“Sốt” đất tại khu vực ngoại thành Hà Nội: Tránh “sóng” ảo

GD&TĐ - Đề án đầu tư, xây dựng các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì… thành quận vào năm 2020 của UBND TP Hà Nội đã “hâm nóng” và có tác động tích cực tới thị trường đất nền tại nhiều huyện ngoại thành sau một thời gian dài èo uột, “đóng băng”. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực hay chỉ là “sóng ảo”?

Nhiều dự án BĐS tại các huyện ngoại thành có tín hiệu khởi sắc sau hàng thập kỷ “đóng băng”
Nhiều dự án BĐS tại các huyện ngoại thành có tín hiệu khởi sắc sau hàng thập kỷ “đóng băng”

Thị trường khởi sắc

Cùng với các huyện trên, Báo GD&TĐ đã khảo sát tại một số dự án ở các huyện ngoại thành Đan Phượng, Hoài Đức như: Khu ĐTM Kim Chung - Di Trạch, Dự án KĐT Lideco, Khu ĐTM Lê Trọng Tấn - Geleximco, KĐT mới Sơn Đồng... Sau một thời gian dài “đóng băng”, thị trường bất động sản tại đây bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc với hàng loạt các văn phòng tư vấn, môi giới bất động sản hoạt động trở lại.

Tại khu vực xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), khá đông nhân viên tư vấn, nhân viên bán hàng của một số sàn giao dịch bất động sản được huy động “xuống đường” mời chào, giới thiệu cho khách về các dự án. Mức giá đất nền tại đây được rao bán dao động từ 25 - 55 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí.

Trong khi đó, tại một số dự án đình đám một thời nơi cửa ngõ Thủ đô như Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, KĐT Lideco sau gần một thập kỷ “đắp chiếu”, để cỏ mọc um tùm thì hiện nay nhiều nhà đầu tư đã quay lại nghe ngóng, tìm hiểu cơ hội sinh lời.

Anh Nguyễn Trường Sơn - nhân viên tư vấn Văn phòng BĐS An Phát cho biết, tại các dự án đình đám của huyện Hoài Đức và Đan Phượng trước đây có thời điểm mức giá được “thổi” lên từ 50 - 80 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi thoái trào đã kéo theo sự tháo chạy của giới đầu cơ khiến giá đất tại đây “tuột dốc không phanh”.

Thị trường đất nền các huyện ngoại thành Hà Nội gồm Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh bắt đầu rục rịch tăng giá khi Đề án đầu tư, xây dựng các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020 của UBND TP Hà Nội được thông báo rộng rãi. Ngoài một số dự án Hà Nội đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục triển khai thực hiện được giới đầu cơ tìm đến như: KĐT An Thịnh; KĐT Sơn Đồng; dự án Hoàng Kim - Vân Canh… thì những mảnh đất có vị trí đẹp vùng ven cũng được giới đầu tư “săn lùng” với kỳ vọng sẽ sinh lợi nhuận lớn trong tương lai.

Tại những khu vực như xã Vân Canh, xã An Khánh (huyện Hoài Đức), xã Tân Lập, Tân Hội (Đan Phượng), thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh)... đất nền được “cò đất” dán tờ rơi rao bán khắp nơi với mức bình quân từ 15 - 45 triệu đồng/m2. Cá biệt có những vị trí đất nền gần các dự án được “hét giá” lên đến 80 - 120 triệu đồng/m2.

Người dân cần tỉnh táo kiểm tra yếu tố pháp lý của dự án và lô đất trước khi đầu tư để tránh rơi vào “sóng ảo”
Người dân cần tỉnh táo kiểm tra yếu tố pháp lý của dự án và lô đất trước khi đầu tư để tránh rơi vào “sóng ảo” 

Cần thận trọng khi đầu tư

Chuyên gia tài chính Nguyễn Hoàng - Giám đốc Viện Huấn luyện Tài chính Bất động sản nhận định, giá đất tăng nhanh trước tiên liên quan đến tâm lý của người dân. Khi các huyện ngoại thành Hà Nội có lộ trình lên quận, dù thông tin này có từ lâu nhưng bây giờ rõ nét hơn thì các doanh nghiệp tiến về các huyện này để đầu tư, đón đầu xu thế. Ngoài ra, khi các doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư như vậy liên quan đến các ô đất lớn, giải phóng đền bù tạo ra tâm lý người dân sẽ đẩy giá đất lên cao, để được tiền đền bù từ dự án. Theo thông tin từ cơ quan chức năng của các huyện thì số lượng dự án tại trong thời gian qua tăng lên rất nhanh.

Từ huyện lên quận tạo ra sự chuyển đổi về cơ sở hạ tầng, quận phải thỏa mãn một số tiêu chí mà trước đó huyện chưa đáp ứng đủ. Khi lên quận sẽ được đầu tư: Đường giao thông to hơn, mật độ dân cư, như vậy sẽ xây dựng thêm nhiều nhà kéo thêm nhiều cư dân về ở dẫn đến việc đầu cơ đất. “Tuy người dân xung quanh khu vực có thể hưởng lợi về cơ sở hạ tầng, tuyến đường dẫn về khu dự án khi các huyện lên quận. Đầu tư được cũng tốt nhưng chủ yếu người dân phải cân nhắc, tính toán kỹ trước khi đầu tư”, chuyên gia Nguyễn Hoàng cảnh báo.

Theo ông Trần Khánh Giang - Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Việt nhận định, năm nay giá đất được đánh giá tăng lên nhưng sẽ không nhiều. Việc tăng giá đất tùy theo vị trí và khu vực cụ thể. Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung - một chuyên gia bất động sản có nhiều dự án từng đầu tư tại các huyện ngoại thành Hà Nội thì cho rằng, giá đất tại Hoài Đức và một số huyện ngoại thành “nóng” lên cũng hợp lý, bởi việc đầu tư cho hạ tầng và các hoạt động tiện ích khác.

“Cơ sở hạ tầng tại Hoài Đức đang triển khai rất tốt, chỉ còn chờ thời gian Hoài Đức sẽ là quận vệ tinh của TP Hà Nội, rõ ràng việc tăng giá đất nơi đây không phải là cả huyện mà chỉ là khu vực dự án được đầu tư bài bản, cái lõi hay tâm sóng xung quanh dự án tốt sẽ là các điểm được hưởng lợi chính, chứ không vì thế mà cả huyện kích giá lên một cách đột biến được”, ông Nguyễn Thành Trung nhận định.

Theo ông Trung, việc từ huyện lên quận chỉ là một yếu tố tăng trưởng, còn lại thói quen của người Việt chủ yếu là tăng trưởng “tin đồn” luôn là tăng trưởng nhanh nhất. Trong năm nay sẽ tăng giá cho cả 3 năm tới, đến cuối năm sẽ kịch trần và đến 3 năm nữa giá sẽ đi ngang, tăng giá tin đồn tăng khoảng 80% độ tăng giá chuẩn và phải đợi một thời gian dài để “hiện thực hóa” tin đồn nên thời gian đợi này khoảng 2 - 3 năm. “Cần phải kiểm tra yếu tố pháp lý của dự án hoặc mảnh đất trước khi mua, bởi mua ồn ào trong thời gian này nhiều người bị mù quáng, cứ thấy có đất là mua mà không quan tâm nhiều đến yếu tố pháp lý đặc biệt là các khu đất xen kẹt giá thấp đột biến, nhiều người nghĩ lên quận là làm được sổ đỏ sẽ rất mạo hiểm”, ông Nguyễn Thành Trung cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.