Phát biểu hôm 6/7, Tổng thống Philippnes Rodrigo Duterte nói rằng, Philippnes cần duy trì quan hệ mạnh với Trung Quốc bởi người khổng lồ kinh tế này sẽ đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu trong các thập kỷ tới.
Ông cũng nói Philippines sẽ “trông cậy vào Trung Quốc như một người bạn và một đối tác vì hòa bình và phát triển”. Ông đề xuất tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng và liên can một cách hòa bình để tiếp tục xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Tổng thống Duterte là người theo đuổi chính sách đối ngoại xa rời khỏi các cường quốc phương Tây như Mỹ. Điều này khác với người tiền nhiệm, ông Benigno Aquino, người vừa qua đời và được cử hành lễ tang trong tuần này.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, ông Duterte đã giành được các cam kết cho vay và đầu tư trị giá tới 1,2 nghìn tỉ USD từ Trung Quốc để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Tuy nhiên, quan điểm của Tổng thống Duterte gây nhiều tranh cãi từ trong nước. Những người chỉ trích chính sách của ông nói rằng, mới chỉ có số ít các cam kết đầu tư và cho vay được hiện thực hóa.
Trong một phát biểu mới đây, luật sư, nhà nghiên cứu cao cấp Michael Henry Yusingco - thuộc Trung tâm Chính sách Đại học Ateneo De Manila - nói rằng, những ưu nhược điểm của các thỏa thuận hạ tầng với đối tác cần phải được thảo luận công khai, Thượng viện phải nhận trách nhiệm việc này và ít nhất họ có thể tham vấn Tổng thống về khía cạnh tình cảm của công chúng về vấn đề này.
Ông Yusingco nói rằng, đối tác đang thúc đẩy lập trường quyết đoán hơn trên toàn cầu, nên Tổng thống Philippines phải chú trọng đến một chính sách đối ngoại đa phương và sử dụng chủ nghĩa song phương như một chiến lược bổ sung.
Trong khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang tăng thì nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, Philippines nên theo đuổi một chính sách đối ngoại không liên kết để có lợi nhiều hơn.
Nhiều cường quốc cũng có những nền tảng viện trợ phát triển đối tác của riêng họ, song các chuyên gia cho rằng Philippines nên xem xét lại tất cả các dự án viện trợ phát triển chính thức từ đối tác để đánh giá sự tuân thủ pháp luật quy định hiện hành, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường và quản trị tốt.
Họ cho rằng, Philippines nên theo đuổi các dự án cơ sở hạ tầng dựa trên nhu cầu của đất nước, chứ không phải là cách để thể hiện mối quan hệ nồng ấm. John Paolo Rivera, một kinh tế gia thuộc Viện quản lý châu Á, nhận định, Philippines nên đánh giá liệu những lợi ích kinh tế từ đối tác có vượt chi phí hay không, đó là quy tắc cơ bản để quyết định có đáng tham gia một thỏa thuận.
“Sẽ thú vị cho Philippines cân nhắc giữa chi phí và lợi ích của một chính sách đối ngoại độc lập thực sự bằng việc tuân thủ cách tiếp cận không liên kết. Có nhiều bài học có thể học được từ những nền kinh tế trung lập”.
Tất nhiên, ngoài lợi ích những dự án lớn từ đối tác thì Philippines cũng có nhiều quan ngại về những yêu sách gây hấn trên biển. Làm sao cân bằng được lợi ích kinh tế mà không phải nhượng bộ các yêu sách chủ quyền đó là cả một bài toán phức tạp. Vì thế,
Philippines vẫn muốn dựa vào liên minh quân sự với Mỹ. Trong tháng Sáu vừa qua, một lần nữa Philippines đình chỉ quyết định hủy bỏ Thỏa thuận Lực lượng viếng thăm (VFA) – một thỏa thuận điều chỉnh sự hiện diện của Mỹ tại Philippines.
Đây là lần thứ ba Philippines trì hoãn hủy bỏ thỏa thuận – lẽ ra hết hạn vào tháng Tám, để Tổng thống Duterte có thêm 6 tháng đánh giá những quan ngại của ông.
Việc trì hoãn này được Lầu Năm Góc hoan nghênh, song không ít người của cả hai bên thất vọng vì thỏa thuận không được gia hạn và đang thúc đẩy mạnh mẽ để có được sự gia hạn đó.