
Cơ quan công an đang tiến hành khám xét tại trụ sở của Công ty Quảng Đà. Ảnh: T.G

Mua đất nền… trên giấy

Dự án Khu dân cư Nam Cẩm Lệ và 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân là không có thật. Khu đất trên là do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng quản lý và không giao cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, Công ty Quảng Đà đã tự “vẽ” ra “bản đồ chi tiết” để rao bán đất dự án và nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ của rất nhiều khách hàng từ giữa năm 2018.

Ban đầu, số tiền đặt cọc, giữ chỗ chỉ ở mức khoảng 100 triệu đồng/lô nhưng sau thời điểm Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Đà Nẵng khởi tố vụ án để điều tra, mặc dù thông tin này đã được tuyên truyền rộng rãi nhưng bà Nguyễn Thị Bích Thuận vẫn tiếp tục lừa bán đất và số tiền khách hàng đặt cọc, giữ chỗ đã tăng lên đến 500 - 800 triệu đồng/lô. Theo thống kê sơ bộ của công an TP Đà Nẵng, số tiền bà Thuận chiếm giữ từ việc lừa đảo bán đất ảo là khoảng trên 10 tỉ đồng.

Có mặt tại trụ sở Công ty Quảng Đà khi công an đang thực hiện việc khám xét, nhiều khách hàng thất thần cho biết, thời điểm mình tiến hành giao dịch thì trên các trang giao dịch bất động sản, giá bán của các lô đất thuộc những dự án trên là khá đắt và “chỉ cần chậm đặt cọc là đã có người khác mua với giá cao hơn”, một khách hàng chia sẻ.

Anh này cũng cho biết, khi đi xem đất thực tế thì thấy cơ sở hạ tầng đã tương đối hoàn chỉnh, nhân viên môi giới của công ty cũng hứa vào khoảng tháng 4 - 5, công ty mở bán và 6 tháng sau sẽ có sổ đỏ, “nhân viên của công ty cũng cho biết, đến ngày công ty mở bán, khách hàng cứ xem giấy tờ pháp lý, nếu thấy yên tâm thì chuyển từ giữ chỗ sang đặt cọc, còn nếu không thì công ty sẽ hoàn tiền lại”. Với chiêu thức như vậy, bà Thuận đã bán được gần như toàn bộ số đất nền của “dự án” do mình vẽ ra, trong đó, có người đặt cọc mua nhiều nhất là 12 lô với số tiền đặt cọc lên đến 6 tỉ đồng.

Lao đao vì đặt cọc, giữ chỗ

Cũng liên quan đến hình thức đặt cọc, giữ chỗ, 3 tháng trở lại đây, gần 1.000 khách hàng mua đất nền 3 dự án Sakura, Hera, Eco Future Park (thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư thông qua nhà phân phối là Công ty Hoàng Nhất Nam cũng đã đứng ngồi không yên vì vẫn chưa được bàn giao sổ đỏ.

Ông T.V.H - một khách hàng của Hoàng Nhất Nam kể đầy bức xúc: “Tại lễ mở bán của Công ty Hoàng Nhất Nam mỗi lô đất có giá khoảng 550 triệu đồng. Nhà phân phối nhận tiền đặt cọc của khách và có quy định thời điểm cụ thể để người mua phải nộp tiền theo tiến độ của dự án. “Chúng tôi dù nộp tiền đến 95% nhưng vẫn không phải là hợp đồng mua bán mà chỉ là hợp đồng góp vốn. Những phiếu giữ chỗ này được những người đầu tư sang tay kiếm lời, đẩy giá đất lên đến gần 2 tỉ đồng/lô. Đợi mãi vẫn không thấy bên Hoàng Nhất Nam gọi lên làm hợp đồng để ra sổ đỏ, chúng tôi tìm hiểu thì thấy dự án đang ngổn ngang, chỉ mới san ủi mặt bằng, cơ sở hạ tầng chưa có gì”.

Người dân quá cả tin?

Ông Nguyễn Hồng An, Quyền Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng cho biết, việc Công ty Quảng Đà dùng các lô đất trực thuộc quản lý của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng là ngoài tầm kiểm soát. “Chúng tôi không biết chuyện công ty này dùng các lô đất trên để bán mà chỉ đến khi có khách hàng đến tố cáo mới biết. Phía Trung tâm đã chủ động gửi văn bản sang Công an sau đó có tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, khách hàng được biết”, ông An nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) cũng cho biết, sau khi cơ quan công an khởi tố vụ án, các cơ quan chức năng của quận Cẩm Lệ cũng đã tuyên truyền rộng rãi cho người dân về tính pháp lý của các dự án trên địa bàn, đặc biệt là 121 lô đất ở đường Đô Đốc Lân. “Tuy nhiên, phía công ty Quảng Đà vẫn tiếp tục thực hiện việc lừa đảo. Phải nói thẳng là một phần cũng do do người dân khi thực hiện giao dịch mua bán đất đã quá cả tin, tin tưởng vào viễn cảnh của dự án do Công ty Quảng Đà vẽ ra”.

Một vị nguyên là lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, người dân nên thường xuyên cập nhật để tham khảo các thông tin về các dự án bất động sản đã được UBND thành phố phê duyệt, được chuyển quyền sử dụng đất, đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà trên Cổng Thông tin điện tử thành phố và website Sở Xây dựng.

UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn đôn đốc đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh các quy hoạch phân khu 1/2.000 tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc gửi Sở Xây dựng thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xem xét phê duyệt theo đúng quy định, làm cơ sở để xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án. Trong trường hợp quy hoạch phân khu 1/2.000 mất nhiều thời gian để điều chỉnh, chưa đủ điều kiện phê duyệt trong tháng 4, tỉnh sẽ xem xét cho phép 3 dự án của Công ty Bách Đạt An được triển khai xây dựng, đồng thời sẽ quy định thời hạn hoàn thành công trình, đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Trường hợp quá thời gian quy định và chủ đầu tư không thật sự tích cực thì sẽ thu hồi dự án, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khác có năng lực hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ