Sống trong vùng hiểm nguy

GD&TĐ - Trong ngày 26/7, tại 2 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 4 vụ động đất nhỏ, khiến người dân hoang mang. Tại khu vực gần Thủy điện Sông Tranh, người dân cảm thấy bất an, chính quyền địa phương lo lắng. Không chỉ vậy, tại tỉnh này, tình trạng sạt lở do mưa lũ, triều cường cũng diễn biến ngày một phức tạp.

Hệ thống kè dựng lên bảo vệ bờ biển Cửa Đại
Hệ thống kè dựng lên bảo vệ bờ biển Cửa Đại

Những vụ sạt lở kinh hoàng

Một người dân thôn Đàn Bộ, thị trấn Trà Mỹ, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, ông Đỗ Quang, là người may mắn sống sót trong một trận sạt lở núi, tháng 11/2017. Tới nay, cảnh tượng kinh hoàng vẫn còn rõ ràng trong tâm trí ông. “Suốt đời tôi không thể quên vụ lở đất. Khi được tin tôi vội vã chạy về, nhưng tìm hoài mà không thấy cha tôi, em tôi ở đâu”.

Vụ sạt lở đó đã chôn vùi người cha và chị dâu của ông Quang. Khi chúng tôi tới thôn 2 xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, đã được nghe đồng bào Ca Dong ở đây kể lại những ký ức đau buồn. Sạt lở đất trong một vùng có 78 hộ đồng bào thiểu số sinh sống. Cuộc sống của họ vốn đã thiếu thốn, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn. Một người dân trong thôn kể lại, vụ sạt lở đất diễn ra rất nhanh, người dân hoảng loạn tháo chạy. Có gia đình cả 5 người đều bị vùi trong đất, may có lực lượng cứu hộ tới kịp thời mới thoát chết.

Vụ sạt lở ập đến vào chiều ngày 6/11/2017 đã làm cho 5 người của thôn 2 bị chết, 9 người bị thương. Ngôi làng bỗng chốc tan hoang. Người dân đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Khi nói về sạt lở, người dân trong thôn tỏ ra bồn chồn lo lắng, vì mùa mưa bão đã đến, nước suối lên nhanh, đất bạc màu ngậm nước lâu ngày trở nên nhão, yếu. Nhưng biết đi đâu khi mà tiền không có, nghề cũng không. Đành phải sống trong nỗi lo sợ và cầu mong mọi sự bình yên.

Trong năm 2017, riêng huyện Nam Trà My, mưa lũ, sạt lở đất đã làm 7 người chết, trong đó có 6 người chết do bị sạt lở núi, 1 người nước cuốn trôi. 14 người bị thương. Thôn 3, xã Trà Vân có đến 144 ngôi nhà bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền phải di dân đến khu vực Khe Chữ, được coi là an toàn hơn.

Tới nay, tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, như Bắc Trà My, Tiên Phước... khi mưa bão, người dân lại lo sạt lở. Kể cả bờ biển Cửa Đại của thành phố Hội An, người ta cũng hết sức lo lắng khi sóng liên tục “ngoạm” sâu vào đất liền. Chính quyền đã tốn rất nhiều tiền của, công sức trị thủy nhưng bờ biển vẫn sạt sở. Kè biển được dựng lên nhưng không chống đỡ nổi những con sóng dồn dập. Những ngày mưa to gió lớn, trong màn mưa trắng trời trắng đất, bờ biển Cửa Đại thật mong manh.

Người dân thôn 3 (xã Trà Vân, Nam Trà My, Quảng Nam) di dời tới khu vực Khe Chữ lập làng mới trong muôn vàn khó khăn
 Người dân thôn 3 (xã Trà Vân, Nam Trà My, Quảng Nam) di dời tới khu vực Khe Chữ lập làng mới trong muôn vàn khó khăn

Sống bên cạnh những “quả bom nước” 

Ngày 26/7 vừa qua, Viện Vật lý địa cầu cho biết, khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra đến 4 trận động đất trong một ngày. Người to gan nhất ở đây thì cũng đã cảm thấy bất an. Nói như ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc thì bà con rất lo lắng, không hiểu sao động đất xảy ra thường xuyên. “Chắc phải có lý do gì đó” - ông Lợi thắc mắc. Có lẽ thắc mắc mà ông Chủ tịch xã không dám nói ra chính là nghi vấn của nhiều người dân trong vùng. Họ cho rằng công trình thủy điện đồ sộ kia là nguyên nhân, tuy rằng cơ quan chức năng bác bỏ điều đó. 

Để đối phó với tình hình, chính quyền địa phương đã phải tập huấn phòng chống động đất cho dân. Hơn 200 cán bộ từ cấp huyện đến xã, thôn, giáo viên các trường ở huyện Bắc Trà My được tập huấn. Nhưng nỗi lo thì vẫn còn đó. Được biết Thủy điện Sông Tranh 2 thiết kế chịu đựng được động đất ở mức 5,5 độ Richter, và khu vực này chưa bao giờ xảy ra động đất mức 4,7 độ Richter. Nên vẫn trong ngưỡng an toàn. Nhưng ai mà biết trước được. Ngộ nhỡ, động đất mạnh, “quả bom nước” thủy điện kia nổ tung, hậu họa không kể sao cho xiết.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa nước thủy lợi, với tổng dung tích hữu ích là 515 triệu m3 nước; tổng diện tích lưu vực là khoảng 585,4 km2.

Thật đáng lo ngại khi mới đây, cơ quan chức năng cho biết đối với các hồ chứa nước thủy lợi do địa phương quản lý, khai thác, qua kiểm tra có khoảng 30 hồ chứa có hiện tượng sụt lún, xói lở mái thượng, hạ lưu đập, lòng hồ bị bồi lấp, cửa cống và thiết bị đóng mở xuống cấp rò rỉ, tràn xả lũ bị bong vữa, nứt nẻ hoặc là tràn đất tự nhiên có khẩu độ còn nhỏ, khả năng thoát lũ lũ kém, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Cụ thể, số lượng đập bị thấm là 18; biến dạng là 8; xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng là 5. Những con số lạnh lùng và cũng khơi lên nỗi lo ngại lạnh lùng.

Khi chúng tôi tới đây, vẫn còn được nghe người dân nói rằng, mùa mưa bão lại tới rồi! Câu nói đơn giản vậy thôi nhưng chất chứa nỗi lo - nỗi lo của những người buộc phải sống trong vùng hiểm nguy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.